Chuyên gia chia sẻ câu chuyện chọn ngành, chọn nghề từ trải nghiệm của bản thân

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ trải nghiệm ý nghĩa của bản thân và quá trình làm nghề bền bỉ, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đã trao đổi với hơn 1.000 học sinh cấp THPT tại Hà Nội câu chuyện về hướng nghiệp, chọn ngành, chọn nghề...

Đi đến cùng với lựa chọn

Nhằm giúp học sinh THPT, đặc biệt là học sinh lớp 12 nhìn rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; có nhận thức, định hướng nghề nghiệp đúng đắn, các chuyên gia đã kể nhiều câu chuyện và trải nghiệm của mình trong việc chọn ngành, chọn nghề; từ đó mang đến lời khuyên hữu ích cho các em trên con đường lựa chọn nghề nghiệp và theo đuổi ước mơ.

Bác sỹ Đỗ Doãn Bách-  trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022  chia sẻ lí do đến với nghề y.
Bác sỹ Đỗ Doãn Bách-  trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022  chia sẻ lí do đến với nghề y.

Bác sỹ Đỗ Doãn Bách, công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai - 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 cho biết, anh sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành y nhưng trước đó, chưa bao giờ anh có ý định nối nghiệp gia đình vì thấy nghề này quá vất vả. Vậy mà, một sự việc bất ngờ xảy đến hồi anh học cấp III khiến định hướng nghề nghiệp của anh thay đổi.

Đó là, trong một ngày đến lớp, cậu học trò Đỗ Doãn Bách chứng kiến một bạn học sinh trong trường lên cơn co giật và ngất xỉu. Khi tất cả mọi người xung quanh đều lo lắng, cuống cuồng không biết làm gì thì từ kiến thức được do bố mẹ truyền dạy và hướng dẫn, Bách đã bình tĩnh thực hiện các bước sơ cứu, giúp bạn qua cơn nguy kịch. Cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ bến khi giúp đỡ người khác chữa bệnh, Bách bắt đầu suy nghĩ lại về định hướng nghề nghiệp và chọn gắn bó với nghề y. Và với đam mê với môn Sinh từ nhỏ, Bách mạnh dạn lựa chọn chuyên ngành tim mạch.

Theo BS Đỗ Doãn Bách, tuy có thời gian học rất dài so với các ngành nghề khác, quá trình học tập vô cùng vất vả nhưng cơ hội việc làm của ngành y là rất lớn. Hiện nay, tỷ lệ các bác sĩ của Hà Nội mới chỉ đạt gần 11 bác sĩ/1.000 dân. Nguồn nhân lực thiếu, trong khi đó ngành y là khối ngành dọc thu hút rất nhiều nhân lực: bác sĩ, nhân viên y tế, điều dưỡng, dược sĩ… với nhiều chuyên ngành phong phú.

“Học sinh lựa chọn ngành y sẽ có cơ hội làm việc tại các bệnh viện tư nhân và bệnh viện nhà nước, các công ty dược phẩm… Tôi cũng dành cho các bạn lời khuyên khi lựa chọn ngành y; đó là bên cạnh đam mê cần phải hiểu xem bản thân mình có năng lực thế nào và lựa chọn nghề nào thì phải có trách nhiệm với nghề nghiệp đó”, BS Đỗ Doãn Bách cho biết.

Câu chuyện đôi giày và 5 bước chọn nghề

Tại chương trình đối thoai, tư vấn, hướng nghiệp do báo Tuổi trẻ Thủ đô chủ trì tổ chức, Thạc sĩ Đặng Thị Ngọc Quyên, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Trưởng phòng Hợp tác, Trường ĐH Anh quốc Việt Nam chia sẻ về vấn đề áp lực tâm lý trước mỗi kỳ thi. Theo đó, có một điều rất quan trọng, giúp học sinh có tâm thế chủ động, đó là sự sẵn sàng; ngoài việc thực sự sẵn sàng về mặt kiến thức thì học sinh phải sẵn sàng về tâm lý cũng như sẵn sàng đón nhận những thử thách.

Thạc sĩ Đặng Thị Ngọc Quyên, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Trưởng phòng Hợp tác, Trường ĐH Anh quốc Việt Nam nói về 5 bước chọn nghề
Thạc sĩ Đặng Thị Ngọc Quyên, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Trưởng phòng Hợp tác, Trường ĐH Anh quốc Việt Nam nói về 5 bước chọn nghề.

Thạc sĩ Ngọc Quyên cho biết, mình từng thi trượt vào khoa tiếng Pháp - ĐH Sư phạm Hà Nội. Thời điểm đó, chị thấy rất buồn khi ước mơ của mình vụt tắt. Tuy nhiên, giờ đây nhìn lại, chị biết ơn thất bại đó bởi trong quá trình ôn tập, chờ thời gian thi tiếp, chị đã học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh để đối mặt với thách thức tiếp theo.

Từ câu chuyện của mình, thạc sĩ Ngọc Quyên mong muốn các học sinh hãy mạnh dạn đối diện thách thức và làm việc gì, hãy làm hết mình bởi có như vậy mới học được nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc và cuộc sống.

Học sinh cấp THPT có nhiều băn khoăn về lựa chọn nghề nghiệp.
Học sinh cấp THPT có nhiều băn khoăn về lựa chọn nghề nghiệp.

Là một chuyên gia có nhiều năm tham gia công tác hướng nghiệp, mượn câu chuyện qua trò chơi về “đổi giày”, thạc sĩ Ngọc Quyên chia sẻ với học sinh 5 bước lựa chọn ngành nghề để có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn.

Theo đó, bước đầu tiên là học sinh phải hiểu mình mong muốn gì, như hiểu chân mình đi giày cỡ bao nhiêu để chọn giày (nghề nghiệp) mình mong muốn nhất.

Thứ hai, phải hiểu về nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Ví như lựa chọn giày đi chơi thể thao, giày đi dự sự kiện… Nghề nghiệp mình lựa chọn cần kiến thức, kỹ năng hay tính cách của người học như thế nào

Thứ ba là cần phải hiểu môi trường đào tạo. Cũng giống như việc hiểu nhà cung cấp giày là ai, giá thành ra sao, phù hợp với khả năng mình không?

Thứ tư, cần trải nghiệm nghề, ví như việc lên các trang tuyển dụng xem đặc điểm nghề như nào, hỏi các thầy cô, anh chị đi trước để hiểu sâu về nghề; định hướng theo nghề nào thì sẽ tiếp cận với người làm nghề đó, giống như đi một đôi giày mới, chúng ta phải đi đi lại lại để xem có phù hợp không.

Thứ năm, lập kế hoạch và ra quyết định. Thử giày rồi, cần phải lập kế hoạch thích đi giày đó rồi thì phải làm thế nào để tiết kiệm được tiền mua; giống như mục tiêu đến trường nào, xem xét kỹ mốc thời gian tuyển sinh của từng trường…

"Sau khi làm đủ 5 bước trên, các học sinh sẽ phần nào biết định hình và có được sự lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp của mình", thạc sĩ Ngọc Quyên bày tỏ.