Công chức không được giữ chức vụ lãnh đạo quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp: Trao cơ hội cho người trẻ

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có hiệu lực từ ngày 1/12/2020, trong đó có quy định công chức không được giữ chức vụ lãnh đạo quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Quy định này được nhận định nhằm trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo các cơ quan nhà nước, đồng thời, tránh các trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo quá lâu có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực.

Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn giám đốc, sở, ban, ngành TP Hà Nội năm 2019. Ảnh: Công Hùng
Giới hạn số lần giữ chức vụ lãnh đạo
Cụ thể, Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về thời hạn giữ chức vụ của công chức được bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý như sau: “Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 5 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành”.

Trong khi đó, trước đây, tại khoản 2 Điều 40 Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, theo quy định tại Nghị định 138, hiện nay đã giới hạn số lần giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của công chức là “không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp”. Ngoài ra, Nghị định 138 quy định điều kiện về độ tuổi bổ nhiệm: “Công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm phải còn đủ 5 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Công chức được đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 5 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền thì tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ. Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 41 Nghị định 138/2020”. Như vậy, Nghị định mới cũng bỏ quy định “không quá 55 tuổi với nam; không quá 50 tuổi với nữ và với chức vụ trưởng, phó phòng quận, huyện thì không quá 45 tuổi với cả nam, nữ” đã nêu trước đây.

Tránh tham quyền cố vị

Tán đồng với quy định này, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho rằng, quy định này nhằm trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, tạo cơ hội cho người trẻ tham gia giữ chức vụ quản lý trong hệ thống cơ quan nhà nước, phát huy năng lực, kinh nghiệm phát triển cho ngành, địa phương. Nếu người giữ chức vụ quản lý có khả năng kinh nghiệm lãnh đạo trong vòng 10 năm cũng đã có thể thay đổi được tình hình trong cơ quan. Còn nếu sau 10 năm không thay đổi được nhiều, với việc thay đổi thế hệ lãnh đạo mới cũng có thể thay đổi cơ chế quản lý khác, sẽ có thể có hướng phát triển cho ngành, địa phương.

Trong khi đó, theo luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), quy định công chức không được giữ chức vụ lãnh đạo quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp được thực thi sẽ đỡ căng thẳng câu chuyện giữ ghế khi tăng tuổi nghỉ hưu, tránh tham quyền cố vị. Lúc đó, nếu công chức bị hạn chế về năng lực, khả năng, sức khoẻ, trí tuệ để lãnh đạo thì sẽ không nắm giữ các vị trí lãnh đạo nữa.
Quy định công chức không được giữ chức vụ lãnh đạo quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp còn nhằm tránh các trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo quá lâu, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, tạo phe cánh, bè phái, “sống lâu lên lão làng”, có thể tạo ra sai trái, lũng đoạn hệ thống, tạo trì trệ cho sự phát triển của ngành, địa phương.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông