Xây dựng thành phố thông minh

Chuyên gia quốc tế hiến kế giúp Hà Nội tăng trưởng xanh

Huy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - châu Á 2023, các chuyên gia đến từ Indonesia, Ấn Độ, Singapore... đã chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp thúc đẩy phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam.

Phát triển đô thị thông minh cần được thực hiện trong thời gian dài, với sự gắn kết, tham gia của cả chính phủ, cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, và người dân. 

Trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - châu Á 2023 đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về các khuyến nghị nhằm sớm xây dựng Hà Nội và các thành phố thông minh khác tại Việt Nam.

Max Lua, Giám đốc Điều hành Công ty Singapore Contec

Max Lua, Giám đốc Điều hành Công ty Singapore Contec.
Max Lua, Giám đốc Điều hành Công ty Singapore Contec.

Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á trong 7-8 năm trở lại đây, với GDP hàng năm luôn ở nhóm dẫn đầu. Việt Nam đang có một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt cho phát triển đô thị thông minh. Với nền tảng cơ sở hạ tầng đó, chúng tôi có thể thấy rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút dòng vốn nước ngoài trong khoảng 3-5 năm gần đây.

Tại Việt Nam, chúng tôi đang thấy sự thay đổi diễn ra nhanh chóng và không ngừng. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh đang được thực hiện đồng bộ, tiêu biểu là dự án đường sắt đô thị đã và sắp được vận hành, qua đó góp phần kết nối người dân, doanh nghiệp. Điều này gợi nhớ tới Singapore khi Chính phủ và chính quyền thành phố đã thực hiện kế hoạch phát triển đô thị cho thủ đô trong vòng 30 năm qua. Có thể thấy, Việt Nam và Hà Nội đang đi đúng hướng.

Để hiện thực hóa mục tiêu đô thị thông minh của mình, Việt Nam cần chú trọng củng cố, tăng cường các hoạt động tài chính và logistics, vì đây là những yếu tố chủ chốt trong phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài. Chừng nào Việt Nam còn nắm giữ lợi thế về tài chính và logistics, thì các bạn sẽ sớm vượt qua các quốc gia khác trong khu vực.

Các sản phẩm, giải pháp công nghệ, đặc biệt là công nghệ 5G, sẽ có vai trò quyết định trong việc xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi luôn được phủ sóng bởi các nhà mạng.

Singapore có thế mạnh về du lịch, do vậy chúng tôi sử dụng các nền tảng viễn thông để phân tích dữ liệu, hình ảnh, và video về các hoạt động công cộng, nơi đông người. Từ đó, chính quyền sẽ dự đoán các hành động vi phạm pháp luật có thể xảy ra, và huy động lực lượng an ninh để duy trì an toàn cho người dân và khách du lịch.

Kok Chin Tay, Chủ tịch Smart Cities Network

Kok Chin Tay, Chủ tịch Smart Cities Network (Mạng lưới các thành phố thông minh).
Kok Chin Tay, Chủ tịch Smart Cities Network (Mạng lưới các thành phố thông minh).

Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong hoạt động xây dựng thành phố thông minh, đặc biệt là ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN.

Sự kiện hôm nay đã tập trung và nêu bật vấn đề liên quan đến dữ liệu trong việc xây dựng thành phố thông minh. Chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu vì đây là yếu tố hỗ trợ cơ quan nhà nước hoạt động và ra quyết định tốt hơn, nhận diện và phản hồi yêu cầu của người dân, và quan trọng nhất, xây dựng chính sách đảm bảo việc làm cho người dân trong cả nước.

Đối với khu vực công, chính phủ cần đảm bảo chính sách thu hút đầu tư nhất quán, hiệu quả. Đây là điều sẽ giúp nền kinh tế vững vàng và trở nên cạnh tranh hơn trong khu vực và thế giới. Các nhà đầu tư tại Singapore đã thực hiện nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam vì họ biết rằng Chính phủ Việt Nam đang có những bước đi đúng đắn. Thêm vào đó, Nhà nước còn phải làm nhiều điều để cải thiện mức độ hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam cần khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng hợp tác công-tư. Tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ phát triển mô hình khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển thành phố thông minh, và bồi dưỡng nhân tài, doanh nhân trẻ để thúc đẩy sự phát triển đó.

