Công nghệ thông tin - ngành “thời thượng”

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam hiện đang thiếu rất nhiều nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin (CNTT) và Hệ thống thông tin (HTTT). Vì thế đây là cơ hội tốt để các thí sinh lựa chọn ngành học này và ra trường được làm đúng nghề.

 Ảnh minh họa
Chia sẻ về nhu cầu lao động của ngành HTTT, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học (ĐH) Thủy lợi, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Chỉ tính từ nay đến năm 2020 sẽ cần 1 triệu nhân lực về CNTT và HTTT. Tuy nhiên, hiện các trường mới chỉ đào tạo được gần một nửa nhu cầu. Không chỉ vậy, trên thế giới, ngành HTTT có thu nhập rất cao, những người mới đi làm có mức lương khởi điểm đứng thứ 15/144 nghề nghiệp tại Mỹ. Vì thế HTTT cũng có thể được coi là ngành “thời thượng” của thế kỷ XXI, gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngành HTTT tại trường ĐH Thủy lợi đào tạo ra những kỹ sư cập nhật những vấn đề mới và hiện đại liên quan đến nghiên cứu phát triển các HTTT, ứng dụng hệ thống phần mềm. Tất nhiên, những kỹ sư này có kiến thức về mạng máy tính và truyền thông, phân tích thiết kế khai thác cơ sở dữ liệu, xử lý dữ liệu lớn… Thầy Tuấn Anh cho biết, với thời gian đào tạo 4 năm, chương trình của ngành HTTT có 140 tín chỉ. Chương trình được xây dựng theo xu hướng mới của thế giới. Bên cạnh những nội dung cơ bản, ngành, chuyên ngành HTTT, nhà trường thiết kế nhiều môn học đáp ứng nhu cầu của xã hội và theo đơn đặt hàng của các DN. Đồng thời cũng đưa ra những chuẩn đầu ra như: Lập trình và nắm vững một số các công cụ lập trình, có khả năng quản lý, phân tích và thiết kế các hệ thống thông tin phục vụ cho các lĩnh vực (kinh tế- xã hội, tài chính, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, an ninh quốc phòng…). Sinh viên tốt nghiệp có thể xây dựng được những hệ thống khuyến nghị sản phẩm, hệ thống dự báo, chương trình trò chơi.

Hiện nay, những sinh viên học ngành HTTT của Trường ĐH Thủy lợi cũng như các cơ sở khác có rất nhiều vị trí việc làm để lựa chọn. Cụ thể là chuyên viên xây dựng, quản trị, phát triển các hệ thống để vận hành DN, tổ chức; chuyên viên phân tích dữ liệu, lập dự án hoặc hoạch định chính sách phát triển CNTT cho các tổ chức và DN.
Những người học ngành HTTT hoàn toàn có thể làm ở vị trí lập trình viên trong các công ty, tập đoàn chuyên sản xuất gia công phần mềm; quản lý các dự án phần mềm, CNTT. Sau một thời gian làm việc, cùng với sự thăng tiến trong nghề, họ có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Hoặc có thể lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc đang cần rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT, HTTT, với mức lương rất cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần