Croatia: Lệnh trừng phạt chống Nga gây tổn hại cho chính châu Âu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo RT, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cho rằng lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt chống Nga không đạt hiệu quả và gây tổn hại cho chính người dân châu Âu, chứ không phải Moscow.

Tổng thống Croatia Zoran Milanovic. Ảnh: Tass
Tổng thống Croatia Zoran Milanovic. Ảnh: Tass

"Những lệnh trừng phạt đó không phát huy hiệu quả. Nền kinh tế Nga vẫn đủ sức đối phó với lệnh cấm vận của EU và đồng rúp không sụp đổ. Chính người dân EU mới phải trả giá, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn mỉm cười. Dầu và khí đốt của Nga sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khác vì nhu cầu rất lớn" - Tổng thống Croatia Zoran Milanovic phát biểu hôm 31/5 khi bình luận về lệnh trừng phạt mới nhất mà EU áp lên Nga.

Theo Tổng thống Milanovic, các biện pháp trừng phạt của EU đang chỉ khiến đồng rúp của Nga mạnh hơn, trong khi người dân châu Âu phải đối mặt với giá nhiên liệu tăng vọt do ảnh hưởng từ lệnh cấm vận với năng lượng Nga. Vì vậy, nhà lãnh đạo Croatia nhận định rằng động thái này không hiệu quả.

Trong khi đó, Thủ tướng Italia Mario Draghi cho rằng, các lệnh trừng phạt phương Tây sẽ "có tác động mạnh nhất" lên nền kinh tế Nga "từ mùa hè này". Thủ tướng Draghi hôm 31/5 nhận định, lệnh cấm vận dầu Nga sẽ ảnh hưởng tới thương mại quốc tế "trong rất nhiều năm, nếu không nói là mãi mãi".

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh bất thường hôm 30/5, lãnh đạo EU đã đạt được đồng thuận về việc cấm nhập khẩu một phần dầu mỏ từ Nga. “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào EU. Thỏa thuận này ngay lập tức có hiệu lực với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga," ông Michel chia sẻ trên Twitter hôm 30/5.

Theo ông Michel, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, trong đó đặc biệt là ngắt Sberbank khỏi hệ thống kết nối tài chính quốc tế SWIFT và lệnh cấm phát sóng tại EU của ba phương tiện truyền thông nhà nước Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 30/5 cũng thông báo các lãnh đạo EU đã “thống nhất về nguyên tắc” với lệnh cấm dầu từ Nga. “EC giờ đây có thể hoàn thiện lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu Nga trước năm 2023. Đây là bước đi quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề với 10% dầu còn lại,” người đứng đầu EC nói.

Lệnh trừng phạt này cấm toàn bộ dầu Nga vận chuyển bằng tàu, nhưng không cấm dầu vận chuyển qua đường ống. EU cũng không thể trừng phạt khí đốt Nga vì sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Moscow hiện tại.

Nhằm đối phó với việc hạn chế nhập khẩu năng lượng của EU, Nga đang tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn khách hàng, và hướng tới các đối tác lớn khác như Ấn Độ hay Trung Quốc - các quốc gia đang có nhu cầu khổng lồ về năng lượng.

Ngay sau khi EU thông báo áp lệnh cấm vận một phần với dầu mỏ của Moscow, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna Mikhail Ulyanov hôm 30/5 tuyên bố, Nga sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác. “Đúng như bà Ursula von der Leyen đã nói vào ngày hôm qua, Nga sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác," ông Ulyanov cho biết trên Twitter hôm 31/5, đáp lại thông báo về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga một phần của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen.