Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Có dấu hiệu trục lợi trong thực hiện quy hoạch

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, đúng là có dấu hiệu của trục lợi”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết.

Sáng nay (16/8), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời chất vấn về nhóm vấn đề do UBTV Quốc hội nêu ra, gồm: Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.
 Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nhiều ĐB Quốc hội từ Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và nhiều tỉnh, TP trên cả nước đã chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến: Giải pháp xử lý nước thải, rác thải; bố trí nơi vui chơi giải trí; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; trách nhiệm của Bộ trong quản lý đô thị; trách nhiệm và cam kết của Bộ trưởng trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công; nâng cao chất lượng sống tại các khu dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện thể chế về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; giải pháp ngăn chặn lãng phí trong đầu tư, xây dựng..

Đáng chú ý về vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, quy hoạch xây dựng chung cũng như quy hoạch đô thị là quy hoạch tổng thể với những quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ để bảo đảm cuộc sống cho con người trong cả hiện tại và tương lai. Quy hoạch đô thị vừa qua được quan tâm cả về xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song còn có những hạn chế, nổi bật là: Chất lượng lập quy hoạch (tầm nhìn chưa đảm bảo, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa tốt...); sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch (như quy hoạch hạ tầng khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết...); quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện... dẫn tới tình trạng quy hoạch treo... Về tổ chức thực hiện quy hoạch, thường là thực hiện chậm hoặc thực hiện không đồng bộ, chắp vá.

“Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch. Đồng thời, việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế... dẫn tới những hệ lụy cụ thể về phát triển đô thị như ùn tắc giao thông, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm cấp phép xây dựng, lấn  chiếm đất đai...”, Bộ trưởng nhận định.

Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội), rằng “có trục lợi hay không trong tổ chức quy hoạch”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, đúng là có dấu hiệu của trục lợi.

“Bộ Xây dựng với trách nhiệm quản lý Nhà nước, đúng là còn những hạn chế trong công tác xây dựng thể chế, nhất là phương pháp luận, tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật... chưa phù hợp điều kiện phát triển rất nhanh của đất nước. Bộ cũng có trách nhiệm trong việc còn nhiều điểm trong thủ tục, trình tự còn phức tạp, nặng về mục tiêu quản lý mà thiếu khả thi thực tế. Mặc dù công tác quản lý Nhà nước được giao cho nhiều bộ, địa phương, nhưng bản thân Bộ Xây dựng trong thanh tra, kiểm tra cũng có lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ cùng các địa phương”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận.

Người đứng đầu ngành xây dựng cả nước khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch. Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn (chẳng hạn trong cấp phép xây dựng, thẩm định dự án...) Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch, đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; nhất là để tăng cường sự giám sát của Nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch.