Thu hút FDI 2024

Cơ hội đón dòng vốn chất lượng cao

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khép lại năm 2023, thu hút vốn ngoại đã quay đầu ngược chiều với tình hình khó khăn chung, trở thành một điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023. Những dự báo mới nhất cho thấy, năm 2024 vẫn là năm “được mùa của thu hút vốn FDI”.

Nhiều triển vọng thu hút FDI

Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2023 đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng cao nhất và ấn tượng tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát từ năm 2020. Số vốn giải ngân FDI trong năm 2023 cũng rất ấn tượng, đạt khoảng 23,1 tỷ USD, cao hơn nhiều năm gần đây.

Số liệu trên thậm chí còn cao hơn những dự báo lạc quan nhất trong thời điểm đầu năm 2023; thể hiện sức hấp dẫn và khả năng thích ứng, cũng như hiệu quả cạnh tranh về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, trong bối cảnh cuộc đua mời gọi đầu tư ngày càng quyết liệt trên toàn cầu.

Các điều kiện bảo đảm cho đầu tư nước ngoài có hiệu quả như ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị - xã hội, và cơ sở hạ tầng cứng (hệ thống giao thông, bến cảng, logistics…) đều đã được tăng cường. Nguồn nhân lực vẫn còn khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cú hích nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, nhất là Mỹ, Nhật Bản và EU… đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… gia tăng vào Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt - Pháp trao đổi về đầu tư, kinh doanh tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Pháp năm 2023 ''Hướng tới phát triển xanh và bền vững''. Ảnh: Phạm Hùng
Doanh nghiệp Việt - Pháp trao đổi về đầu tư, kinh doanh tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Pháp năm 2023 ''Hướng tới phát triển xanh và bền vững''. Ảnh: Phạm Hùng

Sự phục hồi và bắt đầu tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI vào Việt Nam từ nửa cuối năm 2023 cũng như đưa vào giải ngân vốn cao là động lực rất quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Xu hướng ngày càng tích cực, nhất là khi các dự án quy mô lớn tiếp tục được đầu tư.

 

 

Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và nguồn nhân lực. Đồng thời đang chuẩn bị các đề án mang tính chiến lược để phát triển tốt hơn ngành công nghiệp bán dẫn và hỗ trợ DN. Xây dựng đề án đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư, chuyên gia trong ngành bán dẫn. Khi đó chúng ta ở tâm thế, vị thế khác.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

 

Đáng lưu ý là những dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, vốn đăng ký đầu tư 1,99 tỷ USD; dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà, Quảng Ninh, vốn đăng ký đầu tư 1,5 tỷ USD. Dự án Nhà máy Lite-On Quảng Ninh, sản xuất máy tính, vốn đầu tư 690 triệu USD hay dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian, tỉnh Bắc Giang, vốn đầu tư 621 triệu USD…

Đón dòng vốn chất lượng cao

Nhận định về khả năng thu hút vốn FDI năm 2024, nhìn chung giới chuyên gia vẫn cho rằng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư quốc tế. Dòng vốn ngoại được các chuyên gia dự báo tiếp tục chảy nhiều vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ cao, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng.

Với một nền kinh tế có độ mở rất cao, các phân tích cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút FDI chất lượng cao từ các DN lớn trên thế giới. Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có 16 FTA đang được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.

TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 tạo tiền đề thuận lợi cho thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2024. Bởi lẽ, Việt Nam đang có rất nhiều kinh nghiệm trong thu hút FDI. Trong quan hệ quốc tế, cú hích nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam. Đặc biệt là giai đoạn từ sau năm 2019 đến nay khi Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Đại diện nhiều tập đoàn nước ngoài, trong đó có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán dẫn, đầu tư, khai thác cơ sở hạ tầng và năng lượng đều xác nhận quan tâm và có ý định tăng cường hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong tương lai gần.

Đầu tháng 12/2023, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc hội đàm với ông John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn và công nghệ cao của Mỹ, từ Intel, Qualcomm đến Ampere, ARM, Synopsys, Infineon, Marvell…
Gần đây, tỷ phú Jensen Huang - Chủ tịch, CEO của Nvidia (Mỹ), tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã đến Việt Nam thăm và làm việc tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Chủ tịch Nvidia nhấn mạnh AI là làn sóng lớn nhất từ trước đến nay.

“Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời điểm tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược, AI và chip - cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Việt Nam là đối tác của Nvidia” - ông Jensen Huang nói.

Lĩnh vực bán dẫn Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến, thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Hana Micron Vina, Amkor Technology và nhiều công ty khác… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp...
Không chỉ đầu tư sản xuất ở Việt Nam, một điểm lưu ý nữa là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đang có kế hoạch thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), một khâu rất quan trọng trong sản xuất để làm bệ phóng cho những sản phẩm công nghệ cao hiện đại.

Tập đoàn thiết kế vi mạch Marvell từ Mỹ công bố sẽ sớm thành lập trung tâm thiết kế quy mô lớn tại Việt Nam. Sau 3 năm tới, quy mô nhân sự sẽ tăng 50% so với hiện nay.

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), mặc dù tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng vẫn có hơn 56% số DN nước này chọn phương án mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Hàng loạt DN lớn của Nhật Bản đều có dự án đầu tư tại Việt Nam, như Toyota, Renesas, Honda, Yamaha, Mitsubishi, Sumitomo, Canon, Marubeni, Panasonic, Toshiba, Sharp, Tokyu, Fujikura, Aeon Mall, Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto… Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Apple cho biết mong muốn đầu tư, triển khai dự án nhằm mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.

 

 

Do đường lối đối ngoại xác định định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài “đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác” (Nghị quyết số 50-NQ/TW) đã được thực thi cụ thể trong năm vừa qua, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, nên Việt Nam vẫn duy trì được là điểm đến đầu tư an toàn. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới được kỳ vọng là lực đẩy đưa làn sóng thu hút đầu tư bùng nổ tại Việt Nam.
Nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT.TS Phan Hữu Thắng

 

Dù vậy, Việt Nam cũng đang gặp không ít thách thức để thu hút các dự án công nghệ cao, các tập đoàn lớn khi mà cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư không chỉ xảy ra trong khu vực mà ngay cả các nước phát triển, hay nước “xuất khẩu” về đầu tư… Vấn đề nhân lực công nghệ cao được xem là một thách thức không nhỏ. Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024 cũng làm mất lợi thế ưu đãi thuế của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI quy mô lớn.