Cúng Tất niên, cúng Giao thừa năm Canh Tý vào giờ nào, cần lưu ý những gì?

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cúng Tất niên và cúng Giao thừa là 2 phong tục tập quán lâu đời của người Việt được tiến hành trong ngày cuối năm âm lịch. Năm nay vận khí là Bích Thượng thổ, các gia đình nên chọn cúng Tất niên vào các thời điểm: 9 - 11h (giờ Thìn); 17 - 19h (giờ Dậu); 21 - 23h (giờ Hợi).

Cúng Tất niên
Theo quan niệm dân gian, cúng Tất niên thường được tiến hành vào chiều/tối ngày 29 hoặc 30 Tết. Đây là dịp để gia đình sum họp. Gia chủ sẽ mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về ăn Tết cùng con cháu.
 Mâm cỗ cúng Tất niên
Bữa cơm cúng Tất niên cũng thể hiện mối quan hệ khăng khít, bền chặt giữa các thế hệ trong gia đình, để tiễn năm cũ qua đi và đón mừng năm mới với tràn đầy sự hy vọng về những điều hanh thông.
Đón năm Canh Tý (2020), theo các chuyên gia phong thủy vận khí là Bích Thượng thổ nên các gia đình nên chọn cúng vào ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp tức ngày 23/2/2020 và 24/2/2020. Về giờ tốt để cúng Tất niên, các gia đình nên chọn cúng vào các thời điểm: 9 - 11h (giờ Thìn); 17 - 19h (giờ Dậu); 21 - 23h (giờ Hợi). Tuy nhiên, việc chọn ngày cúng Tất niên sẽ tùy thuộc vào việc lựa chọn của mỗi gia đình để đảm bảo công việc, sự góp mặt đông đủ của các thành viên.
Về mâm cỗ cúng: Với người miền Bắc, mâm cỗ mặn được chuẩn bị rất bài bản, thường trên mâm có 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… Cũng có nhà chuẩn bị mâm cỗ lớn xếp cao từ 2 đến 3 tầng.
4 bát gồm: bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc. 4 đĩa của mâm cỗ gồm: đĩa giò lụa, đĩa chả quế, đĩa thịt gà, đĩa thịt heo.
Miền Trung thường có: Bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua…
Mâm cơm cúng tất niên của người miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, chả giò, nem, gỏi tôm thịt.
Ngoài ra, lễ cúng còn có mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, trà, rượu. Mâm cỗ cúng thường được đặt ở một cái bàn con bên dưới, còn trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, mâm ngũ quả, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng.

Mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên chọn các loại quả ăn được, bày biện đẹp mắt, không nên dùng quả giả.
Bài văn khấn cụ thể cho lễ tất niên theo văn khấn cổ truyền Việt Nam.
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.
- Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.
- Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.
- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.
- Con kính lạy chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ ...
Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm ...
Tín chủ (chúng) con là: ...
Trú tại...
Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.
Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.
Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thuỳ chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận.
Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.
Nam Mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy).
 
Cúng Giao thừa
Giao thừa là thời khắc được chờ đợi nhất trong năm, đó không chỉ đơn giản chỉ là thời điểm tiễn năm cũ, đón năm mới mà đây còn là lúc mọi người cầu sự bình an, may mắn, thịnh vượng và xua đi những khó khăn, đen đủi trong một năm sắp tới.
Lễ cúng Giao thừa gồm 2 lễ: Cúng trong nhà và cúng ngoài trời. Theo tục lệ dân gian, lễ cúng Giao thừa ngoài trời được tiến hành trước, sau đó mới đến lễ cúng Giao thừa trong nhà.
Lễ cúng ngoài trời là để cúng các quan thần linh. Theo tục lệ cổ truyền, lễ cúng Giao thừa được tổ chức nhằm đón các Thiên binh (12 vị Hành Khiển). Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Hết một năm, vị Hành Khiển của năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành Khiển sẽ cai quản hạ giới trong năm mới. Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị Hành Khiển sẽ luân phiên trở lại.
Mâm cúng ngoài trời sẽ gồm các lễ vật: Gà luộc, xôi (bánh chưng), 1 đĩa hoa quả 5 loại quả, bánh kẹo, ngựa vàng, bộ mũ áo thần linh, vàng tiền, rượu, nước trắng, bia, thuốc lá, trầu cau, nến, cốc gạo để cắm hương, đĩa muối gạo.
Sau khi hoàn thành lễ cúng ngoài trời, gia chủ chuẩn bị lễ vật cúng Giao thừa trong nhà. Đây là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Ngoài các lễ vật như hương hoa, bánh kẹo, mứt tết, vàng mã, các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn.
Mâm cỗ mặn để cúng Giao thừa thường sẽ có những món ăn truyền thống như sau.
Mâm cơm cúng Giao thừa của người miền Bắc thường tính theo bát, đĩa: 4 bát, 4 đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… Bát sẽ gồm các món: móng giò hầm măng lưỡi lợn, bát bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà, bát mọc.
Đĩa gồm các món: xôi/bánh chưng, đĩa thịt gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, thêm đĩa nộm và đĩa dưa hành muối. Thịt gà dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến được làm sẵn từ chiều 30 hoặc gà cúng tất niên.
Trong khi đó ở miền Trung, mâm cỗ cúng có cả bánh chưng, bánh tét và có nhiều món ăn được chế biến gồm đủ các thành phần để có bữa cỗ “hào soạn” gồm: đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, giá chua, bát ninh măng khô, bát miến Huế, đĩa cá chiên, hay đĩa ram…
Ở miền Nam, mâm cỗ cúng thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Cỗ có bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm; canh măng nấu (dùng măng tươi thay cho măng khô), thêm bát canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa); đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu.
Bài cúng Giao thừa ngoài trời
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
Kính lạy:
- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.
- Con kính lạy Đức Bồ tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.
- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.
- Con kính lạy ngài cựu niên Hành khiển, cựu Hành binh chi thần, cựu Phán quan.
- Con kính lạy ngài đương niên Hành khiển, đương niên Hành binh chi thần, đương niên Phán quan.
- Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.
Nay là phút giao thừa năm Kỷ Hợi với năm Canh Tý.
Chúng con là: …, sinh năm: …, hành canh: … tuổi, cư ngụ tại số nhà: ..., ấp/khu phố: .., xã/phường …, quận/huyện/ thành phố …, tỉnh/thành phố …
Nhân phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khang thái, vạn tượng canh tân.
Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng đế, giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.
Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật, Thánh, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cai Thái tuế, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Hỷ thần, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, chư vị bản gia Táo quân, và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ, minh niên kháng thái, vạn sự tốt lành, bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn trời, Phật, chư vị tôn thần.
Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư Phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)
Bài cúng Giao thừa trong nhà:
- Nam mô A-di-đà Phật (3 lần).
- Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.
- Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.
- Nam mô Đức Bồ tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh.
- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.
- Các cụ tổ tiên nội ngoại chư vị tiên linh.
Nay phút giao thừa năm Kỷ Hợi với năm Canh Tý.
Chúng con là : …sinh năm: …, hành canh: … tuổi, ngụ tại số nhà …, ấp/khu phố …, xã/phường ..., quận/huyện/thành phố …, tỉnh/thành phố …
Phút giao thừa vừa điểm, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, tín chủ chúng con thành tâm tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật- Thánh, dâng hiến Tôn thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời: Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Hỷ thần, Phúc đức chính thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài thần, các ngài bản gia Táo phủ thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.
Con lại kính mời các cụ tiên linh, cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, bá thúc đệ huynh, cô dì tỷ muội, nội ngoại gia tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự cát tường, bốn mùa được bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng.
Tâm thành cầu nguyện, lễ bạc tiến dâng, cúi xin chứng giám.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần