Công an Hà Nội: Tuyệt đối không "bảo kê", tiếp tay, bao che "tín dụng đen"

An Tuấn - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Giám đốc Công an Hà Nội yêu cầu yêu cầu các đơn vị, địa bàn phải chủ động các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc, phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không "bảo kê", tiếp tay, bao che "tín dụng đen"...

Hợp lực đấu tranh quyết liệt với tội phạm

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, Công an quận Hà Đông vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP chỉ đạo hội nghị. Cùng tham gia còn có đại diện lãnh đạo Phòng 6 - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an); chỉ huy Phòng CSHS và một số phòng chức năng Công an TP Hà Nội; “tư lệnh” hình sự công an 30 quận, huyện, thị xã; cùng toàn bộ lực lượng trinh sát, điều tra viên khối hình sự quận và 17 phường của quận Hà Đông.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền -Trưởng Công an quận Hà Đông nêu rõ, trong những năm qua, do hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 và hoạt động tín dụng của các ngân hàng ngày càng siết chặt nên trên địa bàn TP Hà Nội nói chung, các ổ nhóm cho vay lãi nặng hoạt động và diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hoạt động cho vay lãi nặng kéo theo các hành vi khủng bố tinh thần bằng các hình thức: đòi nợ thuê, đổ chất bẩn chất thải, nhắn tin xúc phạm danh dự nhân phẩm trên mạng xã hội... là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác như: Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, giết người...

 

Từ năm 2021 đến nay, Công an quận Hà Đông đã chủ động phát hiện, triệt phá 12 vụ (giảm 3 vụ = 20% so thời gian liền kề trước đó); điều tra khám phá, khởi tố 12 vụ - 41 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%.

Thời điểm trước năm 2021, trung bình hàng năm trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra gần 50 vụ đổ chất bẩn, chất thải, trong đó trên 90% bắt nguồn từ các mâu thuẫn có liên quan đến kinh doanh tài chính, các hoạt động vay nợ “tín dụng đen”, “bốc họ", cầm đồ… Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP, Công an quận Hà Đông đã đánh giá đúng tính chất phức tạp tiềm ẩn liên quan đến “tín dụng đen”, từ đó xây dựng, triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều kế hoạch, chuyên đề phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Công an quận Hà Đông xử lý nhóm đối tượng hoạt động "tín dụng đen".
Công an quận Hà Đông xử lý nhóm đối tượng hoạt động "tín dụng đen".

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật nói chung đã đạt được những kết quả tích cực; đã kiềm chế, kéo giảm 13% tội phạm về trật tự xã hội so với thời gian trước đó. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã có nhiều chuyển biến tích cực, giảm về số vụ, giảm về tính chất, mức độ nghiêm trọng. Hoạt động kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính, huy động vốn trái phép không còn công khai như trước. Hành vi phạm phạm tội giảm rõ rệt.

Công an quận Hà Đông cùng phòng nghiệp vụ Công an TP và công an các đơn vị, địa bàn đã nhận diện rõ những thủ đoạn của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen”. Giúp người dân về nhận thức để có thể tránh được bẫy “tín dụng đen”. Phổ biến là các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” tiến hành các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính.

Các đối tượng thường ép buộc, dụ dỗ, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự. Người vay không trả gốc và lãi đúng hẹn đối tượng cho vay sẽ cộng dồn lãi vào gốc, tính kỳ hạn mới khiến người vay chịu cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Dạng thứ hai, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp thành lập các công ty tài chính, công ty mua bán nợ… nhằm tránh sự chú ý của cơ quan công an nhưng bản chất là hoạt động “tín dụng đen”. Các hoạt động mua bán, trao đổi được “dán mác” là các giao dịch dân sự nhưng các đối tượng cho vay đã cố tình “cài” những điều khoản cho vay để ép người vay phải trả nợ nếu không sẽ phạm vào các hành vi được quy định trong Bộ luật Luật hình sự.

