Công Phượng - chuyển nhượng hay không?

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công Phượng và các đồng đội đang được cho là bảo bối của HAGL. Nhưng, vấn đề được đặt ra là HAGL có bán những bảo bối mà phải mất gần 10 năm đào tạo họ mới có được?

Câu chuyện liên quan đến Công Phượng và các cầu thủ trẻ HAGL cũng đang là bài toán của rất nhiều lò đào tạo trẻ hiện nay.

Nhiều lần bầu Đức đã tuyên bố, Công Phượng hay bất cứ cầu thủ nào thuộc lứa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG không phải để bán. Ông có những cái đích lớn hơn cả tiền bạc dành cho các cầu thủ này. Ông Đức từng từ chối nhiều lời đề nghị của các đội bóng nước ngoài về việc chiêu mộ các cầu thủ nổi bật của lứa cầu thủ tài năng này. Ông muốn họ được thi đấu bên nhau để tạo thành lứa cầu thủ thiện chiến đủ sức chinh phục giấc mơ vàng cho cả nền bóng đá.

Những tuyên bố với tinh thần kiến tạo của bầu Đức đã nhận được sự tung hô của dư luận. Nói cho cùng, dư luận rất cần những người dám hy sinh và có lực để hy sinh vì giấc mơ chung. Tất nhiên, trong mấy năm qua, không ít lần người ta thấy bầu Đức đã phải điều chỉnh những cam kết của mình nhằm dung hòa vấn đề chuyên môn cũng như lợi ích DN mà ông đang sở hữu. Bằng chứng là Công Phượng, Tuấn Anh đã được gửi đi thi đấu ở giải hạng Nhì Nhật Bản theo bản hợp đồng nặng tính thương mại hơn là chuyên môn. Trong khi đó, tuy Công Phượng, Tuấn Anh đã về nước khi bầu Đức nhận ra sai lầm về mặt chiến lược thì Xuân Trường vẫn ở lại K.League, mặc dù đến nay anh vẫn không được ra sân.

Bầu Đức không bán cầu thủ nhưng sẵn sàng cho mượn nếu có được lời đề nghị hấp dẫn. Tuy vậy, mới đây, ông bầu này đã úp mở khả năng bán Công Phượng nếu có được lời dạm hỏi thực sự có giá trị. Có nghĩa, nếu được trả vài chục tỷ, bầu Đức sẵn sàng để Công Phượng hay bất cứ cầu thủ nào khác ra đi, dù ông luôn tuyến bố họ thực sự là báu vật của HAGL.

Khi lập Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG, bầu Đức từng tuyên bố sẽ đào tạo ra những cầu thủ đủ đẳng cấp châu lục, thậm chí là thế giới. Nhưng, đến lúc này, cánh cửa đến với đấu trường cấp châu lục đang ngày càng mờ mịt với các cầu thủ của HAGL. Có nghĩa là cái đích lớn nhất mà học viện bóng đá này hướng đến đã phá sản. HAGL phải chuyển hướng mục tiêu, đến những đấu trường phù hợp hơn.

Vấn đề đặt ra là những học viện như HAGL Arsenal JMG đào tạo cầu thủ để làm gì? Họ sẽ thi đấu cho đội 1 HAGL hay cho phép chuyển nhượng để thu về nguồn lợi tài chính? Rất nhiều học viện bóng đá hay các lò đào tạo của Việt Nam hiện nay đều chọn phương án là nơi cung cấp cầu thủ cho đội 1. Có nghĩa là cái đích thực tế nhất của các lò đào tạo chính là thi đấu ở V.League chứ chưa thể vươn tầm ra biển lớn. Tất nhiên, cũng có những lò đạo tạo lấy cái đích phi lợi nhuận làm mục tiêu đào tạo của mình như Quỹ phát triển bóng đá trẻ Việt Nam (PVF). Hai năm qua, những cầu thủ tài năng nhất của PVF đã được cung cấp miễn phí cho Than Quảng Ninh, Hà Nội FC, FLC Thanh Hóa, SHB Đà Nẵng... Và những nhà đầu tư cho PVF coi việc các cầu thủ đóng góp cho bóng đá Việt Nam chính là lợi nhuận của mình.