Cổ phần hóa vẫn chậm

Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ,… đó là những nguyên nhân được chỉ ra khi tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại nhiều DN vẫn chậm.

Mặc dù quyết tâm về công tác đổi mới, cổ phần hóa (CPH) DN đã được đưa ra ngay từ đầu, nhiều biện pháp, cách làm mới cũng đã được ban hành, triển khai nhưng theo số liệu mới nhất, không tính các DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hiện có 375 DN còn vốn Nhà nước với tổng vốn 108.502 tỷ đồng (tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Tổng số vốn dự kiến thoái trong cả giai đoạn 2017 - 2020 là 64.457 tỷ đồng.
 Dây chuyền sản xuất của Habeco tại nhà máy bia Hà Nội - Mê Linh.
Riêng năm 2017, để bảo đảm nguồn thu từ CPH và thoái vốn khoảng 60.000 tỷ đồng, trong 6 tháng cuối kế hoạch tổng giá trị thoái vốn theo mệnh giá được đặt ra là 19.779 tỷ đồng. Nếu tính sơ bộ theo giá trị niêm yết trên sàn tại thời điểm 10/7/2017 có thể đạt hơn 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay cả nước mới hoàn thành CPH 6/137 DN Nhà nước; công bố giá trị DN và đang xây dựng phương án CPH để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 DN, trong đó có những DN có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như 3 DN thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 1 DN thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đang tiến hành xác định giá trị DN của 20 DN.
Nguyên nhân tiếp tục được chỉ ra là do công tác chỉ đạo, điều hành của một số bộ, ngành địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chưa thật quyết liệt. Tiếp tục vẫn là tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại nên có chuyện đùn đẩy. Trong khi đó, kinh nghiệm là đơn vị nào quyết liệt thì chuyển biến tốt, chỗ nào lãnh đạo không quyết liệt công việc trì trệ, kết quả rất hạn chế. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu, dứt khoát phải hoàn thành kế hoạch CPH thoái vốn năm 2017 thậm chí phải vượt mức. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương tập đoàn, tổng công ty với việc sắp xếp đổi mới DN Nhà nước này, xem xét trách nhiệm của lãnh đạo nào trì trệ, chậm trễ không hoàn thành đổi mới sắp xếp DN Nhà nước.