Có Mobile Money, tiện lợi nhưng chưa hết băn khoăn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả 3 nhà mạng Viettel, VNPT và Mobifone đã được NHNN cấp phép thí điểm Mobile Money - dịch vụ thanh toán có giá trị nhỏ trên tài khoản gắn với thuê bao di động. Mobile Money được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Mobile Money phủ sóng toàn quốc

Theo thông tin từ các nhà mạng, đến nay đã có hơn 10.000 người đăng ký tài khoản Mobile Money. Với các thuê bao chính chủ, đã được xác thực và có sử dụng VNPT Pay hoặc Viettel Pay, người dùng thậm chí có thể kích hoạt trực tuyến. Các nhà mạng cho biết, người dùng ở 63 tỉnh thành, thậm chí là ở các vùng biên giới, hải đảo đều đã có thể sẵn sàng sử dụng.

Sau khi kích hoạt tài khoản, người dân có thể chuyển tiền hay thanh toán ngay cả khi không có Internet và không có smartphone. Cụ thể, với lợi thế gắn liền với SIM, thuê bao không cần mạng Internet hay điện thoại thông minh, không cần có điện…, với Mobile Money, người sử dụng vẫn có thể dễ dàng chuyển tiền, thanh toán… thông qua tin nhắn SMS. Chính vì đơn giản, tiện lợi, Mobile Money được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi văn hóa và thói quen người dân, nhanh chóng phổ cập thanh toán số ở khu vực nông thôn.

 Ảnh minh họa

Hiện nay để khuyến khích người dùng, các nhà mạng cũng đang áp dụng miễn phí, khuyến mãi. Chẳng hạn, toàn bộ việc thanh toán dịch vụ công đều được miễn phí, trước mắt tạo thói quen không dùng tiền mặt cho người dân.

“Việc triển khai hình thức thanh toán Mobile Money phù hợp với mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ có số lượng người sử dụng thuê bao di động để cung ứng và sử dụng Mobile Money thanh toán hàng hóa, dịch vụ", ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN cho hay.

Như tại VNPT, với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng gồm mạng di động, viễn thông, internet hơn 30 triệu thuê bao, hơn 30.000 trường học, hơn 20.000 nhà thuốc, hơn 7.000 cơ sở y tế/bệnh viện, kết nối thanh toán hơn 5.000 dịch vụ hành chính công và dịch vụ thiết yếu (điện, nước), Mobile Money - VNPT Pay đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thanh toán, mua sắm và tiện ích gắn với đời sống hàng ngày của mỗi người dân.

Ngoài ra tập đoàn này còn sở hữu hơn 10.000 điểm giao dịch, 10.000 điểm giao dịch ủy quyền và hơn 200.000 điểm kinh doanh liên kết, phủ rộng và sâu khắp 63 tỉnh thành cả nước, giúp Mobile Money dễ dàng tiếp cận ngay cả những địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn.

Đối với Viettel, nhà mạng đang sở hữu lượng thuê bao di động lớn nhất với khoảng 60 triệu thuê bao. Từ ngày 1/12, các thuê bao của Viettel đã đăng ký thông tin thuê bao chính chủ và sử dụng dịch vụ viễn thông liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề có thể sử dụng Viettel Money mà không cần tài khoản ngân hàng.

Ông Phạm Trung Kiên - Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, cho biết tại thời điểm cung cấp dịch vụ, Viettel Money có hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi khách hàng về mua bán, chuyển tiền, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán các dịch vụ như hóa đơn điện, nước, học phí, mua vé máy bay, tàu xe, mua bảo hiểm, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử...

Đại diện MobiFone cũng cho biết trong giai đoạn đầu sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch trên toàn quốc, trước khi tiếp tục mở rộng ra toàn bộ hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch của các đối tác, đại lý.

Kiểm soát rủi ro khi sử dụng Mobile Money

Dù khẳng định Mobile Money được triển khai thí điểm là cú hích mạnh trong thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam nhưng theo ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông VNPT Media, thí điểm Mobile Money theo quy định hiện nay có một số điểm hạn chế so với Mobile Money cung cấp ở các quốc gia khác. Đặc biệt là ở hạn mức giao dịch.

"Hạn mức hiện nay là 10 triệu trong tháng. Tuy nhiên, nếu người dân có nhiều khoản chi như nộp tiền điện, sinh hoạt thì sẽ là thấp. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới các cơ quan quản lý có thể cho phép để nâng hạn mức dùng Mobile Money", ông Nguyễn Sơn Hải nói. 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Sơn Hải cũng cho hay, hiện tại, các điểm kinh doanh Mobile Money để nạp rút tiền mới là các DN, trong tương lai cơ quan chức năng có thể xem xét mở điểm kinh doanh ra hộ kinh doanh cá thể. Điều này sẽ góp phần phổ biến hơn mạng lưới sử dụng dịch vụ Mobile Money.  

Một điểm hạn chế nữa, theo đại diện VNPT cho hay, hiện người dùng chỉ có thể chuyển tiền từ tài khoản Mobile Money đến tài khoản Mobile Money khác trong cùng mạng VinaPhone, đến tài khoản Ví VNPT Pay khác hoặc đến tài khoản/thẻ ngân hàng. Chưa thể chuyển tiền giữa các nhà mạng với nhau. 

"Tôi cùng đề xuất khi thử nghiệm đạt một số kết quả, có thể tiến tới kết nối, chuyển tiền giữa các mạng với nhau. Như vậy sẽ tạo sự thuận tiện cho người dùng" - ông Nguyễn Sơn Hải chia sẻ.

Ngoài ra, theo ý kiến của một số bộ phận người dân ở nông thôn, vẫn còn khá ngại ngần với hình thức thanh toán mới này. 

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam, cho biết mặc dù khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến trong việc thanh toán không dùng tiền mặt thời gian gần đây. Song có một số nguyên nhân khiến việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn. Đó là thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Ngoài ra, một số người dân có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng, sợ rủi ro, không an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt...

Tình trạng lừa đảo qua điện thoại vẫn nở rộ khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại, bất chấp sự trấn an của các nhà mạng. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, thời gian qua, nhiều người dân tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên… đã bị mất tiền do dính chiêu lừa nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Các đầu số 052…; +84563…; +84528…; +84582…; +4841900.... gọi điện, nhắn tin SMS hoặc qua Zalo tới điện thoại di động của người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản. Rất nhiều người dân sau khi nghe điện thoại hoặc nhận tin nhắn lừa đảo, làm theo hướng dẫn và đã bị mất tiền. Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho hay, tội phạm lừa đảo qua điện thoại vẫn hết sức phức tạp.

Theo ông Phạm Tiến Nam, để Mobile Money trở thành kênh toán toán phổ cập, giúp phủ sóng tài chính toàn diện khu vực nông thôn, các nhà mạng cũng cần tập trung tuyên truyền cho người dân về an toàn, bảo mật. “Các nhà mạng cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đảm bảo xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ có tính bảo mật cao để đề phòng tấn công. Các nhà mạng cũng cần có hệ thống ghi nhận các rủi ro, đánh giá các nguy cơ, các phương án có thể xảy ra để có thể ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố. Quan trọng là mỗi khi có sự cố như chuyển nhầm tiền, mất mát tiền, nhà mạng phải nhanh chóng tiếp nhận và xử lý cho khách hàng”, ông Phạm Tiến Nam bày tỏ.