Covid-19 và nỗi lo của những bệnh nhân suy giảm miễn dịch

PGS-TS HOÀNG THỊ LÂM - TRƯỞNG BỘ MÔN DỊ ỨNG MIỄN DỊCH LÂM SÀNG, ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những bệnh nhân trong nhóm suy giảm miễn dịch rất dễ tổn thương, là đối tượng nguy cơ cao của rất nhiều bệnh và tình trạng y khoa. Vậy các bệnh nhân này tiên lượng thế nào nếu chẳng may mắc Covid-19?

Nguy cơ cao của nhiều bệnh

Đến thời điểm này, chúng ta đều biết rằng, những người lớn tuổi, những người có bệnh nền có tỷ lệ tử vong cao hơn khi mắc Covid-19. Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo về nhóm người có nguy cơ cao đối với Covid-19: Những người trên 65 tuổi, mắc bệnh ung thư, cao huyết áp, bệnh phổi, đái tháo đường, bệnh tim mạch, các bệnh ảnh hưởng đến tình trạng miễn dịch của cơ thể (bệnh tự miễn…), đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. 

 Hà Nội hiện sử dụng song song 2 hình thức lấy dịch họng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và lấy máu xét nghiệm nhanh ở cộng đồng

Vậy những bệnh nhân trong nhóm suy giảm miễn dịch thứ phát do dùng thuốc ức chế miễn dịch như bệnh nhân ung thư, bệnh nhân mắc bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm gan tự miễn, viêm mạch...), bệnh nhân thay tạng... tiên lượng thế nào nếu chẳng may họ được xác định mắc Covid-19? Đây thực sự là vấn đề không những thầy thuốc, bệnh nhân mà cả người thân của họ cũng như các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm. Đây cũng là nhóm người dễ tổn thương, đặc biệt về mặt miễn dịch, là đối tượng nguy cơ cao của rất nhiều bệnh và tình trạng y khoa.

Cuối năm 2002, đầu năm 2003, khi bùng phát dịch SARS (SARS: Severe Acute Respiratory Syndrome) do chủng mới Coronavirus (SARS-CoV) với đặc điểm lâm sàng là viêm phổi mắc phải cộng đồng không điển hình. Các nhà dịch tễ học nhận thấy, trong số 8.096 ca nhiễm bệnh có 774 trường hợp tử vong (9,5%) tại 30 nước. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, chưa đến 1% số người tử vong dưới 24 tuổi, 6% từ 25-44 tuổi, 15% từ 45-64 tuổi và hơn 50% các trường hợp ≥65 tuổi tử vong. Như vậy, tuổi là yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây tử vong ở các bệnh nhân SARS-2002. Bên cạnh yếu tố nguy cơ khác là nam giới hoặc có bệnh kèm theo. Thật may mắn, tại thời điểm đó, những bệnh nhân suy giảm miễn dịch nói trên không nằm trong nhóm nguy cơ cao.

 Trạm di động xét nghiệm nhanh Covid-19 với 5 lều dã chiến hoạt động tại Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân)

Đến năm 2011, dịch MERS (MERS: Middle East Respiratory Syndrome) cũng do chủng mới của Coronavirus với 2.182 người nhiễm và 779 trường hợp tử vong tại 27 nước. Yếu tố nguy cơ cũng là tuổi, nam giới và có bệnh nền kèm theo. Thêm một lần nữa, các bác sĩ không ghi nhận một ca tử vong nào liên quan đến việc bệnh nhân có thay tạng, hóa trị liệu hay các tình trạng cần dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Không làm tăng nguy cơ biến chứng nặng do SARS-CoV-2

Bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở Bergamo, được coi là vùng tâm điểm của dịch Covid-19 ở Italia. Đây là bệnh viện lớn ở Italia, với các bệnh nhân chủ yếu là bệnh về gan như xơ gan, bệnh gan tự miễn, hóa trị liệu cho ung thư gan hoặc các trường hợp thay gan. Các bác sĩ nhận thấy các bệnh nhân ở đây không ai có biểu biện bệnh phổi trên lâm sàng, cho dù một số bệnh nhân có test dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả này cũng tương đồng với kết quả của các bác sĩ ở Trung Quốc. Như vậy, những bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch ở đây đều không làm tăng nguy cơ biến chứng nặng do SARS-CoV-2 so với những người bình thường ở cộng đồng. 

Các thuốc ức chế miễn dịch tác động lên đáp ứng miễn dịch thể dịch và miễn dịch qua trung gian tế bào cũng như chức năng của bạch cầu đa nhân trung tính làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng do nguyên nhân virus thông thường như Adenovirus, Rhinovirus, Norovirus, Influenza, và virus hợp bào hô hấp. Những bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch là đối tượng nguy cơ nhiễm các loại virus nói trên ở mức độ nặng hoặc dễ có biến chứng khi nhiễm bệnh.

 Bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở Bergamo, được coi là vùng tâm điểm của dịch Covid-19 ở Italia. Ba trong số bốn lãnh đạo của bệnh viện cũng đổ bệnh

Tuy nhiên đối với chủng Coronavirus thì lại khác. Các nhà khoa học nhận thấy, Coronavirus dường như không phải là nguyên nhân làm cho bệnh nặng hơn ở những bệnh nhân này. Đối với các virus này, đáp ứng miễn dịch bẩm sinh của chủ thể là yếu tố tiên quyết dẫn đến tổn thương phổi ở bệnh nhân nhiễm bệnh. Hơn thế nữa, từ dịch SARS-2002, dịch MERS-2012 và hiện nay là Covid-19, các bác sĩ chưa thấy ca tử vong nào liên quan đến bệnh nhân thay tạng, hóa trị liệu hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch ở bất cứ lứa tuổi nào.

Mặc dù vậy, “chưa phát hiện” không có nghĩa là “không có”. Trong thời điểm chưa ghi nhận trường hợp nặng hay tử vong nào của Covid-19 liên quan đến bệnh nhân thay tạng, bệnh tự miễn phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch... những bệnh nhân trong nhóm này vẫn cần hết sức giữ gìn sức khỏe, hạn chế tối đa tiếp xúc với mầm bệnh. Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Những bệnh nhân nào cần thiết phải thay tạng hoặc phải sử dụng hóa trị liệu thì cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để có các biện pháp kịp thời.

SARS-CoV-2 là chủng virus mới thuộc chi Coronavirus và được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019. Đây là tác nhân gây bệnh Covid-19. Các triệu chứng gặp chủ yếu là ho, sốt, khó thở, đau họng. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, SARS-CoV-2 lây truyền thông qua việc tiếp xúc giữa người với người qua các giọt đường hô hấp có chứa virus được tạo ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Virus cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với bề mặt nhiễm các giọt nhỏ có chứa virus. Qua việc tiếp xúc vào mắt, mũi, hoặc miệng, từ đây, virus có thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.