Công an đưa ra nhiều hướng dẫn cảnh giác với tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Qua thực tiễn đấu tranh, Công an TP Hồ Chí Minh xác định sim rác là một trong những tác nhân khiến các cuộc gọi, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo xuất hiện tràn lan suốt nhiều năm qua.

Công an kiến nghị các nhà mạng xử lý “Sim rác”

Ngày 11/7, kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) bước sang ngày làm việc thứ 2. Tại kỳ họp này, Công an TP Hồ Chí Minh (CATP) đã trả lời các vấn đề cử tri quan tâm, và đưa ra nhiều hướng dẫn người dân cần cảnh giác trước chiêu trò nhắn tin, gọi điện giả mạo công an để lừa đảo.

Đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) tại kỳ họp thứ 10.
Đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) tại kỳ họp thứ 10.

Theo CATP, thời gian qua xuất hiện tình trạng các đối tượng gọi điện, lừa đảo qua mạng (giả công an báo lỗi vi phạm giao thông, giả trúng thưởng rồi đề nghị chuyển tiền và nhiều hình thức khác). Để giải quyết tình trạng trên, CATP khẳng định khi làm việc, ngành Công an, Viện KSND hay TAND sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập và làm việc trực tiếp tại trụ sở, chứ không làm việc qua mạng hoặc điện thoại. Do đó, nếu nhận được cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền từ đối tượng không rõ lai lịch, cần bình tĩnh, cảnh giác, không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng, như: Đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu...

Nếu đối tượng có hành vi đe dọa, cần kịp thời ghi âm, ghi nhận lại và trình báo cơ quan công an. Ngoài ra, khi có số điện thoại với đầu số lạ, đầu số quốc tế gọi, không nên nghe máy và không gọi lại để tránh bị hack, bị chiếm đoạt sim điện thoại, chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng.

Để cảnh báo, CATP cũng thông báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng cho hệ thống ngân hàng trên địa bàn, khuyến cáo nhân viên ngân hàng nếu thấy người dân chuyển tiền mà có biểu hiện không bình thường, như: Chuyển tiền vào cuối buổi chiều; người chuyển tiền có tâm lý lo lắng; chuyển tiền với số lượng lớn; chuyển tiền không rõ lý do..., thì nhân viên ngân hàng cần hỏi kỹ người chuyển tiền để kịp ngăn chặn trường hợp người chuyển tiền bị lừa đảo.

CATP cũng kiến nghị các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cần khắc phục, xử lý triệt để tình trạng sim rác để tránh tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng che giấu nhân thân, lai lịch khi gây án. CATP cũng thiết lập các “đường dây nóng” nhằm kịp thời ghi nhận thông tin và hướng dẫn người dân khi xảy ra trường hợp bị chiếm đoạt bằng hình thức lừa đảo qua mạng.

Sim rác là tác nhân khiến cuộc gọi lừa đảo tràn lan

Qua thực tiễn đấu tranh, CATP cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn tin nhắn rác và gọi điện lừa đảo là tình trạng mua bán sim rác đang phổ biến và được rao bán công khai, tràn lan. Sim rác từ lâu đã được xem là một trong những tác nhân khiến cho các cuộc gọi, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo xuất hiện tràn lan suốt nhiều năm qua.

Tháng 10/2022, Phòng An ninh mạng CATP phát hiện và xử phạt hành chính 3 đối tượng về hành vi “Bán, lưu thông tin trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho Sim thuê bao, nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung” (theo quy định tại khoản 7 điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”) với tổng số tiền 50 triệu đồng, thu giữ 720 sim rác.

Tháng 12/2022, Phòng An ninh mạng tiếp tục phối hợp Công an huyện Bình Chánh phát hiện hành vi bán sim rác và tiến hành kiểm tra cửa hàng Sim Ngọc Mai, số 45 đường số 5, khu Him Lam, xã Bình Hưng. Qua đó, thu giữ 703 “sim rác” các loại, 3 bộ máy vi tính để bàn, 4 thiết bị kích hoạt sim  (Quectel M26; mỗi thiết bị chứa 32 sim). Hiện vụ việc này đang được tiếp tục xác minh mở rộng.

Qua các vụ việc trên, Phòng An ninh mạng CATP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không nên mua, lưu hành sử dụng sim di động kích hoạt trước do nhiều hệ lụy khó lường. Các trường hợp mua bán, sử dụng sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ để sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều vi phạm pháp luật, và có thể bị phạt từ 30-40 triệu đồng theo quy định tại khoản 7 điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Do đó, người dân không tiếp tay cho các đối tượng hoạt động mua bán, sử dụng sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ, nhằm góp phần hạn chế vấn nạn sim rác, tội phạm lừa đảo.

Đa dạng hình thức đánh bạc trên không gian mạng

Về công tác đấu tranh, xử lý đối với hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng (TCĐB&ĐBTKGM), cũng được CATP trả lời cử tri. Theo CATP, hiện nay các đối tượng tổ chức đánh bạc lợi dụng các ứng dụng công nghệ cao để hoạt động trên không gian mạng nhằm tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng. Việc giao dịch tiền liên quan đến đánh bạc thông qua các dịch vụ chuyển tiền qua mạng của hệ thống ngân hàng như: MOMO, Internet banking...

Qua thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, CATP phát hiện một số phương thức, thủ đoạn tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng nổi lên hiện nay, như: đặt cược tài chính theo quyền chọn nhị phân (BO); cá cược thể thao-điện tử (eSports); tổ chức đánh bạc thông qua ứng dụng trò chơi (game) trá hình; tổ chức đánh bạc theo mô hình kêu gọi đầu tư tài chính, sử dụng tiền điện tử để lách luật...

Để che giấu hành vi, các đối tượng tổ chức đánh bạc thường đặt máy chủ ở nước ngoài, khi bị phát hiện sẽ lập tức xóa hết dữ liệu. Hoạt động TCĐB&ĐBTKGM rất đa dạng với rất nhiều trang web, trang mạng của các nhà cái, như: M88, Bong88, 3in1 bet, Sbobet, W88, K8, 188bet, Dafabet, 12bet, Bet365, Fun88, LVS. Các đối tượng tổ chức đánh bạc còn tạo ra các trang Facebook Fanpage, các group trao đổi (nhóm kín) trên Facebook, Zalo, Telegram, thậm chí trên các trang tin tức báo chí (đa số không chính thức) để quảng cáo, tuyển dụng đại lý trung gian, khuyến mãi và hướng dẫn cách thức tham gia để lôi kéo nhiều người. Loại tội phạm này kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự khác, như: tín dụng đen, cầm đồ, cướp giật tài sản, lừa đảo...

Trước tình hình trên, Ban Giám đốc CATP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác nắm tình hình để có đối sách xử lý. Qua đó, vào năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự đã triệt phá 2 đường dây TCĐB&ĐBTKGM trên địa bàn TP, thu giữ 1 khẩu súng quân dụng, 1 khẩu súng tự chế và 3 viên đạn, khởi tố xử lý 30 đối tượng cùng tổng số tiền giao dịch khoảng 780 tỷ đồng.

Thời gian tới, CATP tiếp tục phối hợp, đề nghị các ngành chức năng: thông tin và truyền thông, ngân hàng, văn hóa, thể thao và du lịch, các nhà mạng tăng cường quản lý chặt chẽ việc mở tài khoản, kiểm soát các hoạt động trung gian thanh toán, thanh toán trực tiếp. Cùng với đó là ngăn chặn tội phạm in tiền, chuyển tiền, ngoại tệ trái phép ra nước ngoài liên quan đến hoạt động mại dâm, cờ bạc, cá độ bóng đá; ngăn chặn các trang web cá cược bất hợp pháp xâm nhập vào Việt Nam, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo, mời chào, hướng dẫn các hình thức đánh bạc trên không gian mạng.