Công ty Hoàng Hà sai phạm về huy động vốn kinh doanh bất động sản

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hàng loạt sai phạm của Công ty Hoàng Hà về huy động vốn kinh doanh bất động sản (BĐS), cần phải được các cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ và đưa ra ánh sáng để bảo vệ quyền, lợi ích của người dân.

Bội ước với khách hàng

Như đã thông tin về việc Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà) chủ đầu tư Dự án nhà ở cán bộ, chiến sĩ Công an quận Hoàng Mai, có nhiều sai phạm trong việc huy động vốn kinh doanh bất động sản, cụ thể: đã thu 100% tiền nhà theo hợp đồng của khoảng 35% cư dân, số còn cư dân lại cũng đã nộp đến 90% giá trị nhà, nhưng chủ đầu tư không hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân dự án.

Công ty Hoàng Hà - Chủ đầu tư, chậm tiến độ vi phạm hợp đồng nhưng chưa bồi thường cho cư dân như cam kết, nhưng lại tự ý đưa ra quy định phạt chậm nộp hợp đồng, trong khi người dân đã nộp tiền từ 90 - 100% mà gần chục năm nay chưa được hoàn tất thủ tục làm sổ hồng.
Công ty Hoàng Hà - Chủ đầu tư, chậm tiến độ vi phạm hợp đồng nhưng chưa bồi thường cho cư dân như cam kết, nhưng lại tự ý đưa ra quy định phạt chậm nộp hợp đồng, trong khi người dân đã nộp tiền từ 90 - 100% mà gần chục năm nay chưa được hoàn tất thủ tục làm sổ hồng.

Trong khi đó, từ đầu tháng 8/2019, Công ty Hoàng Hà đã phát đi hàng loạt thông báo gửi đến những khách hàng đã nộp 90% giá trị hợp đồng phải nộp nốt 10%, thời gian thực hiện trong vòng 1 tháng. Đồng thời, cũng nêu rõ yêu cầu nếu hết thời gian trên, khách hàng không nộp đủ tiền thì sẽ bị phạt lãi suất 1,5%/tháng trên tổng số tiền chậm thanh toán. Căn cứ theo Điều 57 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, trường hợp bên mua, thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ thì bên bán không được thu quá 95% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ. Như vậy, có thể khẳng định việc tự ý đưa ra yêu cầu như trên của chủ đầu tư là vi phạm Luật Kinh doanh BĐS.

“Rất nhiều hộ dân không đồng ý với yêu cầu của chủ đầu tư, nên khi có nhu cầu thay đổi chỗ ở, đến gặp chủ đầu tư để hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng thì “ngã ngửa” với mức tiền phạt chậm nộp. Bình quân mỗi căn hộ đều bị phạt chậm nộp đến hàng trăm triệu đồng, cá biệt có căn bị phạt hơn 500 triệu đồng, cư dân chúng tôi vô cùng bức xúc về hành động này của chủ đầu tư” – Trưởng ban quản trị dự án nhà ở cán bộ, chiến sĩ Công an quận Hoàng Mai nói.

Tìm hiểu kỹ hơn được biết, đến tháng 10/2014 khi đã quá thời hạn bàn giao nhà ở, nhưng chủ đầu tư vẫn không hoàn thiện căn hộ theo cam kết, một số gia đình do nhu cầu cấp thiết về chỗ ở đã phải tự bỏ tiền ra để hoàn thiện, với số tiền bình quân từ 30 – 60 triệu đồng/căn. Tại biên bản làm việc 3 bên (UBND quận Hoàng Mai, chủ đầu tư và cư dân) vào tháng 4/2022, đại diện chủ đầu tư thời điểm đó là ông Mai Quốc Tuấn Trung – Giám đốc hành chính – quản trị, đã cam kết với cư dân sẽ thanh toán đầy đủ số tiền 5% cộng tiền lãi vay ngân hàng trên tổng số tiền khách hàng đã nộp vì chủ đầu chậm bàn giao căn hộ, chậm tiến độ hoàn thành dự án và hoàn trả toàn bộ số tiền mà cư dân đã phải bỏ ra để hoàn thiện căn hộ. Nhưng đến tận thời điểm này, phía chủ đầu tư không thực hiện cam kết của mình, đồng thời, vẫn đang thực hiện tính lãi hàng ngày với khoản tiền chậm nộp của cư dân.

Doanh nghiệp coi thường pháp luật?

Qua hồ sơ và tài liệu thu thập được đã chứng minh Công ty Hoàng Hà ngoài những vi phạm về Giấy phép xây dựng; huy động vốn kinh doanh BĐS... còn dấu hiệu coi thường pháp luật khi cố tình sử dụng sai hóa đơn giá trị gia tăng - VAT, bất chấp việc đã bị cơ quan thuế khóa mã số thuế, nhưng Công ty Hoàng Hà vẫn xuất hóa đơn VAT cho những khách hàng có nhu cầu chuyển nhượng căn hộ.

Thu tiền năm 2020, nhưng xuất hóa đơn lại ghi năm 2016, đặt ra nhiều nghi vấn về việc Công ty Hoàng Hà cố tình vi pháp luật về Thuế.
Thu tiền năm 2020, nhưng xuất hóa đơn lại ghi năm 2016, đặt ra nhiều nghi vấn về việc Công ty Hoàng Hà cố tình vi pháp luật về Thuế.

Cụ thể, tại văn bản xác nhận việc nộp tiền theo hợp đồng mua bán nhà ở số: 622/HĐMB ngày 16/10/2010 và Văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở số: 1625/2011/VPCCCM ngày 22/12/2011 của căn hộ số 08 mẫu D giữa ông L.V.T. và bà Đ.T.D. Đến ngày 9/10/2020, bà Đ.T.D mới nộp số tiền bảo hành (5%) theo hợp đồng mua bán, tương đương số tiền 168.543.360 đồng vào tài khoản của Công ty Hoàng Hà. Nhưng tại hóa đơn số 0000086, mà Công ty Hoàng Hà xuất cho khách hàng lại ghi ngày xuất hóa đơn vào 24/3/2016 (thời điểm mà công ty chưa bị cơ quan thuế khóa mã số thuế).

Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2015, công ty này còn thế chấp dự án nhà ở cán bộ, chiến sĩ Công an quận Hoàng Mai để vay ngân hàng Agribank số tiền 63 tỷ đồng và đến thời điểm này dư nợ đã lên trên 100 tỷ đồng. Về vấn đề này, luật sư Trịnh Hữu Đức – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, căn cứ theo Luật Nhà ở 2014, chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán với khách hàng sau đó đem tài sản đã bán đi thế chấp là không được phép, trừ khi khách hàng đồng ý dùng tài sản đó để thế chấp.

“Còn đối với việc thu 100% giá trị hợp đồng của người dân, nhưng không làm thủ tục đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho người mua nhà, căn cứ theo khoản 5 Điều 8 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 đây được xem là hành vi chiếm dụng vốn. Việc chiếm dụng vốn cũng được quy định rõ tại Điều 175 Bộ Luật Hình sự, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – luật sư Trịnh Hữu Đức cho hay.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.