Có biện pháp quản lý mạnh, rõ hơn với nhà, đất sở hữu Nhà nước

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Quận Thanh Xuân phối hợp chặt chẽ để có biện pháp quản lý mạnh, rõ hơn với các tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP trên địa bàn, đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế chính sách...”- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Sáng nay, 1/6, Đoàn giám sát số 1 của HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát chuyên đề tại quận Thanh Xuân về việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP, các Ban của HĐND TP và một số sở, ngành liên quan.

Đoàn đã đến khảo sát thực địa Dự án nhà ở chung cư cao tầng phục vụ GPMB tại điểm X2, phường Hạ Đình và làm việc tại UBND quận Thanh Xuân.

Đoàn giám sát số 1 của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn tiến hành khảo sát thực địa Dự án nhà ở chung cư cao tầng phục vụ GPMB tại điểm X2, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân
Đoàn giám sát số 1 của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn tiến hành khảo sát thực địa Dự án nhà ở chung cư cao tầng phục vụ GPMB tại điểm X2, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng thay mặt lãnh đạo quận cho biết, UBND quận đã chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc quận được giao quyền quản lý, sử dụng tài sản triển khai thực hiện nghiêm các quy định liên quan. Toàn quận có 69 đơn vị trực thuộc được giao quản lý tài sản công là nhà đất, trong đó, khối cơ quan hành chính có 15 đơn vị và khối đơn vị sự nghiệp (ĐVSN), tổ chức xã hội 54 đơn vị. UBND quận đã thực hiện rà soát, cập nhật dữ liệu toàn quận có 190 khuôn viên đất, với tổng diện tích 307.580,9m2, trong đó 143 khuôn viên đã được UBND TP phê duyệt sắp xếp. Về nhà, năm 2021 toàn quận có 334 trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp có diện tích 311.799,1m2. Nhìn chung công tác quản lý, sử dụng tài sản công của các đơn vị được thực hiện theo quy định Nhà nước về quản lý và sử dụng tài sản, thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Tài chính về đầu tư, cải tạo công trình xây dựng là trụ sở cơ quan quản lý hành chính và trụ sở ĐVSN.

Trong sắp xếp, xử lý nhà, đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất mà đơn vị và các ĐVSN trực thuộc được giao quản lý, sử dụng theo quy định tại Nghị định 167/NĐ-CP ngày 31/12/2017, giai đoạn 1, UBND quận đã được UBND TP phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước của UBND quận theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 tại Quyết định 1016/QĐ-UBND ngày 21/2/2014 gồm có 143 cơ sở nhà đất làm trụ sở làm việc và công sở, công trình sự nghiệp.
Về cấp GCN quyền sở hữu trụ sở, Sở TNMT Hà Nội đã cấp 86 GCN quyền sở hữu trụ sở cho các trụ sở, nhà văn hóa, nhà hội họp tại UBND 11 phường; Phòng Tài chính-Kế hoạch tiếp tục phối hợp Phòng TNMT quận rà soát, tham mưu UBND quận phương án sắp xếp cơ sở nhà đất làm trụ sở làm việc và công sở công trình sự nghiệp thuộc quận chưa được công nhận để báo cáo UBND TP phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở đủ điều kiện...

Các thành viên Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội nêu ý kiến tại cuộc làm việc
Các thành viên Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội nêu ý kiến tại cuộc làm việc

Tuy nhiên, từ thực tế còn một số khó khăn trong công tác này, UBND quận Thanh Xuân đề xuất UBND TP giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu trình HĐND TP sửa đổi bổ sung về phân cấp thẩm quyền cho thuê, liên doanh, liên kết, kinh doanh dịch vụ với tài sản công là nhà, đất theo 2 loại: Tài sản công là nhà, đất sử dụng trong quản lý hành chính, ĐVSN công thuộc quận quản lý, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính trị được phép xây dựng phương án khai thác cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp chức năng nhiệm vụ, không tính giá trị quyền SDĐ vào phương án giá và giao UBND quận, huyện thẩm định phê duyệt, báo cáo kết quả với UBND TP; thủ trưởng ĐVSN công lập tự đảm bảo chi thường xuyên quyết định cho thuê, liên doanh, liên kết, kinh doanh dịch vụ đối với tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng. Với cơ quan, đơn vị trực thuộc, UBND quận sẽ tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tăng kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng tài sản trong quản lý, sử dụng tài sản vào hoạt động liên doanh, liên kết...

