Cựu Đại sứ Ted Osius: Chuyến thăm của Phó Tổng thống sẽ “tăng tốc” cho quan hệ Việt - Mỹ

Tú Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Phó Tổng thống Kamala Harris có thể sẽ minh chứng cho quan điểm nước Mỹ đã trở lại - không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà còn trong lĩnh vực thương mại".

 Cựu Đại sứ Ted Osius.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành ngoại giao, ông Ted Osius đã đảm nhiệm vai trò Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ 2014 - 2017, tùy viên chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh từ 1996 - 1998. Trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam ông đã xây dựng và thực hiện những chiến lược làm sâu sắc hơn các mối quan hệ an ninh Việt - Mỹ, ký nhiều thỏa thuận thương mại trị giá hàng chục tỷ USD, mở rộng trao đổi văn hóa, xử lý các vấn đề quá khứ giữa hai nước.
Cựu Đại sứ Mỹ đã chia sẻ với Kinh tế & Đô thị nhiều câu chuyện đáng nhớ trong thời gian công tác ở Việt Nam cũng như những kỳ vọng về quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới, trước thềm chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trong một giai đoạn có nhiều dấu mốc quan trọng đối với quan hệ hai nước, thành tựu nào ông cho là lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình?
Thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ đại sứ của tôi có lẽ là thúc đẩy thành công chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và gặp gỡ Tổng thống Barrack Obama vào tháng 7/2015. Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tại Phòng Bầu dục đã tạo nên dấu ấn lịch sử. Tổng thống và Tổng Bí thư đã đi đến một tuyên bố chung sau hội nghị, bao gồm cam kết tôn trọng hệ thống chính trị, đồng thời tiếp tục đối thoại song phương, vấn đề tẩy độc dioxin, nhân quyền, trao đổi giáo dục và hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP.
Có một chi tiết tôi vẫn lưu trong ký ức của mình. Đó là trong một bữa tiệc cấp nhà nước nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Joe Biden lúc bấy giờ đã nói: “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Ông Biden đã trích Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, sau ví dụ từ bài phát biểu của Tổng thống Clinton tại Hà Nội năm 2000.
Sau đó trong chuyến thăm Hà Nội, Tiến sĩ Jill Biden - lúc đó là Phu nhân Phó Tổng thống Mỹ đã gặp gỡ Phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - bà Mai Thị Hạnh tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Bà Mai Thị Hạnh tiếp đón Phu nhân Jill Biden cùng chiếc nón lá truyền thống bên trong có những lời trích mà Phó Tổng thống Biden đã nói tại chuyến thăm năm đó.
Có thể nói trong hai năm sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, quan hệ hợp tác song phương giữa Mỹ và Việt Nam đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ an ninh, giáo dục, khoa học đến công nghệ, y tế và môi trường.
Ông cũng đã chứng kiến cũng như đóng vai trò kết nối trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barrack Obama tới Việt Nam trong năm 2016, có thể chia sẻ những ký ức nổi bật của ông về sự kiện ấy?
Trong chuyến thăm của Tổng thống Obama năm ấy tại TP Hồ Chí Minh, hàng triệu người đã đổ ra đường để chào đón và dõi theo đoàn xe của ông. “Trong bảy năm rưỡi công du,” tổng thống nói, “ngoại trừ Tanzania, tôi chưa bao giờ nhận được sự chào đón nồng nhiệt hơn”.
Điểm dừng chân tại TP Hồ Chí Minh của Tổng thống Obama cho thấy một Việt Nam trẻ trung, năng động và thân thiện. Ông còn lật lại trật tự thường thấy khi đặt ngược câu hỏi cho các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử trong một hội nghị tại đây. Ở châu Á, việc lãnh đạo các nước đặt câu hỏi cho các doanh nhân trẻ gần như là không tưởng.
Tổng thống Obama cũng dành thời gian trả lời các câu hỏi tại buổi gặp gỡ với 600 thanh niên Việt Nam, thành viên của Sáng kiến ​​Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á. Tại đây, một cô gái trẻ cỡ 20 tuổi - Suboi, tự giới thiệu mình là một rapper. Không bỏ lỡ một nhịp nào, ông Obama nói: “Tại sao bạn không rap một đoạn nhỏ? Để xem bạn có gì." Ông thậm chí còn khuyến khích nữ rapper bằng việc tạo ra một vài đoạn beat.
