Có hay không thời điểm NATO tiến đến mốc đối đầu trực diện với Nga?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng Moscow có thể tấn công một quốc gia thành viên NATO sau khi đánh bại Ukraine.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas khẳng định với The Times hôm 15/1 rằng có khả năng trong 3 đến 5 năm tới, NATO cần chuẩn bị cho khả năng đối đầu trực diện với Nga.

Tuần trước, truyền thông Đức đưa tin Berlin đang chuẩn bị cho tình trạng thù địch với Nga, điều mà họ dự đoán có thể xảy ra sớm nhất là vào mùa Hè năm 2025. Moscow đã bác bỏ suy đoán này.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva. Ảnh: Getty.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva. Ảnh: Getty.

Cụ thể, Thủ tướng Kallas cho biết cơ quan tình báo Estonia VLA đã đưa ra khung thời gian từ 3 đến 5 năm, đồng thời lưu ý rằng điều đó “phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta quản lý sự đoàn kết và giữ vững lập trường của mình đối với Ukraine”.

“Điều Nga muốn là khoảng thời gian tạm dừng nhằm tập trung nguồn lực và sức mạnh,” Thủ tướng Estonia chia sẻ với tờ báo Anh.

Trong tháng này, quốc gia có chung đường biên giới với Nga đã cam kết viện trợ 1,2 tỷ euro (tương đương 1,3 tỷ USD) cho Ukraine cho đến năm 2027. Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy đã có chuyến công du đến Estonia cũng như Latvia và Lithuania.

Chính phủ Ukraine trong nhiều năm đã tuyên bố rằng cuộc chiến với Nga là để bảo vệ châu Âu, và khẳng định rằng nước này chia sẻ các giá trị dân chủ với những quốc gia trong khu vực.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng Moscow có thể tấn công một quốc gia thành viên NATO sau khi đánh bại Ukraine. Ông Biden đưa ra quan điểm này hồi tháng trước, khi đề nghị Quốc hội tiếp tục tài trợ cho các nỗ lực chiến tranh của Kiev. Ông nhấn mạnh, trong một kịch bản như vậy, Mỹ sẽ phải bảo vệ châu Âu. Tuy nhiên việc này không thuyết phục được các nhà lập pháp còn hoài nghi, RT nhận định. 

Chính phủ Ukraine ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ của phương Tây kể từ khi nỗ lực tiến hành một cuộc phản công chống lại lực lượng Nga vào năm ngoái, được đánh giá là chưa mang lại tiến triển lớn. Mặt khác, EU không thể phân bổ tài chính cho Kiev do sự phản đối của Hungary. Tổng số trợ cấp trong hai gói được đề xuất là hơn 110 tỷ USD vẫn đang rơi vào thế bế tắc. 

Moscow đã bác bỏ những tuyên bố của phương Tây rằng cuộc xung đột của họ với Kiev mang tính chất chủ nghĩa đế quốc và nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ. Theo giới lãnh đạo Nga, Mỹ và các đồng minh đã làm gia tăng căng thẳng bằng cách mở rộng NATO ở châu Âu, vi phạm cam kết của chính họ và bất chấp sự phản đối từ Nga.

Các quan chức ở Moscow tuyên bố, lời cam kết của khối về khả năng sẽ chấp nhận Ukraine làm thành viên và các diễn biến sau cuộc chính biến ở Kiev năm 2014 đã đặt ra mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia Nga.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Bild hôm 14/1 công bố một tài liệu được cho là mật của Bộ Quốc phòng Đức, trình bày chi tiết về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp của NATO với Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 15/1 khi trao đổi với báo chí đã phủ nhận dự đoán này.