Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội: Cơ hội lớn đến từ Nhật Bản

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu đạt 1.000 DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đủ năng lực tham gia vào thị trường, đủ sức cạnh tranh trên sân chơi quốc tế vào năm 2020, Hà Nội đã có những cơ chế, chính sách hợp lý, và tổ chức nhiều buổi kết nối giao thương với DN các nước, trong đó có các DN đến từ Nhật Bản.

Những con số khả quan

Thực trạng công nghiệp Hà Nội cho thấy, các tiêu chuẩn, công cụ quản lý tiên tiến đang từng bước được các DN CNHT TP quan tâm và áp dụng. Tuy nhiên, hiện các khó khăn cơ bản do chi phí sản xuất cao, thiếu nguồn thông tin, chưa tiếp cận được chính sách, chương trình hỗ trợ… đã ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất, kinh doanh của DN công nghiệp Hà Nội nói chung, ngành CNHT nói riêng. Do đó, ngoài những cơ chế, chính sách hợp lý cho CNHT, đòi hỏi các nhà quản lý tổ chức những cuộc xúc tiến thương mại sát với thực tế, tạo cơ hội giao thương cho các DN phát triển.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham quan các gian hàng tại Hội chợ giao thương ngành chế tạo Hà Nội 2017. Ảnh: Nguyên Dương

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, trên địa bàn TP hiện có 470 DN hoạt động trong ngành CNHT, trong đó có hơn 250 DN trong lĩnh vực cơ khí chế tạo (với khoảng 35% là DN có vốn đầu tư nước ngoài - FDI), 132 DN thuộc lĩnh vực điện tử và khoảng 85 DN dệt may. Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, nhận thức được thế mạnh của các DN Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực CNHT, thời gian qua, TP cũng đã xây dựng chính sách hỗ trợ các DN tiếp cận công nghệ cao, tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. TP cũng chú trọng cùng các đơn vị như FNA Group, NC Nework Group, Jetro… tổ chức các chương trình kết nối về CNHT. “Hội chợ giao thương ngành chế tạo Hà Nội 2017” nhằm tạo cơ hội giao thương, thúc đẩy hợp tác, kinh doanh giữa các DN CNHT của TP Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc với các DN Nhật Bản vừa qua là một trong những hoạt động thiết thực đã được tổ chức.

Đây là một hội chợ lớn, chuyên biệt, quy tụ số lượng lớn DN chế tạo của Nhật Bản và Việt Nam, là cơ hội lớn đối với các DN mong muốn mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Hội chợ đã thu hút được 138 DN tham gia, trong đó có 28 DN trên địa bàn Hà Nội, hơn 400 DN đăng ký giao dịch với hơn 835 lượt giao dịch đã được đăng ký chứng tỏ sự hấp dẫn, sức hút và thành công của hội chợ.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh, những hội chợ như thế sẽ là tiền đề và cơ sở quan trọng để các DN hai bên tiếp tục tiến hành các hoạt động hợp tác, giao thương thúc đẩy ngành CNHT phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Đẩy mạnh hợp tác

Đến tìm kiếm đối tác kinh doanh, ông Ozeki Makoto - Tổng Giám đốc Công ty TNHH ENDO Việt Nam khẳng định: Việt Nam là thị trường tiềm năng với nhiều lợi thế, có thể tiết kiệm chi phí sản xuất. Chính vì thế, là DN sản xuất cung cấp linh kiện cơ khí, việc tổ chức các hội chợ giao thương, đặc biệt là trong lĩnh vực CNHT đã mở ra cơ hội để ENDO nói riêng và DN Nhật Bản nói chung phát triển kinh doanh và hợp tác khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, ông Ozeki Makoto cho rằng, để phát triển được thì kinh nghiệm về kỹ thuật rất quan trọng, cũng như cần đào tạo nhân lực tốt hơn nữa. Trong khi đó, là DN sản xuất sản phẩm phụ trợ cho DN Nhật Bản với 100% người Việt Nam, ông Nguyễn Đình Hoàng – Quản lý Phòng Kinh doanh (Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường) cho rằng, từ các hoạt động kết nối giao thương, trong thời gian tới, cơ chế chính sách cho ngành CNHT cần tiếp tục cụ thể hơn về ưu đãi vốn, thuế… để DN phát triển, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Theo số liệu mới nhất từ Jetro, tỷ lệ nội địa hóa của các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức 34,2%. “Trong thời gian tới, tôi hy vọng tiêu chuẩn, công nghệ của các DN Việt Nam được nâng cao hơn, đáp ứng những yêu cầu của DN Nhật Bản” - ông Atsusuke Kawada – Trưởng đại diện Jetro Hà Nội chia sẻ. Chính vì thế, tại Hội chợ giao thương ngành chế tạo Hà Nội 2017, có 20 công ty, tập đoàn Nhật Bản mang đến những sản phẩm mới và tìm kiếm những DN Việt Nam có khả năng sản xuất và đáp ứng nhu cầu cung ứng. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng nhấn mạnh, DN Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang có những cơ hội lớn trong việc tìm kiếm đối tác và xuất khẩu sang Nhật Bản. Hà Nội cũng đã đề ra các giải pháp để phát triển nhằm đáp ứng các mục tiêu về phát triển ngành CNHT. Cùng với sự hỗ trợ từ đối tác Nhật Bản trong 2 năm tới, ngành công thương Hà Nội cũng đặt mục tiêu phấn đấu sẽ có thêm nhiều DN xuất khẩu sản phẩm trực tiếp sang thị trường này.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường Nhật Bản đạt khoảng 1,23 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cơ kim khí, linh kiện điện tử - máy tính… Kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ Nhật Bản đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của TP. Hiện, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Nội với hơn 800 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,2 tỷ USD.