Suboi cười và bắt đầu rap một bài hát vui nhộn, đại ý về “những người có nhiều tiền, có nhà to, nhưng họ có thực sự hạnh phúc?”. Bài hát của rapper Suboi nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, phần nào thể hiện ý nghĩa của chuyến thăm. Khán giả Việt ở hải ngoại cứ ngỡ họ sẽ thấy những người mặc quân phục xanh lá rộng thùng thình. Nhưng thay vào đó, họ lại thấy một nữ rapper trẻ tuổi sành điệu.
Đó là thời khắc cho thấy một Việt Nam của thời đại mới.
 Đại sứ Ted Osius đi thăm chợ hoa Tết Hà Nội năm 2017. Ảnh: Văn Trọng
Với những kinh nghiệm của mình, ông nhận định thế nào về vai trò chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam lần này đối với quan hệ Việt - Mỹ?
Phó Tổng thống Harris có thể sẽ minh chứng cho quan điểm nước Mỹ đã trở lại - không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà còn trong lĩnh vực thương mại. Thương mại là điểm khởi đầu tự nhiên để tái gắn kết Ấn Độ - Thái Bình Dương. Với dân số 662 triệu người và GDP tương đương 3,2 nghìn tỷ USD, các quốc gia ASEAN có vai trò cực kỳ quan trọng đối với Mỹ, đặc biệt là trong tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Khu vực tư nhân của Mỹ đã đầu tư hơn 338 tỷ USD vào ASEAN vào năm 2020, nhiều hơn cả vào Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Trong cùng năm, Mỹ đã xuất khẩu số hàng hóa và dịch vụ ước tính hơn 122 tỷ USD sang ASEAN - lớn thứ 4 chỉ sau Canada, Mexico và Trung Quốc.
ASEAN, và đặc biệt Việt Nam, là trung tâm của mạng lưới các hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - Thái Bình Dương, các hiệp định thương mại tự do FTA với các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.
Ngành công nghệ của Mỹ đã phát hiện rằng, ASEAN là thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới, với nền kinh tế kỹ thuật số được dự báo sẽ vượt 300 tỷ USD vào năm 2025. Điều đáng chú ý là, chỉ trong sáu tháng, Singapore đã ký kết Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) với Chile và New Zealand.  
Mỹ có thể nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận ngành như DEPA và có sẵn các khuôn mẫu để tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán như vậy, bao gồm thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada, thỏa thuận thương mại kỹ thuật số Mỹ - Nhật. Tôi kỳ vọng Phó Tổng thống Harris trong chuyến thăm lần này sẽ hé lộ các kế hoạch của Mỹ về một chương trình nghị sự thương mại mang tính hồi sinh, chủ động và tích cực với Việt Nam cũng như ASEAN.
Khi trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu dần xoay trục sang khu vực châu Á, các liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực ngày càng trở nên quan trọng đối với Mỹ. Trong số đó có Việt Nam, vốn nhiều lần thể hiện thiện chí hợp tác với Mỹ, đặc biệt trong giải quyết các thách thức chung, bao gồm biến đổi khí hậu, dịch bệnh, công nghệ đột phá và các thách thức kinh tế -tài chính. Trong chuyến công du lần này, Phó Tổng thống Harris có thể bày tỏ sự tôn trọng đối với Việt Nam, đồng thời mở ra con đường tăng cường hợp tác trong các vấn đề thách thức chung.
Tựu chung lại, chuyến thăm có thể đẩy nhanh những thành tựu mà Việt Nam và Mỹ đã đạt được trong việc xây dựng một mối quan hệ hướng đến bạn bè và đối tác thân thiết, đồng thời Phó Tổng thống có thể chỉ ra con đường làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước và tiếp nối quá trình hòa giải sau chiến tranh từ lâu nay.
Theo ông, điểm đến Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt nào với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris?