Xu hướng đang phát triển khá nhiều của đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ cao (như sử dụng các phần mềm, ứng dụng để gọi điện thoại qua Internet đòi nợ; tạo lập, sử dụng các ứng dụng APP, tài khoản mạng xã hội để hoạt động phạm tội qua mạng...). Các đối tượng hoạt động bằng cách đăng ký thành lập “công ty ma”; sử dụng sim “rác”; mua, bán thông tin để lập các tài khoản, mua bán tài khoản ngân hàng để hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, điều tra...

Các đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” có bộ phận thu hồi nợ, sử dụng phần mềm, điện thoại gọi điện, nhắn tin nhắc nợ, đòi nợ… với nhiều cấp độ khác nhau. Khi người vay không trả, các đối tượng sẽ gọi điện đến nhân thân, cơ quan có liên quan để khủng bố tinh thần với các yêu cầu như buộc thôi việc, đuổi học... gây sức ép buộc người vay hoặc những người có quan hệ với người vay phải trả nợ, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng Công an quận Hà Đông.

Đại diện CQĐT Công an quận Hà Đông cho hay, tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, đặc biệt các đối tượng cho vay có độ “ẩn” ngày càng cao, khó phát hiện. Chúng hoạt động có sự đan xen giữa cho vay “truyền thống” và cho vay trên mạng “công nghệ cao”. Trước đây, người đi vay và người cho vay thường sẽ biết tên, tuổi, địa chỉ của nhau. Tuy nhiên, thời gian gần đây mới xuất hiện một hình thức tín dụng đen, cho vay tiền với phương thức mới, người vay không biết đối tượng cho vay. Qua các diễn đàn, hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội, người vay chỉ cần để lại số điện thoại, lời nhắn, bài đăng trong nhóm kín facebook, zalo, tiktok… Tiếp đó, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp ảnh căn cước và thông tin địa chỉ cư trú, nơi làm việc… để kiểm tra thông tin. Sau khi thống nhất khoản tiền vay, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng viết giấy vay và thuê “xe ôm” người giao hàng mang đến. Ngoài ra, các đối tượng thuê tài khoản ngân hàng, tài khoản “ảo” để giao dịch chuyển tiền cho vay, nhận tiền trả lãi với khách hàng, nhằm che giấu nhân thân...

Kinh nghiệm đánh chặn "tín dụng đen"

Từ thực tiễn công tác đấu tranh chuyên án và tình hình địa bàn, đại diện các đơn vị, lực lượng đã hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm liên quan đến "tín dụng đen".

Đội CSHS Công an quận Hà Đông với kinh nghiệm công tác trinh sát, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; hay Công an quận Cầu Giấy với công tác đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” trên không gian mạng; Phòng CSHS với công tác đấu tranh tội phạm “tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp...

Camera an ninh ghi lại hình ảnh nhóm đối tượng có hành vi ném chất bẩn để đòi nợ. Ảnh: Công an Hà Nội.
Camera an ninh ghi lại hình ảnh nhóm đối tượng có hành vi ném chất bẩn để đòi nợ. Ảnh: Công an Hà Nội.

Công an quận Hai Bà Trưng với những đề xuất về tăng cường thông báo thủ đoạn mới của tội phạm; trang bị phương tiện kỹ thuật cho lực lượng làm nhiệm vụ; biện pháp kiểm soát các trang web hoạt động liên quan đến "tín dụng đen" và kiểm soát các tài khoản ngân hàng không chính chủ.

Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH chia sẻ về công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh cầm đồ; yêu cầu chung về chuyển đổi trạng thái của CSKV từ thủ công sang điện tử, đòi hỏi phải có sự chủ động nâng cao biện pháp công tác tuyên truyền, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên môi trường số...

Đại tá Lê Khắc Sơn - Trưởng phòng 6, Cục CSHS đánh giá, Công an Hà Nội đã nhận diện đúng và trúng tính chất, diễn biễn về tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen". Điều này đã góp phần quan trọng, kéo giảm số vụ việc cũng như tính chất phức tạp của tội phạm "tín dụng đen" trên địa bàn Hà Nội.

Đại tá Lê Khắc Sơn - Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự: "Công an Hà Nội đã thể hiện quyết tâm trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm nói chung và tội phạm "tín dụng đen" nói riêng".
Đại tá Lê Khắc Sơn - Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự: "Công an Hà Nội đã thể hiện quyết tâm trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm nói chung và tội phạm "tín dụng đen" nói riêng".

"Đây là vấn đề lãnh đạo Bộ Công an đang chỉ đạo quyết liệt; từ đó, đề nghị các đơn vị, địa bàn tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, chú trọng rà, dựng kỹ đối tượng, ổ nhóm, đường dây liên quan đến "tín dụng đen", đòi nợ thuê. Phòng 6 sẽ luôn sẵn sàng phối hợp với các đơn vị thuộc Công an Hà Nội. Công an Hà Nội đã thể hiện quyết tâm trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm nói chung và tội phạm 'tín dụng đen' nói riêng", Đại tá Lê Khắc Sơn bày tỏ.

Để sót lọt tội phạm, "tín dụng đen" sẽ phải bị xử lý

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an Hà Nội nêu rõ, từ nhiều năm qua, Công an TP đã luôn có sự chủ động, quyết liệt đấu tranh tội phạm này, với một trong những chỉ đạo xuyên suốt là Kế hoạch 231. Ngay từ giai đoạn đầu, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" đã được Công an TP hết sức quan tâm; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến "tín dụng đen", và đặc biệt qua đấu tranh, Công an Hà Nội đã tham mưu, đề xuất cơ quan cấp trên những giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý.

 

Chỉ rõ những diễn biến, phương thức mới của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng yêu cầu các đơn vị, địa bàn phải chủ động các biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc, phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả.

Phó Giám đốc Công an Hà Nội bày tỏ sự hài lòng với công tác chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện của Công an quận Hà Đông thời gian qua; đã có nhiều sáng kiến hay trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, và cụ thể hóa là kết quả giảm 13% tội phạm về TTXH so với 2021.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh, các đơn vị, địa bàn phải quán triệt, triển khai nghiêm túc Kế hoạch cao điểm; báo cáo cấp ủy, chính quyền cơ sở để chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc. Lực lượng công an phải tổng điều tra cơ bản, rà soát kỹ, tuyệt đối không để lọt địa bàn, đối tượng; phải gọi hỏi răn đe những trường hợp có biểu hiện nghi vấn và xác lập đấu tranh chuyên án những đối tượng, đường dây tội phạm...

Phó Giám đốc Công an Hà Nội yêu cầu, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch triển khai sát hợp thực tiễn địa bàn, đảm bảo tất cả các đối tượng liên quan đến "tín dụng đen" phải được nhận diện, nắm bắt chặt chẽ, thường xuyên và có đối sách cụ thể. Cùng với việc nhận thức rõ giữa tội phạm truyền thống và tội phạm công nghệ cao, phải tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm minh tội phạm để tạo sự răn đe, phòng ngừa trấn áp mạnh mẽ.

Các đơn vị địa bàn nâng cao hơn nữa hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm; ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong phòng ngừa, đấu tranh. Phải thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế để khắc phục; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không "bảo kê", tiếp tay, bao che "tín dụng đen". Đơn vị nào để sót lọt tội phạm nói chung, "tín dụng đen" nói riêng, sẽ phải bị xử lý...

 

Cùng với việc thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội về triển khai Chuyên đề tình hình liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; thời gian qua, Công an quận Hà Đông đã xây dựng, triển khai thế trận phòng ngừa, đấu tranh “tín dụng đen” bài bản, có chiều sâu, và phát huy hiệu quả: Phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận thực hiện chương trình "Sổ tay công tác an ninh"; Tổ chức triển khai dán 10.000 mã QR-code tại các tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục;...