Qua giám sát trực tiếp và lắng nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà và các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận kết quả đạt được của quận Thanh Xuân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP. Trong đó, UBND quận đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý đất, trụ sở, nhà làm việc nghiêm túc thực hiện quản lý tài sản công theo quy định; chỉ đạo kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản thuộc trách nhiệm của quận trên địa bàn; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, công trình và các tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021… 

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận 
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu kết luận 

Mặc dù vậy, một số thành viên Đoàn đặt vấn đề, chính quyền quận với trách nhiệm QLNN trên địa bàn thì việc phối hợp Công ty quản lý nhà thực hiện quản lý ra sao với nhiều khu tập thể cũ trên địa bàn? Đồng thời, đề nghị quận khẳng định công tác quản lý các trụ sở cơ quan Nhà nước và ĐVSN trực thuộc, việc thống kê theo dõi của UBND quận đã đầy đủ chưa, với những cơ sở chưa được cấp GCN quyền SDĐ thì nguyên nhân và trách nhiệm thuộc đơn vị nào?…

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác này, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị: Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, UBND quận Thanh Xuân cần sớm bổ sung, hoàn thiện báo cáo theo đề nghị của Đoàn giám sát. Đặc biệt, các cấp ủy đảng, UBND, HĐND quận cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thống nhất, có hiệu quả hơn công tác quản lý, sử dụng tài sản công nói chung và nhà, đất nói riêng thuộc phạm vi quản lý của quận. Trong đó, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất với các cơ sở nhà, đất đang được giao quản lý, sử dụng; hoàn thành rà soát, báo cáo tổng thể phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP, Nghị định 67/2021/NĐ-CP và hướng dẫn của Sở Tài chính; chủ động quản lý nhà, đất được giao; chấn chỉnh các đơn vị quản lý, sử dụng không đúng mục đích được giao; lập phương án tổng thể sắp xếp, xử lý các cơ sở đảm bảo hiệu quả, phù hợp quy hoạch SDĐ và quản lý tài sản công…

Lãnh đạo quận Thanh Xuân tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát
Lãnh đạo quận Thanh Xuân tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát

“Quận cần rà soát, phối hợp Sở TN&MT để cấp GCN quyền SDĐ đối với các vị trí, địa điểm chưa có GCN và rà soát, phối hợp chặt chẽ các sở ngành TP để trình UBND TP sớm phê duyệt phương án sắp xếp 19/71 cơ sở còn lại. Cần có điều chỉnh, phối hợp chặt chẽ hơn để có biện pháp quản lý mạnh, rõ hơn với các tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP trên địa bàn. HĐND quận tiếp tục cùng HĐND TP giám sát và đồng hành UBND quận để thực hiện tốt công tác quản lý này, phát hiện kịp thời những khó khăn vướng mắc trong cơ chế chính sách, đề xuất tháo gỡ”- Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh.

Với các sở ngành liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đề nghị Sở Tài chính chủ động sớm tham mưu xây dựng hoàn thiện Đề án về cơ sở dữ liệu quản lý tài sản công trên địa bàn TP, hoàn thành trong năm nay; hướng dẫn quản lý tài sản là thiết chế văn hóa, trình UBND TP trong tháng 6/2022. Qua ý kiến các quận huyện về phân cấp quản lý tài sản cần có điều chỉnh cho phù hợp, Sở Tài chính cũng cần rà soát, nhằm thực hiện phân cấp càng sớm càng tốt để quản lý và sử dụng hiệu quả, tránh xảy ra sai phạm không đáng có. Sở TN&MT xem xét đề xuất của quận Thanh Xuân về một số khu đất xen kẹt trên địa bàn để xây dựng thiết chế văn hóa. Sở Xây dựng với những diện tích sản xuất kinh doanh ở tầng 1 khu tái định cư cần xử lý dứt điểm, kiên quyết với những địa điểm vi phạm tồn tại đã lâu tại quận. Với các nhà tự quản, Sở cần tổng hợp khẩn trương theo các hướng dẫn mới, phối hợp quận Thanh Xuân và Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội có phương án giải quyết sớm.