Cơ hội từ “Thung lũng Silicon”

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” - Vietnam Silicon Valley (VSV) là bước khởi động đầu tiên của Bộ KH&CN để hỗ trợ, đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp (startup).

Không gian làm việc chung

Thung lũng Silicon là trung tâm công nghệ cao của Mỹ. Đây là thị trường, nơi các công nghệ mới gặp gỡ với nhà đầu tư mạo hiểm và kết hợp lại trở thành những DN startup với mức tăng trưởng nhanh chóng. Theo bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm Đề án, đầu tư vào các DN startup mang lại tỷ suất lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán hiện nay. Tại Thung lũng Silicon, các quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ cần đầu tư khoảng vài chục đến vài trăm ngàn USD cho một công ty khởi nghiệp và thực tế cho thấy họ đã gặt hái nhiều thành công như ngày hôm nay. “Các nhà đầu tư Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều đó” - bà Anh khẳng định. Đồng thời thông tin, từ khi đi vào triển khai mô hình này, VSV đã hỗ trợ cho hơn 40 nhóm, trong đó có 16 nhóm đã gọi được vốn vòng tiếp theo. Đây là tỷ lệ khá lớn (bằng 38 - 40%), trong khi các nước giai đoạn đầu thành công khi hỗ trợ startup chỉ chiếm 10%.
 Các chuyên gia chia sẻ với các Start Up trong không gian của mô hình. Ảnh Khắc Kiên

Để tạo điều kiện cho startup, ngoài các hội thảo, tọa đàm, kết nối, VSV dành khoảng không gian cho startup, khu vực đó nếu nhìn thoáng qua như một quán café nhưng rất thoải mái để những ý tưởng thể hiện. Tại đây, có các cố vấn, các nhà đầu tư sẽ hỗ trợ về phương pháp kinh doanh, xây dựng DN, cũng như đầu tư kinh phí cho các startup trong giai đoạn đầu còn khó khăn về vốn.

Kết nối để hỗ trợ

VSV còn kết hợp với rất nhiều đối tác nhằm tạo điều kiện cho startup, trong đó việc liên kết với Dự án hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) giúp khu vực này đổi mới sáng tạo, tìm kiếm công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động, cũng như làm việc với Chính phủ, tạo ra môi trường thể chế tốt hơn cho hoạt động đầu tư của DN tư nhân.

Nếu riêng VSV thì chỉ có các DN trong nước, nhưng thông qua MBI sẽ có những khách hàng, nhất là tiệm cận được quỹ đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội để đầu tư cho các startup Việt Nam. Đơn cử, mới đây, VSV và MBI tổ chức hội thảo Giải pháp công nghệ (FinTech) cho ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam để có thể ứng dụng công nghệ, tăng cường đổi mới sáng tạo để tạo ra bước đột phá và nâng cao năng lực cạnh tranh. Những kiến thức cơ bản như thế nào là startup, thế nào là đầu tư cho startup công nghệ, thế nào là tài chính ngân hàng, cho vay hay giải pháp thay thế truyền thống… được lý giải.

Trong lĩnh vực tài chính, FinTech là cơ hội lớn cho các startup trong thời gian tới. Bởi thông thường startup có giải pháp công nghệ nhưng không biết ai sẽ sử dụng, thậm chí còn không biết giải pháp đó có giải quyết được vấn đề gì cho xã hội, đặc biệt là trong ngành tài chính ngân hàng rất đặc thù. “Các hội nghị bàn tròn về công nghệ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính sẽ tìm ra những vấn đề gặp phải trong lĩnh vực này. Từ đó kỳ vọng khoa học công nghệ sẽ giải quyết được, không phải bằng mua mà là đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các DN FinTech” - bà Anh cho biết.