Chuyên nghiệp hóa mối quan hệ cộng sinh

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mối quan hệ cộng sinh giữa báo chí và DN luôn được coi là khăng khít, gắn bó mật thiết thực tế vẫn tồn tại một khoảng cách vô hình, hố sâu ngăn cách.

Để “cùng thắng” trong môi trường truyền thông hiện nay, báo chí và DN cần xóa nhòa khoảng cách, xích lại gần nhau, xây dựng các chiến lược truyền thông chuyên nghiệp.

Chia sẻ, không né tránh

Trong công cuộc đổi mới, báo chí đã thể hiện vai trò, vị thế quan trọng cùng DN đồng hành, tạo dựng mối quan hệ gắn bó để cung cấp cho độc giả, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước những thông tin kịp thời, chất lượng; phản ánh đúng bản chất của sự việc, cùng nhau vững bước trên con đường phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước.

Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Đứng ở góc độ DN, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nữ Doanh nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Thị Minh Thanh khẳng định: Song hành với hành trình phát triển và đi lên của các DN luôn có người bạn đồng hành là báo chí. Mối quan hệ giữa báo chí và DN là tương hỗ, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi, vì mục đích chung là sự phát triển của đất nước.

Nhấn mạnh mối quan hệ tương hỗ giữa báo chí và DN, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS viện dẫn, hiện nay chúng ta có hơn 90% DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, kiến thức về quản trị, kinh doanh, pháp luật của người quan lý DN còn nhiều hạn chế.

Trong suốt thời gian qua, báo chí đã và đang phát huy tích cực, có hiệu quả trong việc tư vấn, hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa Việt Nam. Đặc biệt, có rất nhiều luật sư tham gia làm báo, cung cấp những kiến thức thông tin chuyên sâu, cần thiết về pháp luật, quản trị, kinh doanh, thị trường, đầu tư… cho DN.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, yêu cầu đối với báo chí là thông tin phải chính xác, nhanh chóng, phản ánh trung thực mọi mặt của đời sống xã hội. Trong giai đoạn phát triển và hội nhập kinh tế, việc truyền thông đối với DN là cần thiết hàng giờ. Đồng thời, DN là khách hàng, nơi cung cấp nguồn tin vô tận, là cơ hội cho hoạt động báo chí phát triển. Mối quan hệ đồng hành, hợp tác giữa DN và báo chí ngày càng gắn bó, bổ trợ cho nhau, chia sẻ khó khăn, thuận lợi cùng hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển.

Mặc dù ở trong mối quan hệ cộng sinh nhưng thực tế thời gian qua giữa báo chí và DN vẫn tồn tại một khoảng cách vô hình, hố sâu ngăn cách, công tác phối hợp chưa nhịp nhàng. Nhiều DN còn e ngại, chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, cơ chế phát ngôn chưa định hình, thống nhất…

Thậm chí vẫn còn quan niệm cho rằng tiếp xúc với báo chí thì “lợi ít, hại nhiều” nên nhiều DN tìm mọi cách né tránh báo chí. DN chưa chủ động trên lĩnh vực truyền thông, không cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí.

Về phía báo chí cũng vẫn còn những thông tin sai sót, một chiều… ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của DN. Thậm chí có trường hợp còn lợi dụng ngôn luận để trục lợi cá nhân hoặc ép DN phải mua quảng cáo để làm kinh tế, làm khoảng cách giữa báo chí – DN ngày càng có khoảng cách.

Xích lại gần nhau, hợp tác để cùng thắng

Để quan hệ báo chí và DN gắn kết đồng hành đạt hiệu quả hơn nữa, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình Nguyễn Thị Hương mong muốn thị trường đang không ngừng vận động, không ngừng thay đổi. Cùng với guồng quay đó, mong rằng các cơ quan báo chí cũng sẽ không ngừng làm mới mình, liên tục có sự đổi mới về nội dung và hình thức, ngày càng khai thác thêm nhiều khía cạnh “đắt giá”, những vấn đề nóng hổi của thị trường để có thêm nhiều sản phẩm báo chí chất lượng. Qua đó góp phần giúp cho cộng đồng DN chuyển mình kịp thời cùng sự phát triển của đất nước.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Đặng Khắc Lợi nêu quan điểm, cần tăng cường quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và DN theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu quả, cùng hỗ trợ nhau nâng cao năng lực, phát triển bền vững.

Phía cơ quan báo chí cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền của báo chí về kinh tế, DN, doanh nhân, đảm bảo tính chuyên nghiệp, khách quan, trung thực, công bằng, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội. Hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến DN và môi trường kinh doanh.

Cùng với đó, thúc đẩy xây dựng văn hóa báo chí và văn hóa DN, kịp thời biểu dương các cơ quan báo chí, người làm báo và DN, doanh nhân tiêu biểu, có cống hiến, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

"Báo chí và truyền thông là một phần của môi trường kinh doanh, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DN cũng như vun đắp tinh thần kinh doanh của dân tộc. Thực tiễn đã chứng minh quan hệ giữa báo chí và DN luôn là mối quan hệ đồng hành cùng phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu DN đến với người tiêu dùng." - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) Đặng Khắc Lợi