“Totto-chan bên cửa sổ” trở thành triết lý dạy học của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở đó, trẻ em đến trường không phải chỉ để học chữ, mà còn là để sống, hạnh phúc, làm cho bản thân mình trở nên người hơn.

Phát hiện, khơi dạy, phát huy tiềm năng học trò

Hôm nay 17/11, trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy tổ chức Hội thảo sơ kết 5 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TƯ trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – 25 năm giáo dục vì sự phát triển con người.

Trong bài phát biểu khai mạc, thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm bắt đầu bằng tự truyện “Totto-chan bên cửa sổ” về tuổi thơ của tác giả Nhật Bản Tetsuko luôn được học sinh tìm đọc.

Hằng ngày, tại thư viện trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cuốn “Totto-chan bên cửa sổ” cũng luôn được các em học sinh (HS) tìm đọc. Và, mỗi HS khi đọc cuốn sách này lại có dịp tự hào so sánh ngôi trường mình đang học với trường Tomoe của Totto-chan.
Học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiểm biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm được thành lập từ năm 1993. 25 năm xây dựng và phát triển của trường đã ghi nhận nỗ lực, sáng tạo và đổi mới liên tục của các thầy cô lãnh đạo – đứng đầu là TS Nguyễn Văn Hòa trong vai trò là người sáng lập, hiệu trưởng và là Chủ tịch hội đồng quản trị của trường.

Và, không thể không nhắc đến vai trò của những chính sách đổi mới mà Đảng, Chính phủ và TP Hà Nội đã ban hành có tác động lớn đến quá trình phát triển của trường. Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã triển khai cụ thể Nghị quyết 29 bằng sứ mệnh “GD&ĐT HS trở thành những người có phẩm chất và năng lực cho nhân cách Việt Nam, góp phần vào sự phát triển giáo dục đào tạo công dân toàn cầu cho đất nước trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc thế kỷ 21”…

“Có thể nói, hầu hết nội dung của Nghị quyết 29 đã được trường Nguyễn Bỉnh Khiêm triển khai thực hiện. Có những nội dung đã được nhà trường tìm tòi, kiên trì thực hiện ngay từ những ngày đầu thành lập. Có những nội dung Nghị quyết không đề cập trực tiếp, cụ thể nhưng xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, khát vọng phát triển con người và sự tự vận dụng sáng tạo, nhà trường luôn coi như trọng tâm hoạt động” – thầy Tiến Nam khẳng định.
Gia đình NSND Lê Khanh đến cảm ơn và tặng hoa thầy Nguyễn Văn Hòa cùng các thầy cô đã dạy con về cách làm người.

Kiên định mục tiêu giáo dục “Dạy học là dạy làm người, học để làm người” – từ những ngày đầu lập trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tư tưởng dạy chữ phải gắn với việc dạy làm người đã được thầy Nguyễn Văn Hòa đặt ra và coi đó là tư tưởng chủ đạo. Triết lý này đã được hoàn thiện bằng hệ thống những quan điểm giáo dục cơ bản luôn hướng về một mục tiêu là nhằm tìm hiểu, phát hiện, khơi dạy, bồi dưỡng và phát huy tối đa những giá trị, những tiềm năng của mỗi học trò, làm cho mỗi HS đều nên người. Trường cũng luôn hướng tới đào tạo nên những người tự chủ, trách nhiệm có tâm hồn phong phú, sống tử tế, thân thiện, có khả năng sáng tạo, thích ứng cao với gia đoạn hội nhập hôm nay.

Hạnh phúc không chỉ là hứng thú trong học tập

Hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là Hạnh phúc và Tiến bộ. Trường đem hạnh phúc cho HS bằng cách giảm áp lực, tạo hứng thú trong học tập; luôn tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với HS. Cũng như, xây dựng môi trường thân thiện tràn ngập yêu thương, có chuyên gia tâm lý hỗ trợ, tổ chức nhiều hoạt động phát triển khả năng của mỗi học trò.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát của phòng Tâm lý học đường của trường cho thấy, luôn có từ 88 – 92% HS cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường… “Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm coi sự tiến bộ của học trò, chứ không phải điểm số thành tích là thước đo chất lượng của nhà trường. Với, với phương châm “Chăm lo đến từng HS, giúp cho mỗi học trò đều tiến bộ” hàng năm số HS đạt được kết quả cao hơn của chính mình trước đó, số HS thay đổi bản thân luôn đạt gần 100%”- thầy Tiến Nam thông tin thêm.

Thể dục, Giáo dục công dân, Nghệ thuật… vốn bị coi là môn phụ trong các nhà trường thì ở Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn có vị trí xứng đáng. Giáo dục công dân không phải là giờ triết lý khô khan mà những câu chuyện cuộc sống được chính HS tái hiện để trải nghiệm. Thể dục không còn đáng chán nữa khi trở thành các giờ thể thao tự chọn nhằm phát huy hết năng lực thể chất của mỗi em qua nội dung bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông…

Trong cuộc sống có những nhu cầu hết sức chính đáng và cần thiết nhưng lại không được quan tâm nhiều bởi tính “tầm thường” của nó. Nhà vệ sinh là một ví dụ. Với mục tiêu HS cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường, các nhà vệ sinh ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn được đầu tư xây dựng nâng cấp, để HS coi là đạt tiêu chuẩn “5 sao”.

Để mỗi HS có bữa trưa ngon miệng, hợp khẩu vị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài nguồn rau được cung cấp bởi các trang trại của trường, nhà trường đầu tư xây dựng khu nấu ăn và nhà ăn hiện đại để các em được phục vụ ăn tự chọn. Các HS thừa cân hoặc thiếu cân đều có thực đơn theo chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tuy chương trình giáo dục phổ thông mới chưa triển khai thực hiện, nhưng với tinh thần chủ động đi trước đón đầu, nhiều năm qua, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chủ động dạy học gắn liền với thực tiễn, cho HS trải nghiệm trong thực tế và được trực tiếp tham gia lao động sản xuất và tạo ra sản phẩm. Đặc biệt, với việc ra đời của Trung tâm Trải nghiệm sáng tạo của trường tại TP Vĩnh Yên, hoạt động này đã dần trở thành một mô hình giáo dục đặc biệt…

Trở lại câu chuyện về “Totto-chan bên cửa sổ”, thầy Đàm Tiến Nam cho rằng, để mỗi ước mơ sớm thành hiện thực, mỗi nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, người làm cha mẹ cũng nên đọc lại cuốn sách này. Để thấy rằng, “đứa trẻ nào sinh ra cũng có những phẩm chất tốt” và việc của chúng ta là tìm ra những phẩm chất tốt đó, phát triển chúng để giúp trẻ nên người. Chúng ta sẽ thấy rằng, trẻ em đến trường không phải chỉ để học chữ, mà để sống, hạnh phúc, làm cho bản thân mình trở lên người hơn.