Cuối 2020, tối thiểu 80% người dân Hà Nội có hồ sơ sức khỏe điện tử

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký quyết định phê duyệt.

Hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.
 Ảnh minh họa
Bộ Y tế nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân, có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần hiện đại hóa ngành y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Trong đó, đối với người dân, hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.
Kế hoạch của Bộ Y tế hướng tới mục tiêu chung là triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia.
Một mục tiêu cụ thể Bộ Y tế đặt ra trong kế hoạch mới phê duyệt là đến năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia.
Đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, trong kế hoạch, Bộ Y tế đã xác định rõ 5 nhóm hoạt động sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới, bao gồm: xây dựng, hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai, xây dựng hệ thống mã định danh y tế cho người dân; quản lý thông tin, dữ liệu; triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; và xây dựng tài liệu chuyên môn, các văn bản hướng dẫn.
Trong đó, việc triển khai hệ thống hồ sức khỏe điện tử cho người dân sẽ được ngành y tế thực hiện ngay từ năm nay cho đến 2025. Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tổ chức triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn, bảo đảm đến cuối năm 2020 có ít nhất 80% người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử.