Cơ hội làm mẹ cho phụ nữ bị bệnh tim

Hà Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ sản phụ tử vong do bệnh tim mạch rất lớn, bởi vậy, nhiều người mắc bệnh không dám sinh con. Tuy nhiên, sự phát triển của y học đã làm thay đổi điều này, nếu biết cách chăm sóc và điều trị kịp thời, người bệnh vẫn có cơ hội làm mẹ.

 Bệnh nhân tim mạch cần được khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Ảnh: Nhật Nguyên
Thay van sinh học được chỉ định cho những phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu sinh con. Bởi van sinh học không có nguy cơ tạo huyết khối nên người bệnh chỉ cần dùng thuốc chống đông trong thời gian ngắn sau phẫu thuật.
Không dám lấy chồng, sinh con

Trung tâm Tim mạch, Khoa Sản và Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện (BV) E vừa hỗ trợ sản phụ Đỗ Thị H. (28 tuổi, Hà Nội) sinh con thành công. Chị H. có tiền sử mắc bệnh tim năm 12 tuổi và đã được mổ tách van hai lá. Năm 27 tuổi, chị tiếp tục được mổ thay van tim sinh học, nhờ đó chị đã có được hạnh phúc làm mẹ.

GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc BV E cho biết, tại BV, đã có nhiều bệnh nhân tim mạch sinh con khỏe mạnh. Hiện, BV đang điều trị cho sản phụ Phạm Thị T. (26 tuổi, Hà Nội) mang thai tháng thứ 5, bị thông liên nhĩ lỗ lớn áp lực tăng. Khi phát hiện mang thai, chị đi khám nhiều nơi đều được bác sĩ khuyên nên bỏ thai. Chỉ khi đến BV E, gặp được GS.TS Thành, chị được động viên, tư vấn làm mẹ an toàn. Hiện, sản phụ T. đang được điều trị, theo dõi và chờ ngày chào đón đứa con đầu lòng của mình.

Tại BV Tim Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV cho biết, ông đã gặp và khám cho rất nhiều phụ nữ bị các bệnh van tim nên không dám lập gia đình, sinh con. Thực tế, phụ nữ bị bệnh tim, việc mang thai vẫn là một thách thức lớn với cả bác sĩ và bệnh nhân. Niềm hạnh phúc làm mẹ của họ rất dễ bị từ chối, nhưng nếu được điều trị kịp thời, theo dõi sức khỏe của bác sĩ chuyên khoa, vẫn có thể sinh con an toàn, khỏe mạnh.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 200 triệu phụ nữ có thai, trong đó có khoảng nửa triệu sản phụ tử vong do các biến chứng liên quan đến thai nghén, chủ yếu ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân tử vong ở sản phụ liên quan đến tim mạch thường gặp là tăng huyết áp 12% và các bệnh tim khác 20%.
Theo các chuyên gia y tế, trong quá trình mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi về giải phẫu, huyết học, tuần hoàn… làm tăng gánh nặng cho hệ tuần hoàn. Ở những người khỏe mạnh, thì hệ thống tim mạch có thể thích ứng được với những thay đổi khi có thai, nhưng phụ nữ bị bệnh tim thì thai nghén là gánh nặng và có thể gây ra những biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Do vậy, cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt để tránh hay ít nhất là giảm thiểu các biến chứng và tỷ lệ tử vong.

Quyền được làm mẹ

GS.TS Thành cho biết, bệnh van tim là bệnh lý rất nguy hiểm, đặc biệt đối với phụ nữ khi mang thai. Tuy nhiên, với những kỹ thuật phát hiện và điều trị tiên tiến hiện nay vẫn cho phép họ có quyền làm vợ, làm mẹ mà không ảnh hưởng tới tính mạng. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được khám chuyên khoa tim mạch để có sự tư vấn, theo dõi và điều trị của bác sĩ.
Phụ nữ bị bệnh tim nên được đánh giá tình trạng trước khi mang thai. Tùy theo bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa phù hợp. Khi có thai, cần theo dõi định kỳ hàng tháng với bệnh nhẹ và 2 tuần với bệnh nhân nặng, khi thai sau 28 tuần, cần thăm khám hàng tuần cho đến khi sinh. Khi chuyển dạ và đẻ cần có sự bàn luận và quyết định bởi bác sĩ sản khoa, tim mạch và gây mê, phòng tránh các nguy cơ biến chứng, nhất là huyết động.

GS.TS Thành khuyên, việc thăm khám trước, trong khi có thai rất có ý nghĩa trong sự sống của mẹ và thai nhi. Bác sĩ giúp đánh giá và giải thích tình trạng bệnh, mức độ an toàn khi mang thai, nguy cơ đối với mẹ và thai nhi, có cần điều trị bệnh ổn trước, trong khi có thai không, phương pháp nào hiệu quả…
Thậm chí, một số tình trạng bệnh lý quá nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ khi mang thai như tăng áp động mạch phổi nặng, bệnh cơ tim giãn nở có suy tim, hội chứng Marfan có giãn động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh tím, hẹp khít van hai lá, hẹp van động mạch chủ nặng… bác sĩ vẫn có thể khuyến cáo bệnh nhân tránh có thai hoặc gián đoạn thai kỳ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần