Cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người thừa cholesterol

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/10, Bộ Y tế phát động "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa Cholesterol trong cơ thể”. Đây là hoạt động quan trọng, thiết thực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay, thực trạng người Việt Nam thừa cholesterol trong cơ thể đang ở mức đáng báo động và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Trung bình cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người thừa cholesterol trong cơ thể. Hơn 50% phụ nữ trung niên trong độ tuổi 50-65 tuổi đang trong tình trạng thừa cholesterol.
 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại lễ phát động.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, thừa cholesterol gây ra các bệnh lý về tim mạch, là 1 trong các nhóm BKLN. Tại Việt Nam, BKLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Trong năm 2016, có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do BKLN chiếm 77%.
Cứ 10 người chết̀ có 7 người chết do BKLN tập trung ở các bệnh như: Tim mạch đa phần do lượng người mắc cholesterol cao, 10 người có 3 người chỉ số cholesterol cao vượt ngưỡng, hơn 1/2 phụ nữ trong độ tuổi 50-69 có Cholesterol cao, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính.
Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần.
Toàn cầu hoá và đô thị hoá, sự thay đổi môi trường như là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh, như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực và chính những yếu tố nguy cơ này làm phát triển các BKLN trong đó có thừa cholesterol. “Tỷ lệ thừa cholesterol ở Việt Nam cao, chủ yếu xuất phát từ lối sống ít vận động, đặc biệt là thói quen ăn uống và chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và việc nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này còn chưa đúng cách”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh
Xuất phát từ thực trạng này, Bộ Y tế triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Tháng hành động tập trung vào tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng và quản lý các bệnh không lây nhiễm ngay từ y tế cơ sở. Các buổi truyền thông, tư vấn và xét nghiệm miễn phí cho người dân sẽ được tổ chức tại 5 tỉnh/TP, 15 bệnh viện trên cả nước.
Theo các chuyên gia, cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu hàm lượng cholesterol trong máu vượt quá ngưỡng cần thiết sẽ làm lắng đọng các mảng lipid, tích tụ lâu ngày sẽ hình thành các mảng xơ vữa động mạch ở thành mạch máu dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong như các bệnh nói trên.
Đặc biệt, trong hai nguồn sản sinh cholesterol cho cơ thể là nội sinh (do gan tự tổng hợp) và ngoại sinh (đến từ các thực phẩm), thì nguồn ngoại sinh hầu như là nơi khởi phát chính của tình trạng thừa cholesterol.
 Bộ Y tế phát động ''Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể''. 
Trong khuôn khổ của “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể”, Bộ Y tế sẽ triển khai các chương trình hành động với quyết tâm khống chế tốc độ gia tăng và tiến tới làm giảm tỷ lệ người thừa cholesterol ở Việt Nam.
Bộ Y tế ưu tiên việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự nhận thức và điều chỉnh thói quen ăn uống, lối sống để kiểm soát tình trạng thừa cholesterol.
Các biện pháp khuyến nghị để hạn chế tình trạng thừa cholesterol: Hạn chế ăn, uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Bổ sung chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) vào chế độ ăn uống: Nhóm chất béo không bão hòa như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích và các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương... Đặc biệt, dưỡng chất Gamma-Oryzanol&Phytosterol có trong một số loại dầu ăn và gạo lứt đã được khoa học chứng minh có tác dụng trong việc giảm hấp thụ cholesterol xấu từ thực phẩm.
Thực hiện lối sống khoa học, khuyến nghị thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thể chất. Tăng cường các hoạt động thể chất như tập thể dục thường xuyên (đi bộ, đạp xe, bơi lội…). Không hút thuốc, hạn chế rượu bia...