Công chức, viên chức Thủ đô nói không với tiêu cực

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) Thủ đô, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động "5 không" của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TP Hà Nội đã phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói không với tiêu cực” tới các cấp công đoàn cơ sở.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa quận Thanh Xuân. Ảnh: Thanh Hải
Thực hiện tốt “5 không” 
Phó Chủ tịch phụ trách LĐLĐ TP Đặng Thị Phương Hoa cho biết, cuộc vận động gồm 7 nội dung, giải pháp trọng tâm. Trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền, thực hiện tốt cuộc vận động “5 không” trong CBCCVC TP Hà Nội, gồm: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào tình hình thực tiễn có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể gắn với nội dung, ý nghĩa của cuộc vận động. Đồng thời, phê phán chỉ ra các hành vi tiêu cực, nêu gương người tốt, việc tốt trong thực thi công vụ. Hàng năm, tổ chức chương trình gặp mặt, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương với đại diện CBCCVC để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các vấn đề liên quan. 
Loại bỏ tư tưởng “cục bộ”, “lợi ích nhóm” 
Để nâng cao chất lượng xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật, LĐLĐ TP vận động CBCCVC, trước hết là những người trực tiếp tham gia xây dựng chính sách pháp luật, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị… loại bỏ tư tưởng “cục bộ”, “lợi ích nhóm”, phải vì lợi ích chung, đặt lợi ích của Nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Cùng với đó, tiếp tục đề xuất hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật, thể chế quản lý để tiến tới xây dựng “hàng rào kỹ thuật pháp lý chặt chẽ”, thu nhập đảm bảo để cho mỗi CBCCVC “không thể, không dám, không cần” tiêu cực, tham nhũng khi thực thi công vụ.
Cùng với đó, CBCCVC cần kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành về chế độ công vụ, công chức để tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, nhất là các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, lối sống, những quy định CBCCVC không được làm. Xây dựng quy chế quản lý, chi tiêu, sử dụng tài sản, tài chính trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn ngừa tình trạng thất thoát, tham nhũng. Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chí và quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân và DN đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời có chế tài và hình thức xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân có tiêu cực hoặc có chỉ số hài lòng thấp.
Để cuộc vận động thực sự có hiệu quả, việc công khai, minh bạch các chế độ, chính sách, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực cũng được nhấn mạnh. Qua đó góp phần giám sát, phát hiện, đấu tranh, ngăn ngừa và đẩy lùi các hành vi tiêu cực.
Theo Phó Chủ tịch phụ trách LĐLĐ TP Đặng Thị Phương Hoa, cuộc vận động sẽ được triển khai sâu rộng trong các cấp công đoàn, đảm bảo hiệu quả, tránh hình thức và quan trọng nhất là tạo động lực để CBCCVC tự giác thực hiện. Trước mắt, mỗi CBCCVC sẽ có bản cam kết với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tổ chức công đoàn thực hiện “Nói không với tiêu cực” theo các nội dung của cuộc vận động, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm, tính gương mẫu của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần