Công an vào cuộc vụ “ăn” tiền trợ giá xe buýt

Văn Thân (VP TPHCM)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo Thanh tra thành phố chuyển hồ sơ liên quan đến hai đơn vị có hành vi gian dối, thanh toán khống tiền trợ giá xe buýt. Đó là Công ty TNHH Châu Cường và Hợp tác xã Phương Lâm với số tiền 169 triệu đồng.rn

Thời gian qua, hoạt động xe buýt công cộng tại TP Hồ Chí Minh phần nào cho thấy hiệu quả từ số tiền trợ giá mà ngân sách Nhà nước chi ra. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, thiếu sót trong quản lý, điều hành, không minh bạch khi phân bổ nguồn kinh phí trợ giá. Điều này dẫn đến sự “mâu thuẫn” giữa doanh nghiệp vận tải với Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (Trung tâm).
Ngoài ra, sự kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các đơn vị chức năng còn “lỏng lẻo”, tạo kẻ hở cho một số đơn vị vận tải có hành vi gian lận trong việc quyết toán tiền trợ giá. Việc xây dựng các tuyến xe buýt công cộng chưa phù hợp cũng làm tăng số tiền trợ giá mà ngân sách phải chi.
Trợ giá cho hoạt động xe buýt công cộng là chủ trương đúng đắn và cũng là một trong những biện pháp của UBND TP Hồ Chí Minh nhằm duy trì, ổn định trật tự giao thông, chống ùn tắc. Từ năm 2003 đến nay, UBND TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần ban hành quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
Nhưng các quy định chưa nêu rõ trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác quản lý hoạt động đưa rước học sinh, trách nhiệm của UBND các quận, huyện đối với công tác quản lý, giám sát các đơn vị tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng.
Theo kết luận của Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT) thừa nhận “Về mặt chủ quan, Sở GTVT dù đã hết sức cố gắng, nhưng trong công tác quản lý điều hành của Sở vẫn chưa quyết liệt đẩy nhanh tiến độ trình duyệt đồ án quy hoạch”.
Dù số lượng hành khách thực tế trong các năm qua đều thấp hơn dự toán và thấp hơn số lượng thực tế năm trước nhưng Trung tâm vẫn xây dựng dự toán sản lượng năm sau cao hơn năm trước để đảm bảo chỉ tiêu được giao. Điều này cho thấy việc xây dựng kế hoạch của Trung tâm chỉ nhằm “đối phó” với chỉ tiêu được giao mà không căn cứ vào thực tế hoạt động.
Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, Trung tâm không triển khai thông tin chương trình trợ giá đến toàn thể các trường học, doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển; việc liên hệ, triển khai thông tin, nắm bắt nhu cầu được vận chuyển của học sinh, công nhân là do doanh nghiệp vận tải tự thực hiện.
 Khai khống để chiếm đoạt tiền trợ giá trong hoạt động xe buýt cần bị xử lý nghiêm
Kết quả thanh tra cho thấy, các đơn vị vận tải cũng chỉ thực hiện việc thông tin và cung cấp dịch vụ vận tải trong phạm vi hoạt động và khả năng của đơn vị; điều này đã dẫn đến nhiều đơn vị, cá nhân không tiếp cận được chương trình trợ giá của thành phố.
Sở GTVT và Trung tâm thừa nhận, nếu so sánh kết quả dự kiến đạt được năm 2015 với chỉ tiêu tại Quyết định số 25/2011/NQ-UBND thì mức độ chênh lệch thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra là 5,2%. Như vậy, khối lượng vận tải hành khách công cộng không đạt chỉ tiêu đề ra.
Vì vậy, việc trợ giá cho hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt được thực hiện trên 10 năm nay nhưng việc xây dựng các văn bản pháp lý cho hoạt động này chưa được kịp thời. Đáng chú ý, sự chậm trễ trong việc bổ sung, sửa đổi các quy định không phù hợp, tạo kẽ hở cho một số đơn vị vận tải lợi dụng nhằm quyết toán khống tiền trợ giá, làm tăng gánh nặng chi trợ giá cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, số tiền các trường nhận được trong các năm 2012 – 2014 lên đến hơn 4.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Tuy nhiên, qua kiểm tra, có trường hợp không đưa rước nhưng vẫn có tên trong hồ sơ quyết toán. Nghiêm trọng hơn là việc đối tượng không thuộc diện trợ giá nhưng vẫn được “ưu ái” thanh toán, với số tiền 109,5 triệu đồng. Hai đơn vị thực hiện thanh toán khống là Công ty TNHH Châu Cường và Hợp tác xã Phương Lâm với số tiền 169 triệu đồng.
Căn cứ vào kết luận thanh tra, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở GTVT, Trung tâm phải xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan đối tới các sai phạm và thu hồi số tiền ngân sách thiệt hại. Mặt khác, các đơn vị liên quan phải tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt quy hoạch, phát triển mạng lưới xe buýt, điều chỉnh công thức tính, phương thức trợ giá xe buýt phổ thông, hoạt động đưa rước học sinh và công nhân.
UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở GTVT phải rà soát, sắp xếp lại luồng tuyến xe buýt cho phù hợp, cắt giảm các tuyến trùng lắp không đúng quy định; định kỳ kiểm tra việc thanh toán tiền trợ giá của các hợp tác xã đối với xã viên; giám sát chặt chẽ Trung tâm trong việc điều hành, quản lý nguồn vốn trợ giá; thực hiện thí điểm đấu thầu tuyến có số lượng hành khách cao, tiến tới việc giao chỉ tiêu trợ giá hoạt động vận chuyển hành khách công cộng thông qua đấu thầu.