TP Hồ Chí Minh:

Có thêm gần 9.000 học sinh tiểu học được tiếp cận với máy tính

Hồng Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/1, ActionAid và Tổ chức TFCF đã trao 120 máy tính cho 3 trường tiểu học của quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, với trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.

Có thêm gần 9.000 học sinh tiểu học được tiếp cận với máy tính - Ảnh 1

Học sinh biểu diễn văn nghệ mở màn cho chương trình trao tặng 120 máy tính, chiều ngày 19/1. Ảnh: Tiểu Thúy

Đây là một hoạt động trong chương trình hợp tác giữa ActionAid Việt Nam và UBND quận Bình Tân, ActionAid Việt Nam và Tổ chức TFCF nhằm mục tiêu “trẻ em trên địa bàn quận Bình Tân tiếp cận giáo dục chất lượng và môi trường học tập an toàn, hòa nhập”, được thực hiện từ năm 2019-2024.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thông tư số 32/2018/TT-BGĐT đã bắt buộc giảng dạy môn học Tin học và Công nghệ cho học sinh lớp 3, 4 và 5 từ năm 2018 trên toàn quốc. Tuy vậy, cho đến nay, số trường tiểu học đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất cho chương trình giảng dạy tin học và công nghệ cho các em còn khá khiêm tốn, nhiều nơi tỷ lệ trường không có phòng máy tính đạt tiêu chuẩn còn gần 100%.

Năm 2023 Bình Tân là quận đông dân nhất (gần 1 triệu người) và tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, chiếm 58%. Theo thống kê nhanh cuối năm 2023, học sinh tại 3 trường tiểu học tham gia chương trình có trung bình trên 60% là con của công nhân nhập cư (trong đó Tiểu học Tân Tạo A: 66%, Tiểu học Kim Đồng: 65%, Tiểu học Bình Trị Đông: 51%), chủ yếu là lao động trong các khu công nghiệp, người bán hàng rong hoặc lao động tự do. Thu nhập của nhiều gia đình chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản nên việc cho con đi học đã là một nỗ lực không nhỏ. Vì vậy, có máy tính cho con học tập và tiếp cận công nghệ tại các gia đình nhập cư hầu như là điều không tưởng.

Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều em học sinh đã buộc phải bỏ học hoặc sử dụng điện thoại có kết nối internet của cha mẹ (nếu may mắn) để được kết nối với thầy cô và trường học, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng kiến thức và giờ học. Trong khi đó, tại 3 trường tham gia chương trình, hệ thống thiết bị máy tính không đủ cả số lượng và chất lượng để đảm bảo chất lượng và thời lượng thực hành của học sinh theo yêu cầu tối thiểu từ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đại diện Tổ chức TFCF trao tặng 120 máy tính cho 3 trường Tiểu học Tân Tạo A, Bình Trị Đông và Kim Đồng thuộc quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiểu Thúy
Đại diện Tổ chức TFCF trao tặng 120 máy tính cho 3 trường Tiểu học Tân Tạo A, Bình Trị Đông và Kim Đồng thuộc quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiểu Thúy

Phát biểu tại Lễ trao tặng, bà Phạm Thị Ngọc Diệu – Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Bình Tân, Phó Ban quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển quận Bình Tân cho biết, quận Bình Tân luôn quan tâm và đầu tư cho giáo dục và đào tạo, với hệ thống 63 trường công, chi ngân sách hàng năm cho giáo dục chiếm khoản 49,8% tổng chi thường xuyên, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn quận, tạo điều kiện cho các em học sinh có điều kiện học tập, rèn luyện ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, quận Bình Tân là nơi có tỷ lệ người nhập cư cao, trong năm học 2023 - 2024, có trên 50% học sinh của 3 trường dự án là con em của gia đình nhập cư. Thu nhập của nhiều gia đình chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản nên việc cho con đi học đã là một nỗ lực không nhỏ của các hộ gia đình này.

Dù đầu tư chất lượng giáo dục ngày càng tăng, các trường đều được trang bị phòng tin học để học sinh có cơ hội tiếp cận môn tin học, nhưng số lượng máy tính không đáp ứng đủ để tất cả mỗi học sinh được sử dụng 1 máy trong tiết học. Do vậy, bà khẳng định: “Hoạt động trao tặng 120 máy tính với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng cho học sinh 3 trường dự án ngày hôm nay vô cùng ý nghĩa, đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy của giáo viên và học sinh các trường dự án”.

Bày tỏ vô cùng biết ơn nhà tài trợ, thầy Lại Văn Trí - Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Trị Đông cho biết, trước đây nhà trường chỉ có 1 phòng máy đã xuống cấp, máy móc cũ kỹ không kết nối được internet. Để giải quyết vấn đề đó, nhà trường phải thuê máy vi tính để giảng dạy nhưng số lượng học sinh tham gia học còn hạn chế.

