Chuyện GS Việt kiều không được công nhận chuẩn hiệu trưởng Đại học Hoa Sen: Rào cản thu hút người tài?

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý, GS Trương Nguyện Thành - người từng giảng dạy, làm công tác tuyển sinh và quản lý học viên cao học tại ĐH Utah (Mỹ), được mời về Việt Nam, nhưng đã bị từ chối công nhận vị trí Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Hoa Sen.

Câu chuyện đang khơi lên tranh luận giữa việc trải thảm đỏ hút nhân tài và những chính sách được cho là còn cứng nhắc tại Việt Nam. 
 GS Trương Nguyện Thành
Lý giải về việc này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Luật Giáo dục ĐH 2012 quy định về một trong các tiêu chuẩn hiệu trưởng, trong đó có yêu cầu "có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 5 năm”. Tiêu chuẩn này như một điều kiện đảm bảo chất lượng quản lý đối với vị trí việc làm này. “Ở Việt Nam và nhiều nước khác đều cho thấy, hầu như không có Hiệu trưởng trường ĐH nào mà trước khi được bổ nhiệm lại chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực được giao quản lý. Càng các trường uy tín thì kinh nghiệm của các ứng viên Hiệu trưởng càng quan trọng. Đó cũng là một trong các căn cứ để lựa chọn hiệu trưởng tốt nhất trong số các ứng viên dự tuyển” - bà Phụng nhấn mạnh.

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi GS Trương Nguyện Thành là một nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng ở Mỹ, nhưng hiện tiêu chuẩn vẫn phải xét dựa trên Luật Giáo dục Việt Nam. Do đó, không đủ cơ sở pháp lý công nhận GS Thành là Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen. Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định trên thực chất không phù hợp, không liên quan đến vai trò, chức năng của Hiệu trưởng ĐH cũng đã quy định trong luật và Điều lệ trường ĐH.

Trường hợp của GS Trương Nguyện Thành đã và đang cho thây từ chủ trương đến hành động thực tế vẫn còn khoảng cách xa.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng bày tỏ, chuyện về GS Thành cũng ngang trái như câu chuyện “Tiến sĩ ở Pháp vẫn trượt viên chức ở Việt Nam". Từ đó, ông Khuyến cho rằng, chúng ta kêu gọi đón người tài trở về, nhưng cơ chế vẫn chưa thực sự thông thoáng, chính sách và ưu đãi cũng chưa có nhiều thì ai dám về nước cống hiến?" - TS Lê Viết Khuyến đặt câu hỏi. Còn TS Hoàng Ngọc Vinh đề xuất, luật nên có những điều kiện quy định cụ thể về năng lực cá nhân thực tế của người đảm nhiệm vị trí này. Qua trường hợp đáng tiếc này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận lại những điểm còn hạn chế trong chính sách, đừng để vì chính sách mà hạn chế năng lực, sự cống hiến của những người tài.