Có cần công ty mua bán nợ xấu ngân hàng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nên hay không thành lập công ty mua bán nợ xấu trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Nếu có, công ty này sẽ lấy nguồn từ đâu và hoạt động như thế nào… Đó là những câu hỏi đang được dư luận đặt ra trước đề xuất thành lập Công ty mua bán nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ông Trương Công Phú, Tiến sỹ khoa học Chuyên ngành Tài chính - Tiền tệ,  Chủ tịch thành viên hội đồng tư vấn kinh tế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, nguyên nhân chính làm nên nợ xấu chính là do tình hình quản trị, thẩm định của ngân hàng và doanh nghiệp (DN). Bởi vậy, trước khi bàn về tính khả thi và hiệu quả của công ty này phải làm rõ câu chuyện nợ xấu tại hệ thống ngân hàng đang diễn biến phức tạp ra sao. Chính ngân hàng và DN đã gây ra nợ xấu, thì họ phải trực tiếp giải quyết. Không thể mượn danh một công ty thứ ba, mà cốt lõi cũng là người nhà của ngân hàng.

Kinh nghiệm cho thấy, cho vay không thu hồi được nợ, các ngân hàng có thể dùng đến pháp luật để can thiệp. Thậm chí, một số nước, lãnh đạo cho vay không đòi được nợ sẽ phải đi tù. Có nghĩa, chính các ngân hàng mới giải quyết được, không cần đến người thứ ba - công ty mua bán nợ để thêm phức tạp. "Việc NHNN dự kiến hỗ trợ vốn công ty mua bán nợ này lên tới 100.000 tỷ đồng cần phải làm rõ số tiền đó lấy ở đâu ra. Nếu trích từ ngân sách ra để mua nợ là điều khó chấp nhận. Vì xét cho cùng, nếu sử dụng số tiền này vào các mục đích giải quyết hậu quả nợ xấu cũng có nghĩa là lỗi của ngân hàng và DN gây ra nhưng lại bắt người dân phải chịu. Giả sử, NHNN hiện đang có hoặc hơn 100.000 tỷ để hỗ trợ Công ty mua bán nợ xấu, câu hỏi đặt ra, tại sao lâu nay NHNN không tìm cách đầu tư vào nền kinh tế, giải quyết tình trạng đói vốn của DN?" - ông Phú nói.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, NHNN nên có chính sách khuyến khích kinh tế ngoài quốc doanh thành lập một công ty thu mua nợ thay vì việc thành lập một công ty mua bán nợ xấu như đã đề xuất. Bởi khi các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tính đến việc mua lại nợ xấu của một tổ chức tín dụng nào đó, họ sẽ phải tính toán rất kỹ đến khả năng có thu hồi được nợ không.

Điều đó cũng có nghĩa, NHNN và các ngân hàng thương mại cần dẹp bỏ "vòng bí mật" nợ xấu, mạnh dạn chỉ đạo các DN và các ngân hàng thương mại xác định đúng và đủ số nợ xấu, dự báo khả năng thu hồi nợ của các khoản nợ xấu này. Trên cơ sở đó, NHNN cho các ngân hàng vay một số vốn bằng đúng số tiền xác định thu được nợ. Ví dụ, nợ xấu tại công ty A là 100 triệu đồng nhưng ngân hàng thương mại xác định đòi đuợc 10 triệu. NHNN chỉ cần cho ngân hàng thương mại vay 10 triệu thôi, sau khi đòi được sẽ trả NHNN sau. Như vậy, tình trạng ngân hàng tự tung tự tác với khoản nợ, khoản vay của mình sẽ chấm dứt./.