Đến thăm Việt Nam lần này, bà Kamala Harris - nữ phó Tổng thống đầu tiên của Mỹ có thể thấy nguồn cảm hứng từ những người phụ nữ quả cảm trong lịch sử Việt Nam, như Bà Trưng, Bà Triệu.
Theo tôi được biết, vào khoảng thế kỷ thứ 3, Bà Triệu được biết đến là nhà nữ quyền đầu tiên của Việt Nam. Bà đã xây dựng một đội quân, đánh hơn 30 khi chưa đầy 21 tuổi. Bà cũng từng tuyên bố: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người".
Nhiều người ngạc nhiên trước việc Phó Tổng thống Harris là một phụ nữ da màu và gốc Á – nhưng chính điều đó thể hiện tinh thần Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta. Lấy cảm hứng từ những lời của Thomas Jefferson, vào đầu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhờ những người bạn trong OSS (tiền thân của CIA) chia sẻ bản sao Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, và trích từ đó lời tuyên bố bất hủ khi phát biểu ở Quảng trường Ba Đình lịch sử: "Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng: Tạo hóa ban cho họ những quyền không thể xâm phạm, đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc!".
Chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ diễn ra vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ nhằm đẩy lùi và phục hồi sau đại dịch sẽ được thúc đẩy như thế nào trong chuyến thăm này cũng như tương lai?
Cho đến nay, chính quyền Biden - Harris đã cung cấp hàng triệu liều vaccine cho Việt Nam. Cùng với các cựu đại sứ, tôi đã viết thư và kêu gọi Tổng thống cung cấp vaccine cho Việt Nam. Tôi hy vọng sự hợp tác nhằm đẩy lùi đại dịch Covid-19 này sẽ tiếp diễn.
Hợp tác về y tế công cộng giữa Mỹ và Việt Nam đã có lịch sử lâu dài. Từ đầu những năm 2000, chúng ta đã cùng nhau hợp tác chống lại SARS và HIV/AIDS. Nhiều nhà dịch tễ học Việt Nam được đào tạo tại Mỹ. Các trung tâm điều hành cấp cứu lớn ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam của Việt Nam đã hợp tác chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ. Hệ thống y tế công cộng của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, với những phản ứng ban đầu kịp thời và hiệu quả trong top đầu thế giới đối với Covid-19.
Tôi tin tưởng Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó khẩn cấp Covid-19 và khắc phục hậu quả đại dịch. Chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác đó hơn nữa.
 Cuốn sách ''Không gì là không thể: Sự hòa giải của Mỹ với Việt Nam'' của Đại sứ Ted Osius được xuất bản bằng tiếng Anh vào tháng 10/2021 và bằng tiếng Việt năm 2020.  

Ông Ted Osius là Đại sứ Mỹ đồng tính đầu tiên của Mỹ ở Đông Á, là nhà ngoại giao chuyên nghiệp đồng tính thứ hai của Mỹ đạt tới phẩm hàm này. Khi còn là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius không chỉ ghi dấu ấn trong thúc đẩy các quan hệ chính trị hay kinh tế giữa hai nước, ông còn là người thúc đẩy các giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Ông cùng gia đình đi thăm Văn Miếu hay viết thư pháp, thả cá chép ở Hồ Tây. Ông đi nhặt rác ở Công viên Thống nhất hưởng ứng ngày Trái Đất hay đến thăm các trẻ em bị nhiễm chất da cam/dioxin. Việt Nam cũng là nơi ông làm đám cưới với bạn trai Clayton Alan Bond.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam, ông trở thành cố vấn cấp cao của tập đoàn Albright Stonebridge. Từ tháng 2/2019 tới nay, ông trở thành Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Google, trụ sở tại Singapore. Ông là Đại sứ Mỹ đầu tiên được tặng Huy chương Hữu nghị của Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam.

Ông còn là tác giả cuốn sách có tựa đề “Không gì là không thể: Sự hòa giải của Mỹ với Việt Nam”, dự kiến được Nhà xuất bản Rutgers University xuất bản bằng tiếng Anh tháng 10/2021. Cuốn sách sẽ được xuất bản bằng tiếng Việt năm 2022. Để biết thêm một số thông tin về cuốn sách, có thể truy cập website: www.tedosius.com và đăng ký email.