“Con đường bắt buộc”

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Xây dựng Thành phố thông minh” là nội dung quan trọng của Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

Có thể nói đây là cơ sở để cụ thể hóa những ý tưởng, hình thành các thành phần cơ bản của Thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý ở một số lĩnh vực như: giao thông, du lịch, an ninh trât tự, môi trường... Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lợi ích tốt hơn cho người dân.
 Thành phố thông minh sẽ có lõi là ga cuối tuyến đường sắt số 2
Hiện Thành phố thông minh cũng đã không còn là một khái niệm xa lạ với nhiều người Hà Nội. Trong thời gian qua, Hà Nội cũng đã hoàn thành việc xác định các yêu cầu và tích cực chuẩn bị triển khai các thành phần quan trọng xây dựng Thành phố thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của TP; Hệ thống giao thông thông minh; Hệ thống du lịch thông minh. Trong đó, TP đã triển khai thí điểm thành công ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (Iparking) trên một số tuyến phố và đang tiếp tục mở rộng. Đồng thời đang hoàn thiện hệ thống thông tin giao thông tích hợp, xây dựng bản đồ, cung cấp thông tin về tình trạng giao thông cho người dân... Hoàn thiện cổng thông tin du lịch Hà Nội, để cung cấp đầy đủ các thông tin thiết yếu cho du khách. Rồi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải đáp, hướng dẫn công dân, DN về dịch vụ hành chính công...

Như vậy, bước đầu Hà Nội đã định hình những nền tảng cơ bản cho Thành phố thông minh. Cùng với đó, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường... cũng được đẩy mạnh; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đang tiếp tục mở rộng, đã giúp người dân một phương thức tiếp cận mới. Hà Nội cũng đang tiến gần đến đích việc số hóa 3 cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai, cán bộ, công chức. Từ những nền tảng này sẽ tạo đà cho TP trên bước đường xây dựng Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh.

Tại kỳ họp HĐND TP vừa qua, khi bàn về vấn đề này, các đại biểu cũng khẳng định, “hiện đã có 178 TP trên thế giới tham gia xây dựng Thành phố thông minh, nên chúng ta cũng không thể đi ngược dòng”. Tuy nhiên, thực tế để thực hiện những công việc này không phải dễ dàng. Dù khung kiến trúc Thành phố thông minh đang được Chính phủ giao cho Bộ TT&TT xây dựng, nhưng hiện vẫn thiếu tiêu chuẩn về Thành phố thông minh. Việc xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu quốc gia theo nguyên tắc mở; xây dựng và đào tạo nguồn lực công nghệ thông tin... cũng là vấn đề đặt ra. Có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ xây dựng Thành phố thông minh dù là một con đường cần đi, nhưng TP cần hướng tới sự đồng bộ trong triển khai các nội dung, mục tiêu cụ thể. Để có thể thu hút người dân tham gia vào quản lý xã hội và Thành phố thông minh phải thực sự đáp ứng được những yêu cầu của xã hội, giúp nâng cao chất lượng sống.

Với những ích lợi mang lại cho cộng đồng như vậy, Hà Nội cũng thể hiện quyết tâm hiện thực hóa nhiệm vụ này, đúng như khẳng định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Hà Nội luôn xác định xây dựng Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh là nhiệm vụ quan trọng. Xây dựng và phát triển kinh tế số là con đường bắt buộc của các đô thị lớn trên thế giới, trong đó có Hà Nội. Qua đó giảm chi phí trong quản lý của bộ máy chính quyền, đặc biệt giảm chi phí của DN; là công cụ chính để thực hiện cải cách hành chính. Và xây dựng nền kinh tế số cũng là nền tảng cốt yếu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần