“Cú hích” trong quản lý

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 1/7, đánh dấu một bước chuyển biến mới trong quản lý của chính quyền các cấp tại TP Hà Nội khi mô hình chính quyền đô thị được đưa vào triển khai thí điểm tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Đây là mô hình được đánh giá phù hợp với tính chất của đô thị, tạo đà cho TP Hà Nội tăng tốc phát triển trong tương lai.

Nhìn từ thực tiễn, nhiều ý kiến nhận định, hơn lúc nào hết, Hà Nội đang cần một công cụ mới, thực sự có tính đột phá để thực hiện quyền, trách nhiệm và cả trọng trách của mình. Việc giảm bớt các tầng nấc trung gian và tăng cường phân cấp quản lý hợp lý để các địa phương chủ động tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN. Và với việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) thực sự là cơ hội để Hà Nội giải quyết những bất cập trong công tác quản lý tại đô thị, giúp TP phát triển nhanh, bền vững.
Để tiến đến bước thí điểm triển khai mô hình này, TP Hà Nội đã có sự chuẩn bị bài bản, thận trọng, kỹ lưỡng. Đề án được lấy ý kiến qua nhiều bước, nhiều vòng; được đánh giá trên cơ sở thực tiễn với những phương án cụ thể để có một mô hình phù hợp nhất. Sau đó là những bước chuẩn bị về đội ngũ, cơ chế, chính sách và các văn bản pháp lý đi kèm để có thể vận hành một mô hình mới thông suốt. Không chỉ dừng ở việc không tổ chức HĐND phường, mấu chốt của tổ chức mô hình CQĐT tại TP Hà Nội là tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền; xây dựng chính quyền hoạt động đồng bộ, thông suốt trong quản lý; nâng hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân. Với những nội dung đổi mới trong cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ công chức tại UBND phường, sẽ giải quyết công việc nhanh chóng, linh hoạt hơn. Với quy định mới, quyền tự chủ về tài chính, hoạt động của UBND phường sẽ tăng sự phối kết hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giữa UBND quận, thị xã với UBND phường sẽ chặt chẽ hơn, tạo ra sự đồng bộ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương.

Mô hình này cũng đã tính đến giải pháp thay thế để bảo đảm quyền làm chủ của người dân khi không tổ chức HĐND phường; nâng cao được tính năng động, chủ động của địa phương. Đặc biệt, với việc phân cấp cho địa phương cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo của cấp cơ sở; tăng trách nhiệm, tránh việc đẩy, xin ý kiến khiến mọi việc chậm chạp, không giải quyết thỏa đáng. Từng cấp một có việc của mình, quyền của mình, trách nhiệm của mình trong quản trị công mới để bảo đảm được hai mục đích quan trọng nhất, đó là chính quyền phục vụ người dân đô thị tốt hơn, thông suốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành xã hội của chính quyền thống nhất hơn, tập trung hơn.

Bắt đầu một mô hình mới, những bỡ ngỡ, lúng túng bước đầu có thể sẽ xuất hiện, bởi đòi hỏi cán bộ, công chức phải có khả năng tư duy mới, cách làm việc mới, kỹ năng thực thi công vụ cụ thể với từng nhiệm vụ được phân cấp. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị cẩn trọng từ TP đến các phường; việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giữa UBND phường với đơn vị thuộc quận và TP, chắc chắn những lúng túng sẽ dần được tháo gỡ. Và mô hình quản lý mới sẽ đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của người dân đô thị trước thực tiễn đặt ra. Đồng thời, sẽ thổi làn gió mới, tinh thần mới vào toàn hệ thống chính trị; tạo ra sự thay đổi quản trị công lớn, xác lập lại thể chế vận hành mới của chính quyền các cấp, thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn của TP.