Cơ giới hóa đồng bộ: Khâu đột phá trong sản xuất lúa

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tích cực áp dụng cơ giới hóa đồng bộ (CGHĐB) trong sản xuất lúa, nhờ đó năng suất, chất lượng lúa gạo của TP tăng lên rõ rệt.

 Song, lợi ích lớn nhất mà CGHĐB mang lại là người nông dân được giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập. 
Giảm chi phí, tăng thu nhập

Vụ Xuân 2017 là vụ đầu tiên gia đình ông Vũ Xuân Thân, ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất tham gia mô hình hỗ trợ ứng dụng CGHĐB trong sản xuất lúa. Ông Thân chia sẻ: "Nếu như trước đây canh tác một mẫu lúa tôi phải bỏ ra 6 triệu đồng thì vụ này tổng chi phí từ làm đất đến thu hoạch chỉ hết 4 triệu đồng. Mừng nhất là các thành viên trong gia đình bớt đi vất vả vì không phải lo làm ngày làm đêm cho kịp thời vụ mỗi khi ngày mùa tới". Còn với ông Hoàng Văn Nhân, ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai thì vụ lúa này là vụ thắng lợi nhất của gia đình ông khi 5 sào lúa cho sản lượng tới 1,5 tấn. Ông Nhân cho hay, nhờ có máy móc thay thế sức người mà năng suất, chất lượng lúa đã tăng lên rõ rệt. Đơn cử như khâu cấy do cấy mạ non, nông và thưa nên lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, nhờ đó bông lúa to, dài, tỷ lệ hạt chắc cao và hạn chế được sâu bệnh.
 Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn Kubota tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ngọc Ánh
Bằng việc xây dựng các mô hình trình diễn giống lúa mới kết hợp áp dụng CGHĐB, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã giúp nông dân các huyện ngoại thành giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất lúa. Đánh giá hiệu quả cho thấy, các mô hình sau áp dụng CGHĐB đã
CGHĐB trong sản xuất lúa đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Vì vậy, cùng với chính sách hỗ trợ của TP và Sở NN&PTNT, các huyện, thị xã cần có cơ chế riêng khuyến khích nông dân áp dụng CGHĐB trong sản xuất lúa. 

Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
góp phần làm tăng năng suất lúa từ 10 – 15%, giảm chi phí sản xuất từ 30 – 50% (tương đương 7 – 9 triệu đồng/ha) so với sản xuất lúa theo phương thức thủ công. Mặt khác, thời gian lao động được rút ngắn, lao động dôi dư chuyển sang làm việc khác tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân. Chỉ tính riêng vụ Xuân 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ các HTX của 8 huyện mua 7 máy gặt đập liên hợp, 4 máy cấy và 3 dây chuyền gieo mạ khay tự động. Theo đó, các HTX đều lựa chọn mua máy của hãng Kubota - Nhật Bản nên máy hoạt động tốt, đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ.

Cần được hỗ trợ nhiều hơn

Lợi ích mà CGHĐB trong sản xuất lúa mang lại đã rõ rệt song thực tế việc áp dụng đang gặp một số khó khăn nhất định. Theo bà Vũ Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiện nay, vẫn còn tình trạng hạ tầng giao thông nội đồng một số nơi xuống cấp, bờ vùng bờ thửa còn nhỏ, ruộng đất manh mún nên chưa phát huy được hết hiệu quả của máy. Đáng nói, một số HTX chưa có kinh nghiệm trong điều hành sản xuất theo phương thức CGHĐB và cũng chưa bố trí được quỹ đất làm dịch vụ mạ khay nên việc mở rộng diện tích sản xuất còn hạn chế. Trong khi đó, đội ngũ nhân lực vận hành máy hầu hết đều chưa qua đào tạo nên khi gặp sự cố về máy móc không được khắc phục kịp thời đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, áp dụng CGHĐB trong sản xuất lúa là yếu tố cần thiết phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thời gian qua, TP rất quan tâm và ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có cơ chế hỗ trợ nông dân, HTX 50% chi phí mua máy, thiết bị (nhưng không quá 75 triệu đồng/máy). Tuy nhiên, với mức hỗ trợ nêu trên không ít HTX vẫn phải loay hoay với việc hạch toán kinh tế khi đầu tư vào dịch vụ CGH bởi giá trị mua máy cao mà khấu hao máy lớn. Do đó, để nông dân, HTX mạnh dạn áp dụng CGHĐB trong sản xuất lúa, Sở kiến nghị TP sớm xem xét việc tăng mức hỗ trợ kinh phí mua máy móc và bổ sung mức hỗ trợ cho công tác quản lý điều hành sản xuất.