Chuyện một thành phố tuyên bố phá sản

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền Birmingham - TP lớn nhất nước Anh sau Thủ đô London - bất ngờ tuyên bố phá sản hôm 5/9 vừa qua với lý do gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính, trong khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak trước đó đã từ chối cứu trợ.

Kiệt quệ vì một đạo luật

Hội đồng TP Birmingham là một trong số ngày càng nhiều cơ quan chính quyền địa phương ở Vương quốc Anh thực hiện hoặc xem xét cắt giảm chi tiêu một cách nghiêm ngặt do không còn đủ kinh phí.

Đáng nói, Birmingham được tin cũng không phải là địa phương duy nhất lúc này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính nghiêm trọng - một phần là hệ quả của việc cắt giảm sâu chi tiêu của chính quyền trung ương trong thập kỷ qua khiến các dịch vụ công của Anh, bao gồm cả trường học và bệnh viện, rơi vào tình trạng xuống cấp.

Sharon Thompson, Phó Chủ tịch Hội đồng TP Birmingham cho biết trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình hôm 5/9: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một "cơn bão". Giống như các hội đồng khác trên khắp đất nước, rõ ràng là Hội đồng TP đang phải đối mặt với những thách thức tài chính chưa từng có, từ sự gia tăng quá lớn về nhu cầu chăm sóc xã hội dành cho người già và việc giảm đáng kể thuế kinh doanh, cho đến tác động của lạm phát tràn lan”.

Tòa nhà Hội đồng Thành phố ở Birmingham, miền Trung Vương quốc Anh. Ảnh: The Guardian
Tòa nhà Hội đồng Thành phố ở Birmingham, miền Trung Vương quốc Anh. Ảnh: The Guardian

Hội đồng TP Birmingham không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra cái gọi là “Thông báo Mục 114” - mang ý nghĩa là chính quyền TP sẽ phải tạm dừng mọi chi tiêu ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu, như trường học, nhà ở, chăm sóc xã hội, thu gom rác thải và bảo trì đường bộ.

Trong bài phát biểu hôm 5/9, bà Thompson cũng lý giải những rắc rối tài chính của chính quyền Birmingham một phần là do một vụ kiện trị giá 760 triệu bảng Anh (950 triệu USD) liên quan đến các yêu cầu trả lương công bằng. Một phán quyết của Tòa án Tối cao vào năm 2012 đã buộc Hội đồng TP phải bồi thường cho nhiều nhân viên nữ trước đây được trả lương thấp hơn nam giới cho công việc tương tự.

Vụ kiện ban đầu được đề xuất bởi 174 cựu nhân viên Hội đồng TP, hầu hết đều là nữ giới. Nhóm này, bao gồm những người dọn dẹp, đầu bếp và nhân viên chăm sóc, cáo buộc họ đã không được nhận tiền thưởng và nhiều khoản thanh toán khác như nam giới đang làm công việc có giá trị tương tự.

Họ lập luận rằng điều này đã vi phạm các điều khoản bình đẳng trong hợp đồng lao động của họ theo Đạo luật Trả lương Bình đẳng năm 1970 - và tòa án đã đồng ý. Kể từ đó, hàng trăm lao động nữ khác đã đưa ra những khiếu nại tương tự.

Theo CNN, Hội đồng TP Birmingham đã mất 1,1 tỷ bảng Anh (1,4 tỷ USD) trong thập kỷ qua để giải quyết các khiếu nại này, và hiện dự kiến sẽ thâm hụt ngân sách 87 triệu bảng Anh (109 triệu USD) cho năm tài chính 2023 - 2024.

“Đạo luật Trả lương Bình đẳng là một trong những thách thức lớn nhất mà Hội đồng từng phải đối mặt… Điều đó có nghĩa là trong tương lai sẽ có ít nguồn lực hơn đáng kể so với những năm trước đây, và chúng tôi sẽ cần phải sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho những nơi chúng tôi tiêu tiền thuế của người dân” - chính quyền Birmingham từng cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 6 năm nay.

Hầu hết các khu vực ở Anh đều có hai cấp chính quyền địa phương, đó là Hội đồng quận - bao gồm các vùng như West Midlands hoặc Yorkshire - và Hội đồng TP. Ngoại trừ Thủ đô London, do quy mô dân số rộng lớn, nên các Hội đồng quận sẽ ủy quyền giám sát việc cung cấp dịch vụ cho từng cụm khu dân cư của TP.

Nhưng tựu trung, nguồn ngân sách cho các hội đồng này phần lớn là thu nhập từ thuế đánh vào người dân và DN, cũng như từ các khoản tài trợ của chính quyền trung ương.

Cuộc khủng hoảng khu vực công?

Bên cạnh các vụ kiện trả lương bình đẳng và chi phí lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin mới, bà Thompson hôm 5/9 còn đổ lỗi sự cố phá sản của Birmingham là do “1 tỷ bảng Anh tài trợ đã bị các đời Chính phủ đảng Bảo thủ liên tiếp tước đi”.

Kể từ khi Chính phủ Anh áp dụng chương trình “thắt lưng buộc bụng” vào năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, London đã cắt giảm đáng kể nguồn tài trợ cho các hội đồng địa phương. Theo Văn phòng Kiểm toán Quốc gia, nguồn tài trợ của Chính phủ dành cho chính quyền địa phương ở Anh đã giảm hơn 50% trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2010 - 2011 đến 2020 - 2021.

Shaun Davies - Chủ tịch Hiệp hội Chính quyền địa phương Vương quốc Anh cho biết, các hội đồng đang phải đối mặt với thâm hụt tài trợ gần 3 tỷ bảng Anh (3,8 tỷ USD) trong 2 năm tới “chỉ để giữ cho các hoạt động dịch vụ không bị cắt giảm”. Ông nói thêm: “Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch dài hạn để tài trợ đủ cho các dịch vụ địa phương”.

Trả lời báo giới hôm 5/9, phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói: “Rõ ràng các hội đồng được bầu ở địa phương là để quản lý ngân sách của chính họ”. Người phát ngôn khẳng định thêm rằng, Chính phủ London đã “thường xuyên hợp tác với các hội đồng để đạt được mục tiêu đó và đã yêu cầu lãnh đạo hội đồng bảo đảm trong việc sử dụng tốt nhất tiền của người nộp thuế”.

Thực tế, một số hội đồng địa phương khác ở Anh cũng đã tuyên bố phá sản trong những tháng gần đây, bao gồm Croydon - một phần của Đại London - và Woking - một thị trấn ngay phía Nam thủ đô.

Nhưng tuyên bố phá sản của một TP lớn như Birmingham - chủ nhà Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung vào năm ngoái và dự kiến sẽ tổ chức Giải vô địch Điền kinh châu Âu năm 2026 - thực sự gây chú ý, đặc biệt là khi đây được cho chưa phải là nơi cuối cùng.

Một cuộc khảo sát gần đây của Nhóm lợi ích đặc biệt của các chính quyền TP (SIGOMA) - một nhóm vận động hành lang đại diện cho 47 chính quyền đô thị ở Anh - cho thấy 30% số thành viên của nhóm lo lắng rằng họ đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong năm nay hoặc năm tới.

Bỏ qua những yếu tố về chính sách đảng phái chính trị, một nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng khu vực công lúc này được cho là bởi nước Anh vẫn đang phải vật lộn để đối mặt với những hậu quả của việc rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 1/2020. “Cuộc ly hôn” ồn ào này đã dẫn đến những chi phí chồng chất cho các DN Anh, đồng thời đè nặng lên thương mại, đầu tư và cuối cùng là tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế Anh được báo cáo đã phục hồi hậu đại dịch Covid-19 nhanh hơn nhiều, nhưng chủ yếu là do cách đo lường mới. Anh là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sửa đổi ước tính GDP của mình cho thời kỳ đại dịch, bằng cách sử dụng khuôn khổ chi tiết hơn.

Và theo đó, dữ liệu mới nhất do Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố hồi tuần trước cho thấy, vào cuối năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội của Vương quốc Anh thực sự lớn hơn 0,6% so với quý cuối cùng của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch xảy ra - thay vì nhỏ hơn 1,2% như ước tính trước đây.

Lý giải ý nghĩa của sự thay đổi này, Ruth Gregory - Phó Giám đốc kinh tế Vương quốc Anh tại Capital Economics - viết trong một báo cáo nghiên cứu: “GDP trung bình ở các quốc gia G7 khác cao hơn 2,8% so với mức trước đại dịch, so với 1,5% ở Anh. Ngụ ý là nền kinh tế Anh không còn tụt hậu so với nhóm G7 và nó không còn kém quá xa so với mức trung bình”.

Nhưng bà Gregory lưu ý, về mặt bản chất, những số liệu mạnh hơn không cải thiện được bức tranh toàn cảnh “với việc Vương quốc Anh vẫn có khả năng bị thiếu hụt nguồn cung lao động, điều này không bảo đảm cho khả năng phục hồi lâu dài trong tương lai”.

Các nhà kinh tế tại Nomura thì cảnh báo, những sửa đổi này thậm chí có thể làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế Anh trong tương lai vì “ít khả năng bắt kịp hơn”.