Cổ phiếu châu Á ngập sắc đỏ do áp lực bán tháo trên sàn Phố Wall

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên 13/11 theo đà lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ.

Các cổ phiếu châu Á phủ kín sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 13/11 do chịu ảnh hưởng từ các chỉ số chính trên Phố Wall lao dốc mạnh sau đà lao dốc của cổ phiếu Apple trong phiên giao dịch qua đêm.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm liền 11 phiên và bất ổn địa chính trị ở châu Âu đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 16 tháng khi các nhà đầu tư bán phá giá tài sản rủi ro.
 Các cổ phiếu châu Á phủ kín sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 13/11.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm 1,7%, mức thấp nhất gần 2 tuần. Chỉ số chứng khoán tại Australia hạ 1,6%.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản .N225 giảm 3,1% do thua lỗ trong các nhà sản xuất máy móc điện và nhà cung cấp các bộ phận iphone của Apple (AAPL.O).
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ chìm sâu vào sắc đỏ trong phiên 12/11 sau khi đà lao dốc của cổ phiếu Apple, đồng USD mạnh lên và nỗi lo ngại về thương mại toàn cầu đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.
Chốt phiên 12/11 chỉ số Dow Jones giảm 602 điểm (tương ứng 2,32%) xuống 25.387.18 điểm, chỉ số S&P 500 mất 54,79 điểm (tương ứng 1,97%) còn 2.726.22 điểm và chỉ số Nasdaq Composite “bay” 206,03 điểm (tương ứng 2,78%) xuống 7.200.87 điểm.
Trước đó, các chỉ số trên đã chạm đáy trong ngày giao dịch sau khi Bloomberg đưa tin Nhà Trắng đang “truyền tay” dự thảo báo cáo thuế quan đối với ô tô.
Triển vọng ảm đạm trên Phố Wall đã gây ra một đợt bán tháo mạnh cổ phiếu của  các công ty công nghệ châu Á, với cổ phiếu của Japan Display lao dốc mạnh hơn 11%, cổ phiếu của Murata Manufacturing TDK Corp sụt lần lượt 8,9% và 8,4% tương ứng.
Tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số KOSPI giảm 2,2% với cổ phiếu của Samsung Electronics mất 2,8%.
Các yếu tố tiêu cực bao gồm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tiến độ tăng lãi suất nhanh hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và sự chững lại về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp, đã khiến nhà đầu tư đẩy mạnh báo tháo các tài sản rủi ro trong vài tuần qua.
Chỉ số chứng khoán của Nhật Bản hiện đã giảm gần 17% tính đến thời điểm hiện tại, sau khi tăng 33,5% trong năm 2017, đặc biệt tháng 10 chứng kiến tháng giao dịch thảm hại nhất kể từ giữa năm 2015.
Khoang Goh - Phụ trách nghiên cứu thị trường châu Á tại ANZ cho biết: “Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc và tác động tiêu cực tại châu Á từ chính sách thuế quan mới của Mỹ áp với hàng hóa Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, gây ra tình trạng bán tháo tài sản nước ngoài hàng tháng lớn nhất tại khu vực này kể từ tháng 8/2011”.
Theo chuyên gia Goh, giới đầu tư sẽ hướng đến kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này.
“Kết quả của cuộc họp này sẽ có ảnh hưởng quan trọng đối với các dòng danh mục đầu tư ở châu Á vào cuối năm nay,” chuyên gia Goh nói thêm.
 Chốt phiên 12/11 chỉ số Dow Jones giảm 602 điểm. 
Trên thị trường tiền tệ, lo ngại về việc Anh và EU không đạt được thỏa thuận Brexit và gia tăng rạn nứt về ngân sách của Italia đã khiến đồng euro và đồng bảng Anh suy yếu, đẩy đồng USD tăng mạnh.
Chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng mạnh lên tới 97,693 điểm, mức cao nhất kể từ giữa năm 2017.
Tỷ giá đồng euro được giao dịch ở mức 1 euro đổi được 1,1225 USD sau khi phục hồi mức 1,13 USD.
Đồng bảng Anh hiện ở mức 1 bảng Anh “ăn” 1,286 USD sau 3 phiên giảm liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/11 do Anh và EU vẫn bất đồng trong vấn đề Brexit.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần