Chuyển mình mạnh mẽ cùng chuyển đổi số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc toàn bộ hệ thống chính trị của Hà Nội tập trung vào cuộc, công tác chuyển đổi số cho TP đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, người dân đang là đối tượng được hưởng lợi chính.

Tập trung chuyển đổi số

Cuối năm 2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Dù thời gian thực hiện Nghị quyết chưa lâu song quá trình chuyển đổi số của Thủ đô đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức cho đến hành động tại tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của TP, từ đó mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Hà Nội đang là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đảm bảo đầy đủ điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phục vụ, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022 xếp thứ 24/36, tăng 16 bậc so với năm 2021.

Hà Nội là một trong những địa phương chuyển đổi số mạnh nhất cả nước. Ảnh: Cao Hưng
Hà Nội là một trong những địa phương chuyển đổi số mạnh nhất cả nước. Ảnh: Cao Hưng

Chỉ trong một quãng thời gian rất ngắn, các hệ thống lớn dùng chung của Hà Nội đã được hoàn thành như: Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Đối với hạ tầng số, Trung tâm Dữ liệu chính của TP đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV/2023. Mạng diện rộng WAN và hệ thống giao ban trực tuyến cả TP (đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền) tiếp tục được duy trì, đảm bảo hoạt động ổn định nhằm phục vụ công tác điều hành của chính quyền.

Không chỉ vậy, Hà Nội cũng đã ban Danh mục dữ liệu mở của TP. Đây là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan Nhà nước và với công dân trong thời gian tới. Đồng thời, TP cũng bắt đầu triển khai Cổng dữ liệu TP và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP). Đây là 2 hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan Nhà nước. Hiện các cơ sở dữ liệu của các ngành được giao các đơn vị tương ứng triển khai đã và đang dần hình thành, trong đó tập trung một số cơ sở dữ liệu quan trọng, như cơ sở dữ liệu DN, cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu cán bộ công chức…

Đáng chú ý, Hà Nội cũng đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc cung cấp chữ ký số tới người dân. TP đã phối hợp với các DN tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, trên toàn TP đã cấp khoảng 10.000 chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh, Thủ đô sẽ phấn đấu thuộc vào nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Hà Nội theo hướng thông minh, hiện đại, tạo điều kiện kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.

Trong đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công toàn trình; 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số; 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. Về xây dựng chính quyền số, mục tiêu Hà Nội đặt ra là xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạnh ở cả 3 cấp...

“Mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành TP thông minh, hiện đại. Xây dựng, phát triển chính quyền số, thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước TP. Lấy sự phục vụ người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để thực hiện chuyển đổi số” - ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Người dân hưởng lợi

Theo Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, ngay từ năm 2021, khi ban hành Chương trình “Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội đã xác định chuyển đổi số là cơ hội đem lại bình đẳng và lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội. Do đó người dân sẽ luôn là trung tâm khi thực hiện chuyển đổi số.

Thực vậy, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Hà Nội luôn đưa sự tiện lợi của người dân lên làm tiêu chuẩn hàng đầu đối với các hoạt động của mình. Hàng loạt TTHC công được cắt gọn, thời gian xin giấy tờ, xác nhận tại các cơ quan của TP được giảm thiểu tối đa, dễ dàng tương tác với quận, huyện, xã phường thông qua môi trường trực tuyến… là những lợi ích rõ ràng nhất mà người dân được hưởng lợi từ chuyển đổi số.

Tiêu biểu có thể kể đến quận Cầu Giấy. Thời gian gần đây, địa phương này đã đưa vào triển khai Chatbot có ứng dụng trí thông minh nhân tạo nhằm giảm thiểu tối đa nhu cầu thực hiện TTHC cho hơn 300.000 công dân trên địa bàn. Với sự trợ giúp của công nghệ, những khâu vướng mắc của người dân như hướng dẫn quy trình, thiếu giấy tờ, nộp sai thẩm quyền… sẽ được loại bỏ triệt để. Thực hiện đầy đủ hướng dẫn trên là người dân đã hoàn thành tới 90% TTHC mà mình cần.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà, nếu như trước đây, người dân và chính quyền phải làm việc với nhau trực tiếp thì nay có thể dần thay thế bằng trực tuyến. Việc tương tác với Chatbot không chỉ làm giảm tải công việc cho phía chính quyền mà còn giúp tiết kiệm chi phí, giảm tối đa thời gian cũng như công sức đi lại của người dân. Cùng với đó các thông tin từ phía chính quyền được cung cấp tới người dân sẽ rõ ràng và minh bạch hơn.

“Hiện tại, Chatbot sẽ được triển khai nhằm thực hiện TTHC tại UBND quận và các phường. Trong thời gian tới, quận sẽ tiến hành mở rộng sang các lĩnh vực khác như công an, thuế, bảo hiểm xã hội, giáo dục, du lịch… để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân trên địa bàn” - ông Trần Việt Hà chia sẻ.

Hay như quận Hoàn Kiếm đưa vào hoạt động chuyên mục "Kiểm soát TTHC" trên Cổng thông tin điện tử quận. Đây không chỉ là kênh thông tin chính thống, giúp người dân tiếp cận nhanh chóng, chính xác các tin tức về TTHC, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; địa chỉ tiếp nhận và các phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC…

Không dừng lại ở đó, quá trình chuyển đổi số của Hà Nội cũng đang có những kết quả rõ rệt, thể hiện rõ sự thay đổi đối với cuộc sống của người dân. Tiêu biểu như trong lĩnh vực GD&ĐT, TP tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6. Hệ thống Sổ liên lạc điện tử cung cấp đầy đủ, miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua ứng dụng điện thoại thông minh, được áp dụng trong các trường tiểu học, THCS, THPT…

Bên cạnh đó, ở lĩnh vực nông nghiệp, việc duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn), ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với nông, lâm, thủy sản thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.

Đồng thời, người dân cũng thường xuyên được hỗ trợ, tìm hiểu về các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại thông qua hơn 2.000 thành viên của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương. Lực lượng này sẽ giúp người dân sử dụng những dịch vụ trực tuyến tiện lợi như Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công TP Hà Nội và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua nền tảng số, mở tài khoản thanh toán điện tử…

 

"Chuyển đổi số có khối lượng công việc không nhỏ trong khi đây là những nhiệm vụ mới, khó, đặc biệt với quy mô rất lớn của TP 10 triệu dân. Nhưng với quyết tâm chính trị, TP Hà Nội chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô." - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh