Công ty Vạn Thuận kêu cứu vì bất cập trong quản lý

Đặng Sơn - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/3, bãi đỗ xe, trung chuyển hàng hóa của Công ty Vạn Thuận tại ô đất A11/P2, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai đã buộc phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Đây là trường hợp điển hình của những hệ lụy từ sự bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý.

Trên thông dưới chưa thoáng

Phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư & kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận Đào Việt Hùng cho biết, đơn vị đang lao đao vì đầu tư rất lớn vào dự án bãi đỗ xe, trung chuyển hàng hóa tại ô đất nêu trên, nhưng không được hoạt động đúng công năng.

Điểm trung chuyển hàng hóa của Công ty Vạn Thuận phải dừng hoạt động chờ hướng dẫn. Ảnh: Phạm Công
Điểm trung chuyển hàng hóa của Công ty Vạn Thuận phải dừng hoạt động chờ hướng dẫn. Ảnh: Phạm Công

Tìm hiểu thực tế cho thấy, năm 2011, Công ty Vạn Thuận được UBND TP
Hà Nội phê duyệt dự án Bãi đỗ xe tại ô đất A11/P2, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Tại Giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP Hà Nội cấp, Điều 2 nêu rõ mục tiêu đầu tư là: “Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe để trung chuyển hàng hóa và đỗ xe tĩnh”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, ban đầu Sở GTVT Hà Nội chỉ đồng ý thỏa thuận cho Công ty Vạn Thuận sử dụng ô đất A11/P2 để làm bãi đỗ xe tĩnh. Cấm hoạt động đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói sang tải và bảo quản hàng hóa tại nơi trông giữ xe.

Tiếp đó, đầu năm 2023, theo hình thức phân cấp, phân quyền mới, UBND quận Hoàng Mai lại tiếp tục chấp thuận cho sử dụng tạm thời ô đất A11/P2 để trông giữ phương tiện của Công ty Vạn Thuận. Và cũng cấm hoạt động đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói sang tải và bảo quản hàng hóa tại nơi trông giữ xe.

Ông Đào Việt Hùng cho biết: “TP đã duyệt chủ trương đầu tư cho chúng tôi làm điểm trung chuyển hàng hóa, không hiểu vì sao các cơ quan chức năng bên dưới lại chưa chấp thuận cho làm. Nếu DN còn thiếu điều kiện gì, rất mong cơ quan chức năng hướng dẫn để chúng tôi hoàn thiện”. Phía Công ty Vạn Thuận cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội ngày 22/2 vừa qua, đề nghị hướng dẫn thực hiện việc đỗ xe để trung chuyển hàng hóa theo đúng chủ trương đầu tư được duyệt.

Trong khi UBND TP Hà Nội chưa có hướng dẫn, điểm trung chuyển hàng hóa của Công ty Vạn Thuận trên đất dự án đã được duyệt bị buộc dừng hoạt động. Lý do là giấy phép được cấp có điều khoản cấm xếp dỡ hàng hóa, đóng gói sang tải và bảo quản hàng hóa tại nơi trông giữ xe.

Tuyến đường nối Nguyễn Xiển – Xa La bị biến thành một khu vực sang tải hàng hóa với hàng chục điểm bốc xếp ngay trên lòng đường
Tuyến đường nối Nguyễn Xiển – Xa La bị biến thành một khu vực sang tải hàng hóa với hàng chục điểm bốc xếp ngay trên lòng đường

Ông Đào Việt Hùng chia sẻ: “Trong khi chờ đợi hướng dẫn, việc kinh doanh bị ngưng trệ, chúng tôi vẫn phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm, trả lương và các chi phí khác để duy trì dự án. Nếu cơ quan chức năng không cứu giúp, chúng tôi sẽ phá sản”.

Mơ hồ câu chữ làm khổ doanh nghiệp

Liên quan đến trường hợp này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã gửi câu hỏi đến phòng Quản lý đô thị, UBND quận Hoàng Mai - cơ quan tham mưu cho việc cấp phép, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.

Chuyên gia trong lĩnh vực vận tải Vương Văn Kha phân tích, căn cứ theo các giấy phép do Sở GTVT Hà Nội cấp trước đây và UBND quận Hoàng Mai vừa cấp có thể thấy định nghĩa rất mơ hồ, khiến DN không biết đâu mà lần. “Cấm xếp dỡ hàng hóa, đóng gói sang tải và bảo quản hàng hóa tại nơi trông giữ xe, có thể hiểu là dự án phải chia tách, khu vực dành cho hàng hóa riêng, khu vực để trông giữ xe riêng. Nhưng cũng có thể vận dụng là cấp phép trông xe thôi thì không được xếp dỡ hàng hóa. Như vậy là đẩy cái khó cho DN” - ông Vương Văn Kha nói.

Khu vực sang tải hàng hóa ngay cạnh bãi đỗ xe, trung chuyển hàng hóa của Công ty Vạn Thuận 
Khu vực sang tải hàng hóa ngay cạnh bãi đỗ xe, trung chuyển hàng hóa của Công ty Vạn Thuận 

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào hạ tầng giao thông đang được Hà Nội đẩy mạnh. Muốn DN đổ tiền vào thì cơ chế phải rõ ràng, mạch lạc, thông thoáng. Quan trọng hơn nữa là khi DN gặp khó khăn, cơ quan chức năng phải sát sao giúp đỡ, tháo gỡ, hướng dẫn, chứ không phải dùng mệnh lệnh hành chính để buộc dừng hoạt động.

Thực tế là cho đến nay, phía Công ty Vạn Thuận vẫn chưa biết vì sao không được làm đúng như chủ trương đầu tư ban đầu UBND TP Hà Nội duyệt. Nếu sai thì sai ở đâu? Làm cách nào tháo gỡ? Sự cứng nhắc, máy móc của cơ quan quản lý Nhà nước vô tình đang đẩy một dự án xã hội hóa, một DN đến bờ vực sụp đổ. Và như vậy liệu còn bao nhiêu nhà đầu tư “dám” bước vào lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải?

Đáng nói hơn, trong sáng ngày 1/3, khi bãi trung chuyển hàng hóa của Công ty Vạn Thuận bị đóng cửa với lực lượng chức năng chốt chặn, tuyến đường nối Nguyễn Xiển – Xa La lập tức biến thành một khu vực sang tải hàng hóa loạn xạ với hàng chục điểm bốc xếp ngay trên lòng đường. Có thể thấy rõ nghịch lý, dự án được duyệt, làm theo chủ trương đầu tư thì bị đóng cửa, bến cóc xe dù bên ngoài thì nhộn nhịp, đông đúc. Phải chăng làm đúng còn khó hơn làm sai?