Thầy Lại Văn Trí - Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Trị Đông cho biết, việc được trao tặng 120 máy tính đã giúp gần 9.000 học sinh có thêm điều kiện học tập và tiếp cận trực tiếp với máy tính, đây là món quà vô giá. Ảnh: Tiểu Thúy
Thầy Lại Văn Trí - Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Trị Đông cho biết, việc được trao tặng 120 máy tính đã giúp gần 9.000 học sinh có thêm điều kiện học tập và tiếp cận trực tiếp với máy tính, đây là món quà vô giá. Ảnh: Tiểu Thúy

Nhấn mạnh đây là sự thiệt thòi lớn của các em so với những trường khác có đầy đủ điều kiện hơn, thầy chia sẻ, từ khi nhà trường được tài trợ máy tính thì tất cả học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 đều học tin học và mỗi em được học riêng 1 máy.

Học sinh cũng tham gia được nhiều sân chơi bổ ích qua mạng như: Tiếng Anh qua mạng (IOE); Trạng nguyên Tiếng Việt... Thư viện nhà trường đã chuyển đổi ứng dụng thư viện số: Sách điện tử, sách nói, tài liệu bổ trợ... để giáo viên và học sinh thuận tiện truy cập.

Cũng trong tâm trạng xúc động, cô Dương Thiện Trần Diễm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Tạo A cũng chia sẻ, mặc dù nhà trường có phòng tin học nhưng số lượng máy tính không đủ để tất cả học sinh các khối lớp, đặc biệt là khối 1,2 và 5 được học tin học. Năm học này để thực hiện Đề án 762/UBND TP, nhà trường đã phải thuê thêm 40 máy tính đủ cho 1 phòng máy, hướng tới đạt chỉ tiêu. Việc này phát sinh chi phí học tập cho học sinh. 

Với 120 máy tính được trao tặng đã tạo điều kiện để mỗi học sinh đều được sử dụng 1 máy tính trong tiết học môn tin học. Ảnh: Tiểu Thúy
Với 120 máy tính được trao tặng đã tạo điều kiện để mỗi học sinh đều được sử dụng 1 máy tính trong tiết học môn tin học. Ảnh: Tiểu Thúy
“Chúng tôi rất cảm kích lần này được nhận 40 máy tính, giúp nhà trường đảm bảo thực hiện đề án dạy tin học, giúp học sinh tiếp cận đến chương trình giảng dạy hiện đại và giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình nhập cư. Từ nay, khi vào tiết học tin học, mỗi học sinh được sử dụng 1 máy và có thêm thời lượng để thực hành thay vì nhiều em chờ nhau sử dụng một máy tính như trước đây. Chúng tôi rất trân trọng và vô cùng biết ơn tài trợ của Tổ chức TFCF và ActionAid Việt Nam” – cô Diễm phấn khởi.

Khép lại chương trình trao tặng 120 máy tính, ông Terry – đại diện Tổ chức TFCF chia sẻ, mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ từ cộng đồng và các đơn vị, cơ quan, ban ngành liên quan trong thời gian sắp tới, để có thể sát cánh cùng ActionAid thực hiện nhiều chương trình tốt hơn nữa cho trẻ em Việt Nam.

 Các em học sinh Trường tiểu học Bình Trị Đông trải nghiệm máy tính mới. Ảnh: Tiểu Thúy
 Các em học sinh Trường tiểu học Bình Trị Đông trải nghiệm máy tính mới. Ảnh: Tiểu Thúy

Trong chương trình hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc trên 8 tỉnh thành trong cả nước, từ sau Covid-19 đến nay (2021-2023) ActionAid đã huy động và tài trợ gần 400 máy tính cho 17 trường tiểu học, với tổng trị giá trên 3,2 tỷ đồng. Thông qua chương trình này, gần 20.000 trẻ em thuộc các gia đình khó khăn đã được tiếp cận với máy tính, luyện tập và thực hành trực tiếp, dễ dàng hơn khi tiếp cận với tin học và kinh tế số trong tương lai.  

 

Tổ chức TFCF là một tổ chức phi chính phủ được thành lập tại Đài Loan vào năm 1950 và chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014 với sứ mệnh thúc đẩy an sinh phúc lợi cho nhóm các trẻ em và gia đình trong lĩnh vực y tế và giáo dục tại tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, và TP Hồ Chí Minh.

ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) là thành viên của Liên đoàn ActionAid Quốc tế, bắt đầu thực hiện các chương trình hỗ trợ các khu vực nghèo và khó khăn nhất của Việt Nam từ năm 1989. Năm 1992, ActionAid là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế đầu tiên được Chính phủ Việt Nam trao giấy phép thành lập Văn phòng Đại diện tại Việt Nam và liên tục các chương trình tài trợ tại Việt Nam từ đó đến nay. 

Năm 2022 đánh dấu 30 năm ActionAid chính thức hoạt động tại Việt Nam, kiến tạo giá trị và giải pháp cho cộng đồng. Trong thời gian đó, ActionAid đã hỗ trợ hơn 60 triệu lượt người trong cả nước, chủ yếu là phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em và các đối tác chủ động xây dựng sinh kế, giáo dục và tiếng nói của mình trong các chương trình, chính sách các cấp, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cộng đồng.