Cơ cấu, giãn hoãn nợ: Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp khó

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ giảm áp lực trả nợ cho khách hàng đã có chyển biến. Dù vậy, theo đánh giá của NHNN, kết quả hỗ trợ lãi suất chưa đạt như kỳ vọng.

Hơn 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Thông tin từ hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023 đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tổng dư nợ cả gốc, lãi được cơ cấu giữ nguyên nhóm gần 62.500 tỷ đồng.

Rủi ro lớn nhất của cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về ngân hàng. Ảnh minh hoạ
Rủi ro lớn nhất của cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về ngân hàng. Ảnh minh hoạ

Những khó khăn của các doanh nghiệp đã được nêu ra trong suốt thời gian qua. Hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19 khiến nguồn lực của hầu hết doanh nghiệp cạn kiệt, gần đây lại đối mặt với chuỗi cung ứng vẫn bị đứt gãy khiến nguyên vật liệu đầu vào co hẹp hoặc bị tăng giá, đơn hàng xuất khẩu thiếu hụt, sụt giảm, chi phí tài chính gia tăng, khủng hoảng lực lượng lao động,… Vì vậy, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như cho phép tái cơ cấu các khoản nợ vay đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đây là lần thứ hai trong 3 năm qua NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho một số khách vay với thời gian tối đa lên đến 12 tháng, qua Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Lần trước, chính sách cơ cấu nợ được ban hành trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 và kết thúc vào cuối tháng 6/2022, đã giúp các ngân hàng cũng như doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn nhất thời khi đó.

Không chỉ rủi ro nợ xấu gia tăng từ các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, khó khăn, mà cả những khách hàng cá nhân vay tiêu dùng cũng đứng trước khả năng trả nợ suy giảm, khi thu nhập bị sụt giảm hoặc mất việc trong thời gian qua. Hệ quả là dư nợ tiêu dùng tại các ngân hàng, công ty tài chính đã và đang tăng mạnh.

Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Thời gian triển khai từ ngày Thông tư có hiệu lực cho đến hết ngày 30/6/2024. Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính.

Thông tư 02 ban hành vừa qua là giải pháp trước mắt, tạo điều kiện cho các ngân hàng cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ, nhằm giúp bên vay có khả năng khôi phục được hoạt động sản xuất – kinh doanh tiếp cận được vốn và trả nợ ngân hàng.

Chỉ cơ cấu cho doanh nghiệp có khả năng phục hồi

Dù vậy, theo đánh giá của NHNN, kết quả hỗ trợ lãi suất chưa đạt như kỳ vọng. Đến nay nhiều ngân hàng thực hiện còn khiêm tốn do ngại rủi ro, lo nợ xấu dồn vào năm sau.

Giám đốc một công ty tại quận Hai Bà Trưng cho biết, do đang gặp khó khăn về dòng tiền, nên khi biết thông tin có thông tư 02, ông rất hy vọng có thể được giãn nợ với thời gian tối đa lên đến một năm như Thông tư quy định. Nhưng khi liên hệ với nhân viên tín dụng của ngân hàng, ông được cho biết ngân hàng chỉ giãn nợ ba tháng.

Chị Vân Anh (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết, có 1 khoản nợ quá hạn, bị nhảy sang nhóm nợ 2 (nợ cần chú ý). Để cơ cấu lại về nhóm nợ 1 (nợ đủ tiêu chuẩn), ngân hàng yêu cầu khách hàng trả nợ đúng hạn 3 tháng liên tiếp, không được trễ hạn dù chỉ 1 ngày. “Thật ra khách hàng vẫn phải trả đầy đủ nợ hằng tháng mà lại đưa ra các điều kiện ràng buộc như vậy thì khó có thể đáp ứng được” chị nói.

Chị Vân Anh cho rằng, chính sách đưa ra mang tính nhân văn, nhằm hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn về dòng tiền, nhưng các điều kiện cần nới, ví như ngân hàng xem xét giãn nợ dài hơn, và cùng với doanh nghiệp xây dựng lại phương án trả nợ.

Lãnh đạo một ngân hàng tại Hà Nội cho biết, khi cơ cấu lại nợ cho khách hàng, các ngân hàng sẽ gánh một phần rủi ro. Việc cơ cấu nợ theo Thông tư 02 phải được làm bài bản nhằm tránh dồn nợ xấu cho năm sau.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, các ngân hàng sẽ chỉ cơ cấu nợ với điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp được cơ cấu nợ có khả năng phục hồi. Đồng thời các ngân hàng đánh giá đúng bản chất nợ xấu. Việc cơ cấu nợ thuộc trách nhiệm của ngân hàng, rủi ro lớn nhất của cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về ngân hàng.

Theo lãnh đạo VPBank chia sẻ tại buổi trao đổi với nhà đầu tư mới đây, Thông tư 02 cho phép ngân hàng chủ động quản trị rủi ro nợ xấu nhưng vẫn phải có những điều kiện nhất định, do đó ngân hàng sẽ cân nhắc thực hiện ở mức độ hợp lý để vừa hỗ trợ khách hàng, vừa đảm bảo an toàn hoạt động.

 

Theo nhóm phân tích của FiinRatings, sự hiệu quả của Thông tư còn tùy thuộc vào việc đánh giá và phân loại của từng TCTD, trong đó đặc biệt là tiêu chí xác định tính khả thi của việc trả nợ trong thời gian cơ cấu. FiinRatings cho rằng các TCTD sẽ tập trung ưu tiên các khoản vay lớn hoặc khách hàng lớn, thay vì áp dụng đại trà cho toàn bộ khách hàng trong khoảng thời gian ngắn như quy định cho phép.

Sau khi cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn được thực hiện theo hai giai đoạn: tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích dự phòng thêm cho đủ 100% vào cuối năm 2024.

Để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng kiến nghị NHNN xem xét lại các quy định áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN cho phù hợp thực tiễn; cùng với đó xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ, xem xét kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02, thay vì chỉ 12 tháng như hiện nay.