Có một Singapore luôn biết cách len lỏi giữa guồng quay Mỹ-Trung

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp căng thẳng Mỹ-Trung không hồi kết, Singapore vẫn luôn biết cách tận dụng lợi thế để thu hút hàng loạt ông lớn công nghệ.

Không chỉ nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế khi tập trung rất nhiều công ty đa quốc gia, Singapore là điểm đến đầy hứa hẹn của những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu và công ty khởi nghiệp, nhất là khi căng thẳng Mỹ-Trung tiếp diễn.

Sở dĩ quốc gia Đông Nam Á này có thể thu hút được các tinh anh trong giới công nghệ cũng như dòng vốn đầu tư khổng lồ là nhờ môi trường an toàn, ổn định; tốc độ phát triển thị trường bậc nhất thế giới và khung pháp lý phù hợp.

Không những vậy, việc luôn nằm trong khu vực tăng trưởng cao giúp Singapore thu hút đông đảo doanh nghiệp công nghệ và kỹ thuật số. Theo các nhà kinh tế, khu vực này sẽ vẫn luôn dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm nữa.

Bên cạnh đó, sự an toàn, ổn định trong môi trường đầu tư cũng giúp cho doanh nghiệp và người nước ngoài yên tâm sinh sống và làm việc tại quốc gia này. Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo Toàn cầu năm 2022 (GII 2022) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã xếp Singapore đứng đầu về ổn định chính trị.

Singapore mang đến cho các doanh nghiệp và người nước ngoài môi trường làm việc vừa an toàn vừa ổn định. Nguồn: Nikkei Asia
Singapore mang đến cho các doanh nghiệp và người nước ngoài môi trường làm việc vừa an toàn vừa ổn định. Nguồn: Nikkei Asia

Trong vài năm qua, thông qua chương trình Quốc gia Thông minh, Singapore đang dần cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và phát triển đội ngũ nhân tài cho các doanh nghiệp và điều này có thể kéo dài trong cả thập kỷ tới.

Cũng không kém phần quan trọng khi Chính phủ luôn đặt trọng tâm vào thu hút nhân tài toàn cầu cho sự phát triển của hệ sinh thái địa phương.

Năm 2022, Singapore đã tăng mức lương tiêu chuẩn tối thiểu đối với chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao, bằng với mức lương của 1/3 lao động chuyên nghiệp, quản lý, điều hành và kỹ thuật trong nước. Ngưỡng lương tăng dần theo độ tuổi của ứng viên, có lợi cho những người Singapore mới tốt nghiệp đại học.

Singapore cũng đưa ra ba sáng kiến việc làm mới để thu hút nhân tài nước ngoài và đảm bảo rằng quốc gia này vẫn là một trung tâm đổi mới.

Trong đó, ra mắt vào năm 2019, Tech Pass cho phép những người có nền tảng về công nghệ, chẳng hạn như người sáng lập công ty công nghệ và giám đốc tài chính, ở lại từ hai năm trở lên để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của đất nước. Đặc biệt, với việc không liên kết với một nhà tuyển dụng cụ thể, những thẻ này sẽ giúp chủ sở hữu linh hoạt trong việc cố vấn cho các công ty khởi nghiệp, thành lập công ty mới, tham gia hội đồng quản trị.

Tiếp theo, chương trình Tech@SG nhằm thu hút công ty khởi nghiệp kỹ thuật số và công nghệ đến với đất nước này. Theo đó, bằng cách đảm bảo tối đa 10 giấy phép tuyển dụng/công ty, chương trình này cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nguồn tài nguyên cần thiết để phát triển và mở rộng kinh doanh.

Cuối cùng, vào tháng 1, thẻ chuyên môn cho mạng lưới ở nước ngoài được ban hành dành cho tài năng hàng đầu nước ngoài có chuyên môn và khả năng sáng tạo ngoài lĩnh vực khởi nghiệp và công nghệ. Bằng cách đảm bảo phê duyệt tự động, doanh nghiệp có thể tiếp cận các giám đốc điều hành cấp cao và chuyên gia bất cứ thời điểm nào họ cần. Người sở hữu có thể ở lại Singapore trong 5 năm, không bị ràng buộc với một chủ lao động nào và vợ/chồng của họ cũng được phép đi làm.

Trước thách thức từ cuộc chiến Mỹ-Trung, Singapore vẫn luôn biết cách duy trì với hai đối tác làm ăn lớn nhất của mình: Mỹ - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Singapore vào năm ngoái và Trung Quốc dẫn đầu về hợp tác thương mại song phương.

Quốc gia này đã đề xuất đẩy nhanh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giúp Mỹ hội nhập mạnh mẽ hơn vào khu vực mà Trung Quốc đang khẳng định vai trò. Khi Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi TPP vào năm 2017, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã giúp nhà lãnh đạo này nỗ lực tạo ra (CPTPP).

Năm 2021, Singapore cũng trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Trung Quốc hiện là thành viên lớn nhất.

Năm ngoái, đáp lại nỗ lực mời gọi của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden, Singapore đã tham gia với tư cách là thành viên sáng lập của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF).

Sự cởi mở của Singapore trong việc kinh doanh với cả Mỹ và Trung Quốc đã biến quốc gia này trở thành địa điểm hấp dẫn cho các ông lớn công nghệ của cả hai siêu cường là Google và Tập đoàn Alibaba.

Tuy nhiên, với việc Mỹ, Trung cạnh tranh và đối đầu nhau, Singapore cần phải biết cách điều hướng mối quan hệ với hai bên, nhằm khai thác tối đa nhiều nguồn lợi, đồng thời tránh bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh không hồi kết như một số quốc gia khác.