Phú Thọ: tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính sau hợp nhất 3 tỉnh
Kinhtedothi - Sau sắp xếp đơn vị hành chính, hệ thống chính quyền hai cấp tại tỉnh Phú Thọ bước đầu vận hành ổn định, thực tế triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả, thông suốt.
Sau sắp xếp đơn vị hành chính, nhu cầu giải quyết TTHC của cư dân các địa phương thuộc tỉnh Phú Thọ có xu hướng tăng cao. Ảnh: Sỹ Hào.
Nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ
Theo Văn phòng UBND tỉnh, đến ngày 8/7, đã có 139/148 xã, phường trên địa bàn tỉnh gửi báo cáo tình hình thực hiện TTHC. Trong đó, nhiều địa phương phản ánh các vướng mắc tập trung ở một số lĩnh vực “nóng” như: đất đai (16 xã), hộ tịch (25 xã), đăng ký kinh doanh (15 xã), chứng thực bản sao từ bản chính (26 xã), chữ ký số (28 xã), thanh toán trực tuyến (7 xã)...
Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống phần mềm chưa được cập nhật đồng bộ, chưa tích hợp dữ liệu và chưa phân quyền đầy đủ cho cấp xã. Một số phần mềm còn gặp lỗi kỹ thuật, thiếu tính năng hoặc chưa cấp tài khoản cho cán bộ chuyên trách. Việc thay đổi địa giới hành chính cũng kéo theo nhiều thủ tục mới phát sinh, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, gây lúng túng cho cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ.
Cùng với đó, sau sắp xếp, nhu cầu thực hiện các TTHC của người dân tại trung tâm phục vụ hành chính công có xu hướng tăng mạnh. Các thủ tục được người dân quan tâm nhiều nhất liên quan đến đất đai, đăng ký kinh doanh, tư pháp hộ tịch, chứng thực, lao động - thương binh - xã hội, chế độ chính sách…
Trước đây, việc xử lý hồ sơ hành chính của người dân ở 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình được thực hiện theo hệ thống phần mềm quản lý cũ. Sau khi hợp nhất 3 tỉnh này để thành lập tỉnh Phú Thọ mới, hệ thống phần mềm đã được chuyển đổi sang nền tảng dùng chung của tỉnh Hòa Bình (cũ), dẫn đến phát sinh các khó khăn trong việc làm quen và vận hành hệ thống mới.
Yêu cầu khẩn trương rà soát, đề xuất phương án tháo gỡ
Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức hội nghị các sở ngành, địa phương để nắm bắt các vướng mắc nảy sinh trong quá trình hoạt động của các đơn vị sau khi hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Đại diện các sở, ngành, địa phương đã báo cáo và đề xuất nhiều nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, gửi văn bản kiến nghị về những nội dung cần tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC; giao Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm.
“Việc vận hành thông suốt hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sau sắp xếp là trách nhiệm của cả hệ thống. Từng sở, ngành, địa phương phải thể hiện rõ vai trò đầu mối, chủ động phối hợp, xử lý nhanh các phát sinh – đặc biệt là các lĩnh vực người dân quan tâm…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc nhấn mạnh.
Các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được yêu cầu khẩn trương rà soát, gửi văn bản kiến nghị về những nội dung cần tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân. Ảnh: Sỹ Hào.
Các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm nghiên cứu, hoàn thiện phần mềm, tích hợp quy trình xử lý hồ sơ theo hướng thuận tiện, hợp lý; đề nghị Công an tỉnh sớm cấp con dấu mới cho các đơn vị hành chính theo đúng quy định, đồng thời phối hợp bảo đảm an toàn an ninh mạng, triển khai hiệu quả định danh điện tử (VnID).
Về trang thiết bị tại trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, Sở Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì, đề xuất phương án tối ưu, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu các đơn vị phân công rõ đầu mối phụ trách TTHC, chủ động phối hợp, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân hiểu và thực hiện đúng quy trình TTHC.
Trích dẫn
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng công nghệ số tăng cao sau khi kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 1711/QĐ-UBND về việc thành lập 148 tổ công nghệ số cộng đồng và phản ứng nhanh trên địa bàn.
Các tổ này sẽ là lực lượng nòng cốt trong triển khai chuyển đổi số, trực tiếp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, đồng thời kết nối với các nền tảng số quốc gia và địa phương.

Phú Thọ: phát hiện vụ vận chuyển 1,6 tấn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Kinhtedothi - Công an tỉnh Phú Thọ đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, xử lý vụ việc xe tải vận chuyển 1,6 tấn lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm định động vật theo quy định. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định số lợn trên đã nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Trụ sở của Báo và Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ dự kiến sẽ đặt tại phường Vĩnh Yên
Kinhtedothi - Trụ sở làm việc chính của Báo và Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ dự kiến sẽ đặt tại phường Vĩnh Yên - đơn vị hành chính mới thành lập trên cơ sở sáp nhập các phường Tích Sơn, Hội Hợp, Đồng Tâm và xã Thanh Trù (thuộc TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cũ).

Phú Thọ: chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên mưa bão
Kinhtedothi - Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai năm 2025, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chỉ đạo quyết liệt, đồng thời huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân để chủ động ứng phó với thiên tai.