Ngôi nhà cổ của gia đình bà Kiều Thị Thảo tan hoang do tự ý phá dỡ. |
Tự ý phá dỡ
Có mặt tại ngôi nhà cổ thuộc sở hữu chung của gia đình bà Kiều Thị Thảo và gia đình bà Nguyễn Thị Gan tại thôn Đông Sàng (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) vào những ngày cuối cùng của tháng 1/2018, ai nấy đều xót xa trước cảnh 1 nửa ngôi nhà (phần thuộc sở hữu của gia đình bà Kiều Thị Thảo) bị phá dỡ tan hoang. Toàn bộ mái ngói phía trước và một phần mái phía sau bị dỡ bỏ, còn lại mấy bức tường không nguyên vẹn, đống vật liệu vỡ nát do tháo dỡ tự phát. Dù nửa còn lại của ngôi nhà cổ (thuộc sở hữu của gia đình bà Gan) vẫn còn, thì toàn bộ ngôi nhà cổ 5 gian cũng mất đi toàn bộ giá trị di sản văn hóa. Đáng nói là ngôi nhà cổ này từng được đưa vào danh mục 99 ngôi nhà cổ loại I và loại II có niên đại từ 100 - 200 năm cần được ưu tiên đầu tư, tu bổ vì có giá trị đặc biệt. Năm 2011, ngôi nhà được TP đầu tư gần 1 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo.Bà Thảo cho biết lý do phá dỡ ngôi nhà một phần do nhà xuống cấp, phần khác do tranh chấp quyền sở hữu thửa đất với gia đình bà Gan và gia đình ông Kiều Văn Lý. 10 năm trước, gia đình bà Thảo đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng cán bộ xã làm thất lạc hồ sơ gốc nên bà không có căn cứ để cấp chứng nhận. Trong buổi làm việc với báo chí ngày 23/1/2018, xung quanh vấn đề tranh chấp và hủy hoại nhà cổ theo đơn thư của gia đình bà Kiều Thị Thảo, ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: Trước đây khi trùng tu, ban quản lý đã sơ xuất không đưa tên bà Thảo vào hồ sơ do gia đình không sinh sống tại đây. Ban quản lý đã bổ sung phần ngôi nhà bà Thảo vào danh mục trùng tu, tuy nhiên việc thực hiện cần có quy trình.Chính quyền xã Đường Lâm đã nhận trách nhiệm khi để mất hồ sơ xin cấp sổ đỏ của bà Thảo, nhưng chưa thể cấp lại vì có tranh chấp. UBND xã Đường Lâm đã nhiều lần hòa giải, nhưng gia đình bà Gan và ông Lý không có mặt nên hòa giải chưa thành công. Đến nay, vụ việc đã ngoài tầm giải quyết của xã, chính vì mòn mỏi chờ sổ đỏ, gia đình bà Thảo đã tự ý phá nhà cổ, cho dù biết vi phạm Luật Di sản.Dễ trùng tu, khó bảo tồnÔng Phạm Hùng Sơn cho biết: “Làng cổ là di tích sống, chưa có tiền lệ quản lý, hướng dẫn quản lý, nhưng lại thuộc sở hữu của cá nhân. Theo luật dân sự, họ có quyền chia nhà ra để sở hữu, mua bán, trao đổi... Hầu hết người dân không thấy lợi ích từ việc giữ gìn nhà cổ nên dễ dàng phá bỏ, xây mới cho phù hợp với nhu cầu sống hiện nay”.Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người từng có rất nhiều đóng góp trong việc bảo tồn khu phố cổ Hội An cho rằng: “Để bảo vệ những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm, trước hết cần phải bảo đảm quyền lợi cho người dân, nếu không sẽ khó bảo tồn”. Hiện nay, ở Đường Lâm có hơn 30 ngôi nhà cổ được đầu tư trùng tu, tôn tạo, nhưng chỉ có 3 ngôi nhà phát huy được giá trị, thường xuyên đón khách tham quan. Ngôi nhà cổ chung sở hữu của gia đình bà Thảo là 1 ví dụ cho việc đầu tư trùng tu nhưng chỉ để… tranh chấp. Có thể thấy, việc người dân tự ý phá dỡ nhà cổ ảnh hưởng đến việc bảo tồn Làng cổ Đường Lâm. Hơn bao giờ hết, thị xã Sơn Tây, Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTT&DL cần có giải pháp kịp thời để vụ việc đáng tiếc này không trở thành tiền lệ.
Ngày 25/1/2018, Sở VH&TT Hà Nội đã có Công văn 344/SVHTT-QLDS về việc người dân tự tháo dỡ nhà cổ tại Làng cổ Đường Lâm, đề nghị UBND thị xã Sơn Tây và Ban quản lý làng cổ Đường Lâm sớm có biện pháp giải quyết tranh chấp, bảo vệ di tích. Tuy nhiên, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết: Đến ngày 1/2, Sở VH&TT Hà Nội vẫn chưa nhận được công văn trả lời từ thị xã Sơn Tây về việc này.