Chuyên gia nói gì khi đại biểu Quốc hội đề nghị Việt Nam cần công bố hết dịch Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người quan tâm đến thời điểm công bố hết dịch Covid-19 khi Việt Nam đã bước sang ngày thứ 61 không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Tính đến ngày 16/6, Việt Nam đã trải qua 61 ngày không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Trước tình hình đó, có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần công bố hết dịch Covid-19.
Đơn cử, phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV về việc phục hồi kinh tế hậu Covid-19, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất, kinh doanh trong nước, phát huy động lực kép và sức mạnh Việt Nam để phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Đặc biệt, Việt Nam cần công bố hết dịch Covid-19.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân thông tin, số liệu từ các cơ quan dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 18% đầu tư nước ngoài có thể giảm 30%, du lịch giảm 50% và thương mại quốc tế giảm 15%.
Việt Nam vẫn chưa tính đến việc công bố hết dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Tú
Sau khi phân tích, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh kiến nghị: “Với kết quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam, chúng ta cần công bố hết dịch trong nước với 3 tiêu chí. Thứ nhất là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 50 người, thực tế là 3,4 người. Thứ hai là tỷ lệ người đang phải điều trị không quá 1 người/1 triệu dân, thực tế chỉ 0,2 người. Thứ 3 là không có người chết”.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Việt Nam cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất, kinh doanh trong nước, phát huy động lực kép và sức mạnh Việt Nam để phát triển kinh tế, ổn định xã hội và đặc biệt là Việt Nam cần công bố hết dịch Covid-19.
Nói về tình hình dịch Covid-19 trong thời gian sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất lớn. "Việt Nam như “một cánh đồng trũng” nước ở ngoài sông cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa. Chúng ta buộc phải giữ thật chặt nhưng không thể đóng cửa cực đoan mà phải thực hiện mục tiêu kép nhưng phải đảm bảo an toàn" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, nước ta vẫn chưa tính đến việc công bố hết dịch Covid-19. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia đánh giá, Việt Nam đang khống chế dịch tốt và khả năng xảy ra làn sóng thứ hai rất ít, tuy nhiên, chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch vì số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện bảo hộ công dân, đưa công dân Việt Nam kẹt lại ở nước ngoài hoặc có nhu cầu về nước. Vì vậy, Việt Nam vẫn có nguy cơ phát sinh thêm ca bệnh mới.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Do đó, nguy cơ ca bệnh Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam vẫn rất cao, chúng ta chưa thể lơi lỏng cảnh giác.
Về nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá, hiện nay, trên thế giới, mỗi ngày vẫn có hơn 100.000 người mắc Covid-19, hàng nghìn người tử vong. Nhiều nước ở châu Á bùng phát dịch, trong đó Trung Quốc đã bùng phát dịch bệnh trở lại.
Tuy trong 61 ngày qua, Việt Nam không phát hiện ca Covid-19 mới trong cộng đồng nhưng vẫn liên tục phát hiện các ca Covid-19 trong những người nhập cảnh vào Việt Nam. Các trường hợp này được cách ly ngay từ sân bay, không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng nếu chúng ta lơ là, dịch bệnh có thể bùng lên ngay.
“Dịch bệnh ở nước ngoài đang diễn ra hết sức phức tạp. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục làm tốt việc cách ly công dân Việt ở nước ngoài về, các chuyên gia, thương nhân nước ngoài vào Việt Nam... Việc mở cửa đường bay trở lại với các nước cũng có thể cân nhắc, nhưng vẫn phải tuân thủ điều kiện cách ly, kiểm soát được con người, cách ly ngay người nhập cảnh”- PGS.TS Phu khẳng định.
Qua đó, chuyên gia khuyến  cáo, nếu Việt Nam không làm tốt công tác việc "be bờ cho chặt", tức là kiểm soát người nhập cảnh, cách ly, tập trung, xét nghiệm ngay những người tiếp xúc để sàng lọc kịp thời, dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đồng thời, hệ thống phòng dịch của Việt Nam vẫn phải luôn cảnh giác, tăng cường giám sát với người có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Các bộ phận làm y tế dự phòng phải luôn sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh như khoanh vùng, dập dịch, khử khuẩn, cách ly các đối tượng tiếp xúc...
“Bài học gần đây nhất chính là sự bùng phát trở lại của Covid-19 ở Bắc Kinh (Trung Quốc), sau 56 ngày không có ca bệnh. Việt Nam mới có 61 ngày chưa có ca bệnh trong cộng đồng, chưa phải là thời gian an toàn. Chúng ta không nên có tư tưởng lơi lỏng, chủ quan khi các hoạt động thương mại, giải trí đã trở về bình thường. Người dân vẫn cần cảnh giác, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và đi khám khi có các dấu hiệu ho, khó thở..." - PGS.TS Phu lưu ý.