Kapil Chaudhery, Giám đốc Spatial Decision Vietnam

Kapil Chaudhery, Giám đốc Spatial Decision Vietnam (Công ty TNHH Giải pháp Không gian Việt Nam).
Kapil Chaudhery, Giám đốc Spatial Decision Vietnam (Công ty TNHH Giải pháp Không gian Việt Nam).

Chúng ta nên thực hiện chuyển đổi số lần lượt tại từng khu vực trong thành phố, điều này sẽ giúp người dân được tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng đô thị thông minh, và các giải pháp mang tính địa phương sẽ có hiệu quả cao hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên có thêm nhiều thảo luận tại hội nghị lần này. Chúng ta gặp gỡ, trò truyện, trao đổi ý kiến, và học thêm nhiều điều từ nhau.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, điều quan trọng là chúng ta phải có các dự án thực tế, vì mọi thứ mới chỉ mang tính lí thuyết mà chưa được kiểm chứng trong thực tế.

Chúng tôi đang thực hiện dự án cộng đồng có tên Sponge Gardens tại các thành phố lớn của Ấn Độ. Thực sự, tôi mong Hà Nội sẽ có những dự án tương tự, để cộng đồng và người dân có thể sở hữu không gian riêng, xanh, tự nhiên cũng như đô thị xanh, thông minh. Đây sẽ là nền tảng cho những hoạt động và ý tưởng trong tương lai.

Khái niệm “Đô thị thông minh” được thể hiện thông qua việc sử dụng thông minh các nguồn lực tài chính và môi trường, cũng như qua cách giao tiếp giữa người với người, chứ không phải chỉ là về công nghệ, kĩ thuật. Công nghệ hay kĩ thuật chỉ là công cụ để chúng ta xây dựng đô thị thông minh, trong khi thực tế cho thấy rằng hành động và quyết định mới là yếu tố quan trọng. Nếu chúng ta cảm thấy hạnh phúc với chất lượng sống của mình, điều này sẽ thúc đẩy năng suất lao động và đời sống ngày càng được nâng cao.

Trước đây, chúng tôi định thực hiện dự án đô thị thông minh tại ba thành phố lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án bị đình trệ do vấn đề tài chính và đại dịch Covid-19. Chúng tôi sẽ tái khởi động các dự án này, và thay đổi định hướng một chút. Đó là kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, vì chúng tôi hiểu rằng chỉ nguồn lực Nhà nước là không đủ để thực hiện dự án. Chúng tôi kì vọng rằng các dự án theo mô hình hợp tác công-tư (PPP) sẽ sớm được diễn ra và góp phần xây dựng đô thị thông minh tại Hà Nội.

Rein Gazalba, Giám đốc Điều hành Encosys Delameta Bilano

 

Rein Gazalba – Giám đốc Điều hành Encosys Delameta Bilano.
Rein Gazalba – Giám đốc Điều hành Encosys Delameta Bilano.

Là một doanh nghiệp đến từ quốc đảo Indonesia, chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp Việt Nam là VDI. Thông qua đối tác này, chúng tôi đang mở rộng sự hiện diện ở Việt Nam, và có thể đưa ra các giải pháp phát triển thành phố thông minh cho chính quyền và người dân địa phương.

Về cơ bản, Việt Nam và Indonesia có chung một số giá trị về xã hội, văn hóa, cũng như các vấn đề trong phát triển đô thị. Do vậy, chúng tôi mang đến sự kiện hôm nay những giải pháp đã được sử dụng rộng rãi tại Indonesia. Với sự hợp tác của VDI, chúng tôi kì vọng sẽ hỗ trợ chính quyền Hà Nội thực hiện mô hình thành phố thông minh, qua đó mang lại cuộc sống thuận tiện, dễ dàng hơn.

Mong rằng với sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Hà Nội, Encosys Delameta Bilano sẽ góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị thông minh.