Có kìm được giá hàng hóa sau tăng lương?

Nguyễn Vũ - Hải Anh
Chia sẻ Zalo

Từ 1/7, lương cơ sở chính thức tăng thêm 20,8%, từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Một số quan điểm lo ngại, việc lương cơ sở tăng sẽ khiến mặt bằng giá cả tăng theo. Nhiệm vụ kiểm soát giá cả, lạm phát thời gian tới sẽ nặng nề hơn.

Tăng lương không kìm được giá khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm  
Tăng lương không kìm được giá khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm  

Lo ngại giá hàng hóa “té nước” theo lương

Tăng lương cơ sở mới là nhân tố kích thích nhu cầu tiêu dùng, nhưng cũng tiềm ẩn lo ngại giá hàng hóa “té nước” theo lương. Theo khảo sát các chợ dân sinh, hiện, trên thị trường, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng nhẹ do sản xuất chăn nuôi cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn: Thịt lợn tăng từ 100.000- 120.000 đồng/kg. Tiểu thương cho rằng, giá thịt tăng do nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi biến động mạnh theo giá thế giới cùng với nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi có tác động lớn đến hoạt động chăn nuôi lợn. Ngoài ra, giá rau, củ, quả có xu hướng tăng tăng nhẹ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Rau cải xanh từ 25.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg. Rau cải thảo tăng từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg…

Về lo ngại tăng lương cơ sở ảnh hưởng tới lạm phát, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, CPI và tăng lương có tác động lẫn nhau. Lương tăng, đời sống người dân tăng, nhu cầu tăng lên, dẫn đến sự thay đổi quan hệ cung - cầu, kéo theo biến động giá hàng hóa tiêu dùng. Qua các đợt tăng lương cơ sở, Tổng cục Thống kê nhận thấy, giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng, nhất là thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, nguồn cung hàng hóa đảm bảo tốt, việc tăng lương kéo theo giá cả hàng hóa tăng nhưng không đột biến. Tôi tin rằng không xảy ra tình trạng giá cả, hàng hóa dịch vụ tăng quá cao.

Xây dựng kịch bản để kìm lạm phát

Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Nếu không kiểm soát được giá cả, lạm phát thời gian tới mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay là khó khả thi.

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mục tiêu 6,5% như Chính phủ đề ra, trong 6 tháng cuối năm, kinh tế cả nước cần phải tăng hơn 9%. Điều này khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo nên cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu và khó dự báo.

Nhưng theo nhận định của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó vụ trưởng Phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia nhìn nhận, dù còn nhiều khó khăn nhưng 6 tháng cuối năm kinh tế của Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng. Điển hình, trong sản xuất, hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng khá tốt, bảo đảm ổn định thị trường tiêu dùng nội địa và nguồn cung xuất khẩu. Hoạt động sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng nhẹ trong những tháng gần đây là tín hiệu tốt cho 6 tháng cuối năm. Khu vực dịch vụ dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng do cầu du lịch gia tăng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất điều hành trong tháng 6 là cơ sở để giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, khơi thông khó khăn trong sản xuất hiện nay. Thuế VAT giảm 2% sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh...

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,29%, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân tiếp tục ở mức cao, cao hơn CPI bình quân chung là yếu tố là cần được theo dõi.

Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái là Trưởng Ban, Bộ Tài chính là cơ quan thường trực, thường xuyên tổ chức những cuộc họp để đưa ra kịch bản điều hành giá

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Quản lý thẩm định giá - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Cơ quan chức năng đã xây dựng kịch bản cho những tình huống có thể xảy ra trong quá trình điều hành giá như tăng lương và một số tình huống khác trong thời gian sắp tới.

Về giải pháp hạn chế tình trạng giá hàng hóa tăng theo lương, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, các Bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đảm bảo nhu cầu người dân; cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, sử dụng vật liệu trong nước thay nguồn nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực lên giá tiêu dùng; kiểm soát việc niêm yết giá hàng hóa; đẩy mạnh bình ổn giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống găm hàng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Cùng với các giải pháp chung về kiểm soát mặt bằng giá, một giải pháp cần làm tốt là tăng cường công tác truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý của xã hội. Tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng nhỏ càng tốt, nếu không bị ảnh hưởng thì các giải pháp về kiểm soát giá nêu trên sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra...