Có nên duy trì hạn mức tín dụng?

TS. Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạn mức tín dụng (HMTD) là công cụ chính sách tiền tệ hiện đang rất ít được sử dụng tại nhiều quốc gia. Ở nước ta, hạn mức tín dụng vẫn tỏ ra tích cực hơn tiêu cực đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

NHNN giao mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) thực chất là giao HMTD. HMTD là một trong các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, NHNN các nước ít sử dụng công cụ HMTD, chỉ sử dụng nó khi các công cụ khác đã phát huy hết tác dụng.
Giao hạn mức tín dụng là một trong các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Phạm Hùng
Ở nước ta, giai đoạn từ 1998 - 2010 NHNN dường như ít khi sử dụng công cụ HMTD. Nhưng từ năm 2011 đến nay, công cụ này thường xuyên được sử dụng mặc cho gần đây các tổ chức tài chính quốc tế khuyến cáo nên hạn chế, trong khi các NHTM coi đó là mức tăng TD cho phép. HMTD là công cụ mang tính hành chính trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Hệ quả tiêu cực
Thứ nhất, HMTD chung của toàn hệ thống ngân hàng từng năm được NHNN xác định vào đầu mỗi năm (tuy có thể được điều chỉnh vào thời đoạn cuối năm) nên nói chung không thể theo tín hiệu cung - cầu vốn TD trên thị trường. Hệ quả của sự lệch pha đó dẫn đến nền kinh tế có thể thừa hoặc thiếu cung ứng TD trong những thời điểm nhất định, NHNN sẽ bị động lập lại cân bằng mới để ổn định vĩ mô, trong khi các NHTM bất lợi cho tăng trưởng lợi nhuận.
Chẳng hạn, theo NHNN mức tăng trưởng TD toàn hệ thống năm 2018 là 14%, định hướng tăng trưởng này của năm 2019 vẫn giữ mức 14%.

Thông qua phát biểu của các quan chức thuộc quyền gần đây cho thấy, NHNN vẫn tiếp tục sử dụng HMTD như là một công cụ cần thiết, quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát an toàn hoạt động của hệ thống NH. Tại sao NHNN “say sưa” như vậy?

Giả định năm 2019 nền kinh tế bị tác động bất lợi từ bên ngoài gây khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế kém đi, các NH không đạt mức tăng trưởng TD được giao dẫn đến ứ đọng nguồn vốn đã huy động và sụt giảm lợi nhuận.
Ngược lại, năm 2019 nền kinh tế xuất hiện các nhân tố mới thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn năm 2018, khi đó sẽ thiếu hụt cung ứng TD, các NH không phát huy được khả năng tăng trưởng lợi nhuận.
Thứ hai, nếu lý lẽ cho rằng NHNN khống chế HMTD nhằm kiểm soát trực tiếp việc mở rộng TD phải gắn liền với an toàn và hiệu quả hoạt động của NHTM, điều đó chỉ hợp lý trên lý thuyết.
Thực tế NHTM đã phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tiệm cận thông lệ Quốc tế như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), tỷ lệ tổng dư nợ trên tổng huy động vốn, tỷ lệ nguồn vốn huy động ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn và tỷ lệ nợ xấu. Cho nên, chỉ tiêu HMTD lúc này dường như là thừa trong kiểm soát an toàn hoạt động của NH.
Thứ ba, việc NHNN giao chỉ tiêu HMTD cho từng NH tạo ra cơ chế xin - cho, khó tránh khỏi bất công bằng giữa các NH. Cùng với đó, cơ chế này tạo ra sự kỳ vọng cho từng NHTM vì họ nghĩ rằng có thể xin nới được room HMTD.
Do kỳ vọng nên nhiều NHTM đặt mục tiêu tăng trưởng TD năm 2019 vượt mức 14%, một số NH đặt mục tiêu quá cao khó chấp nhận (đương nhiên họ có quyền). Điển hình là TPBank có mức 20%, HDBank 24%, OCB 30% và VIB đến 35%. Việc này có thể tạo bùng nổ các NH đua nhau điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng TD của mình, tác động tâm lý thị trường đẩy mặt bằng lãi suất tăng.
Công cụ HMTD được NHNN sử dụng trên thực tế đã và đang biểu hiện không ít hạn chế. Không chỉ vậy, điều đó còn cho thấy sự hạn chế của NHNN trong sử dụng các nghiệp vụ NHTW điều hành chính sách tiền tệ. Thay vì hạn chế công cụ tác động trực tiếp (dự trữ bắt buộc, HMTD) để chủ yếu sử dụng công cụ tác động gián tiếp (lãi suất tái cấp vốn, thị trường mở) thì NHNN hành động đảo ngược lại.
Tiếp tục “say sưa”
Thông qua phát biểu của các quan chức thuộc quyền gần đây cho thấy, NHNN vẫn tiếp tục sử dụng HMTD như là một công cụ cần thiết, quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát an toàn hoạt động của hệ thống NH. Tại sao họ “say sưa” như vậy?
Trước hết, NHNN muốn khẳng định quyền lực của họ trong quản lý, kiểm soát hoạt động của hệ thống NH. Cho nên HMTD một mặt được coi là chiếc gậy quyền uy răn đe NHTM hoạt động đúng quy định và an toàn. Mặt khác, HMTD có thể trở thành công cụ khuyến khích phát triển, chấp hành luật chơi với từng NHTM.
Chẳng hạn, chỉ tiêu tăng trưởng TD năm 2019 ban đầu phần lớn các NH được giao ở mức 13% nhưng riêng CTG đang triển khai tái cơ cấu theo đề án được duyệt nên chỉ được giao mức 7%. Điều đó nói lên rằng CTG muốn sớm được bổ sung chỉ tiêu phải tích cực triển khai tái cơ cấu đúng tiến độ theo đề án.
Trong khi đó, do hoàn thành sớm các tiêu chuẩn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN nên VCB được giao chỉ tiêu mức 15%, vượt 1% so với chỉ tiêu chung. HMTD là công cụ mang nặng tính hành chính, thể hiện quyền uy của NHNN đối với NHTM, dễ bị người thừa hành lạm dụng. Nếu lạm dụng, việc giao HMTD có thể trở thành quan hệ xin - cho như nói ở phần trên.
Thứ hai, trước áp lực của cổ đông, các NH luôn đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước hoặc ít nhất bằng mức năm trước.
Do hầu hết NH tạo lợi nhuận chủ yếu dựa vào TD nên họ bằng mọi cách gia tăng nguồn vốn để tăng trưởng TD, thậm chí chấp nhận tăng trưởng TD nóng và tăng trưởng TD vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng tiềm ẩn rủi ro cao. Nếu không có ba-ri-e chặn việc tăng trưởng tín dụng theo cách này sẽ hết sức nguy hiểm. NHNN đã lựa chọn HMTD làm ba-ri-e đó.
Thực tế những năm từ 2000 - 2010, do không sử dụng công cụ HMTD để khống chế nên mức tăng trưởng TD cả giai đoạn rất cao, thậm chí là quá nóng. Mức tăng trưởng TD nóng điển hình như năm 2004 trên 40%, năm 2008 vượt trên 50% và tụt xuống còn 30% năm 2010.
Hệ quả của tăng trưởng TD nóng đó đã đẩy lạm phát từ 6,6% vào năm 2006, lên 12,63% (2007), tiếp lên mức khủng là 22,97% (2008) và hạ xuống còn 11,75% (2010). Việc các NH phải xử lý hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu hiện nay phần nhiều từ hậu quả tăng trưởng TD nóng do NHNN không có ba-ri-e ngăn chặn trong giai đoạn đó.
Thứ ba, ở góc độ vĩ mô, khi đánh giá hiệu quả tăng trưởng TD phải được nhìn nhận trên mối tương quan phù hợp giữa tốc độ tăng trưởng TD và tốc độ tăng trưởng GDP. Theo các tính toán thì tỷ lệ tăng trưởng TD đang quá cao ( 130% vào năm 2017 và lên 140% năm 2018), tức 1,3 đến 1,4 đồng vốn TD mới tạo ra 1 đồng sản phẩm. Rõ ràng để giảm bớt lệch pha tiêu cực đó NHNN phải dùng HMTD để tiết chế.
Tuy có thể gây rủi ro nhất định như nói ở phần trên nhưng HMTD vẫn được cho là công cụ cần thiết hiện tại của NHNN trong can thiệp ổn đinh kinh tế vĩ mô và kiểm soát hoạt động của NHTM. Tuy nhiên, câu chuyện sử dụng công cụ HMTD của NHNN cần nhiều quan tâm cách thức triển khai cụ thể.
Bắt bệnh bốc thuốc
Với cách thức xác định và giao chỉ tiêu HMTD cho từng NH mà NHNN đang triển khai cần đặt ra một số câu hỏi: Thứ nhất, NHNN dựa vào cơ sở nào? Tiêu chí nào và lượng hóa cho từng tiêu chí để ấn định HMTD cho từng NH? Hay NHNN vận dụng bài: Bắt bệnh bốc thuốc?
Thứ hai, thời điểm nào thì NHNN công bố quyết định “thưởng” nâng mức chỉ tiêu HMTD đối với nhóm 8 NH thuộc diện Thông tư 41. Hiện mới chỉ có VCB được tăng 1% và ACB tăng mức 3%.
Thứ ba, nếu vẫn áp HMTD chung cho toàn hệ thống NH là tăng 14% thì việc tăng HMTD cho một số NH buộc NHNN sẽ giảm chỉ tiêu HMTD của các NH khác, việc này xác định ra sao?