Còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến nay, “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã đi được phân nửa chặng đường. Nhiều đoạn tuyến đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, những dự án đang và sắp triển khai vẫn đang đối mặt với nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần. Tính đến nay, 6/11 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

Trong ít ngày tới, đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 sẽ có thêm 2 dự án thành phần nữa là cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu cũng sẽ thông xe, nâng tổng số dự án hoàn thành lên 8/11. Trong khi đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được khởi công từ ngày 1/1/2023.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, “siêu dự án” này đã trải qua hơn nửa chặng đường. Hình hài công trình lớn này đang ngày một hiện hữu, những đoạn tuyến đã đưa vào khai thác cũng phát huy được hiệu quả thấy rõ. Tuy nhiên, chặng đường còn lại của cao tốc Bắc - Nam còn rất nhiều chông gai. Đặc biệt là những điểm nghẽn “kinh niên” phát sinh từ những ngày đầu đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nói đến đây chắc nhiều người đã biết, đó chính là câu chuyện mang tên “vật liệu và mặt bằng”. Nếu như những ngày đầu mới khởi công cao tốc Bắc - Nam, tình trạng chậm trễ trong giải phóng mặt bằng (GPMB) là vấn đề nổi cộm nhất.

Thiếu vật liệu vẫn đang là bài toán khó tại dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Lê Thanh.
Thiếu vật liệu vẫn đang là bài toán khó tại dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Lê Thanh.

Có những thời điểm, Bộ GTVT phải trực trao đổi với từng địa phương vùng dự án để hối thúc đẩy nhanh tiến độ GPMB. Sự vào cuộc tích cực của các địa phương sau đó đã giúp cho nút thắt về mặt bằng dần được tháo gỡ. Dần dần, câu chuyện mặt bằng không còn là vấn đề nóng của dự án cao tốc Bắc - Nam.

Tuy nhiên, ngay khi vấn đề GPMB được tháo gỡ dần, một vấn đề khác nổi cộm hơn, khó khăn hơn bắt đầu xuất hiện, đó chính là câu chuyện vật liệu, đặc biệt vật liệu đắp nền.

Điểm nghẽn này xuất hiện từ thời điểm đầu mới triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 và từ đó đến nay vẫn là vấn đề nan giải, vắt sang tận giai đoạn 2021 - 2023 của dự án. Bộ GTVT đưa ra mục tiêu trong năm 2023, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã khởi công, phải hoàn thành 33% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, giá trị sản lượng sau nửa năm thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% (theo kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10%).

Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã hành lập hai tổ công tác liên bộ kiểm tra khu vực mỏ, làm việc với UBND các tỉnh vào đầu tháng 7/2023 về tình hình cung ứng vật liệu thi công các dự án và các vướng mắc cần tháo gỡ.

Kết quả kiểm tra cho thấy, việc cung cấp vật liệu cho các dự án còn chậm so với yêu cầu. Đặc biệt, các thủ tục về đất đai ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Điều đáng nói, về trữ lượng các loại vật liệu như đá, cát đất… đều không quá thiếu hụt so với nhu cầu của dự án.

Tuy nhiên, vấn đề thủ tục để đưa các mỏ vật liệu vào khai thác vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chậm trễ.

Để giải quyết triệt để vấn đề vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam, Tổ Công tác của Bộ GTVT mới đây đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” này, trong đó kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 cho phép UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng cho những mỏ cát đang khai thác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ khi nút thắt quan trọng về mặt cơ chế trong công tác cấp phép khai thác các mỏ vật liệu được tháo gỡ, bài toán mang tên vật liệu của cao tốc Bắc - Nam cũng sẽ tìm ra lời giải.