[Cứu di tích Hà Nội khỏi xuống cấp] Bài 3: Sốt sắng làm hỏng di tích

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng di tích bị “biến dạng”, “trẻ hóa” sau trùng tu, tôn tạo đang ngày càng trở lên phổ biến tại nhiều địa phương của Hà Nội. Có thể kể ra hàng loạt vụ việc phá hỏng di tích như: Chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), đình Quang Húc (huyện Ba Vì), chùa Đậu (Thường Tín)…

Sau khi sự việc xảy ra, những người thực hiện công tác tu bổ biện minh rằng nếu không sửa di tích sẽ sập đổ. Nhưng sửa theo kiểu xóa sổ, làm mới di tích lại để lại hậu quả nặng nề hơn với di sản.

Tự ý tu sửa, xây mới công trình

Câu chuyện về việc biến di tích 300 tuổi thành 1 tuổi nhờ việc đổi chất liệu di sản khi tu bổ ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, vẫn còn hiện hữu. Đình Lương Xá được xây dựng từ thế kỷ XVII với những mảng chạm gỗ đẹp mắt, mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ vừa được phá đi để xây vào đó một công trình kiến trúc bê tông. Đình Lương Xá bao gồm các hạng mục nghi môn, đại bái, hậu cung cùng sân tường bao quanh. Thế nhưng, chỉ trong “nháy mắt”, ngôi đình bị hạ giải, xây mới bằng bê tông.
Những công trình tháp bảo quan âm, tháp mạn đà la, thủy đình di lặc... được cấy thêm tại di tích quốc gia chùa Đậu. Ảnh: Hoàng Lan
Thời điểm xảy ra vụ việc năm 2018, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị lý do tu bổ đình Lương Xá, ông Phạm Tự Khải - Trưởng thôn Lương Xá cho biết: “Năm 2001, đình Lương Xá xuống cấp nên Nhân dân trong thôn tu sửa và thay thế một số cấu kiện hoành, rui bằng gỗ bạch đàn. Đến năm 2017, đình tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng, Nhân dân trong thôn nhận thấy nếu không tu sửa có thể gây sập, nên đã tổ chức họp dân thống nhất, nếu số gỗ còn tốt trên 70% sẽ xây dựng bằng gỗ, còn không sẽ xây bằng bê tông”.
Và cũng theo ông Khải, vì thấy tình trạng xuống cấp của di tích, người dân trong thôn sốt ruột nên thống nhất tu bổ, phá đình gỗ, xây dựng mới bằng bê tông. Vấn đề là tại sao một di tích dù chưa xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê bảo vệ của di sản Hà Nội lại có thể tu bổ một cách tùy tiện như vậy. Qua tìm hiểu thì đình Lương Xá được thực hiện do dân tự ý, không xin phép bất cứ cơ quan chức năng nào.
Ngay sau đó, Hà Nội có tổ chức cuộc kiểm tra, hội thảo xin ý kiến và tìm cách tháo gỡ. Nhưng rồi chẳng thể cứu chữa. Hiện nay, mỗi lần người dân xuôi theo Quốc lộ 21B qua địa phận xã Liên Bạt vẫn thấy hình ảnh sừng sững một ngôi đình bê tông được bao quanh bởi hồ nước và kiến trúc không gian của đình làng ngày xưa.

Trong hệ thống di tích Hà Nội, không chỉ đình Lương Xá là di tích duy nhất bị tự ý tu sửa, xây mới công trình. Mà trong khung cảnh cổ kính của gác chuông, của chùa Thiên Trù ở chùa Hương từng được cấy thêm một công trình mang tên Hương nghiêm pháp đường. Du khách ví Hương nghiêm pháp đường như nhà khách 5 sao của chùa. Vì qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Hương nghiêm pháp đường được sử dụng như một công trình phụ trợ, một số phòng được dùng làm nơi ở, còn lại dùng để làm phòng họp và phòng ăn của người phục vụ trong chùa mùa lễ hội.

Hương nghiêm pháp đường là công trình mới gồm ba tầng, phần mái mô phỏng theo các kiến trúc cổ trong khu vực. Điều nhiều người chú ý là một số họa tiết trang trí tại công trình này. Điển hình như đường ống thoát nước mưa, được cách điệu theo hình đầu rồng. Theo GS Trần Lâm Biền - chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian: “Đây là một trang trí lai căng, không theo nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt Nam”. Điều lạ kỳ là công trình tồn tại suốt 4 năm nhưng Sở VH&TT đã không hề biết đến nó.
Chính quyền địa phương cũng không báo cáo về sự sai phạm này. Sau khi báo chí vào cuộc, việc xây dựng công trình Hương nghiêm pháp đường đã được các cơ quan chuyên ngành đem ra mổ xẻ nhưng đến bây giờ, đã gần 10 năm, Hương nghiêm pháp đường vẫn đứng sừng sững và không thể hoàn trả nguyên trạng.

Còn rất nhiều vụ việc khác như “cấy” công trình mới ở chùa Trăm Gian, sơn thếp ở di tích quốc gia đền Gióng… Điều đáng nói hơn, nhiều công trình sau khi phát hiện sai phạm đã rơi vào tình trạng không thể vãn hồi.

Tu bổ làm sai lệch giá trị gốc

Mở đầu năm 2021, nỗi buồn của di sản lại được gióng lên bằng sự việc trẻ hóa di tích có tuổi đời hơn 2.000 - di tích quốc gia chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội). Di tích quốc gia chùa Đậu được xây dựng vào thế kỷ thứ III sau công nguyên được phong tặng là “Đệ nhất đại danh lam”, hiện còn lưu giữ dáng dấp nghệ thuật kiến trúc hưng thịnh thời Lê (thế kỷ XVII). Chùa Đậu là một trong 4 ngôi chùa thờ tứ pháp (mây, mưa, sấm, chớp) lớn nhất miền Bắc, sở hữu hai pho tượng toàn thân hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường, nổi danh trong và ngoài nước. Nhưng với những công trình tu bổ và xây mới cạnh di tích cổ đó là tu bổ góp phần đổi màu sơn cho Tam quan, “cấy” thêm các công trình như tháp bảo quan âm, tháp mạn đà la, thủy đình di lặc… đã biến ngôi chùa hơn 2.000 tuổi bị trẻ hóa, mất đi nét thâm trầm vốn có. Nguyên nhân cũng là vì nhà chùa muốn làm cho di tích khang trang hơn trước.

Sự việc tu bổ sai với nguyên gốc được báo chí lên tiếng phát hiện tháng 4/2021, cơ quan chuyên ngành của Sở VH&TT, Bộ VHTT&DL đã về kiểm tra đưa ra những kết luận đúng sai. Tuy nhiên, giải pháp khắc phục như thế nào vẫn còn là bị bỏ ngỏ. Dư luận lại đặt ra câu hỏi, phải chăng chùa Đậu sẽ lại giống bao công trình tu bổ khác, làm sai rồi không thể sửa? Nói như vậy, Hà Nội vốn được coi là thành phố có bề dày nghìn năm qua hệ thống di sản liệu có còn khi mỗi lần tu bổ là di sản lại được đổi tuổi?

Tình trạng tu bổ sai, tu bổ không đúng không chỉ nằm ở các di tích địa phương, một thành viên Hội đồng di sản lấy ví dụ về việc sơn mới di tích quốc gia Nhà hát Lớn Hà Nội hồi năm 2015. Theo đó, Giám đốc nhà hát đã cho sơn mà không tham khảo hồ sơ về di tích này. Chính vì thế, nhà hát mới xây có màu vàng chóe không liên quan đến di tích gốc. Thanh tra Bộ VHTT&DL khi đó cũng cho biết, ngay cả khi sửa chữa định kỳ vẫn phải xin phép. Trước những sự việc trên có thể khẳng định người dân cũng như các cơ quan quản lý không phải vô tình làm sai lệch, phá hỏng di sản mà rõ ràng là do ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản còn kém.

Lỗi tại đâu?

Người ta vẫn thường nói, giá trị của một di tích nằm ở niên đại của nó. Thế nhưng, một di tích có niên đại càng cao, đồng nghĩa việc di tích đó đứng trước nguy cơ xuống cấp càng cao. Nghiêm trọng hơn chính là, di tích đã xuống cấp, “kêu cứu” nhưng chưa được đáp lại. GS Lưu Trần Tiêu - nguyên Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam từng chia sẻ: “Nhiều năm qua, các di sản, các công trình văn hóa đang “kêu cứu” vì xuống cấp khiến nhiều người xót xa. Thực tế là những di tích cấp xã, quận, huyện không có kinh phí sửa chữa, hoặc chỉ sửa chữa được một phần nên sinh ra chuyện chắp vá, làm mới và phá hỏng di tích. Không ít di tích bị lấn chiếm, bị thu hẹp không gian.
Để tôn tạo những di sản này, cần có những đánh giá khách quan, đầy đủ để các công trình văn hóa giữ được nét cổ kính, hoài niệm như ban đầu, không bị làm sai lệch các chi tiết quý, mang ý nghĩa lịch sử”. Bài toán đặt ra là, làm thế nào để vừa giữ được giá trị cổ xưa của di tích, nhưng lại giúp di tích đó vẫn phát huy giá trị theo thời gian. Lời giải vẫn thuộc về các chuyên gia, cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền địa phương, tùy theo khảo sát, nghiên cứu và trách nhiệm của mình, đề xuất được những giải pháp thiết thực, hiệu quả... qua đó có tiếng nói chung đưa ra các biện pháp hiệu quả để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích cổ...

Ngoài ra, một thực trạng nữa từng được GS Trần Lâm Biền thẳng thắn chỉ ra: "Những người tu bổ di tích không hiểu di tích mà họ chỉ làm theo kiểu sửa nhà, nhận thức về di tích rất kém. Có những người tự nhận mình giỏi về tu bổ nhưng cũng chỉ là tu bổ liều, làm theo cảm tính... Tôi cho là họ thiếu trách nhiệm, sự yêu quý với di tích kém cũng như ứng xử với di tích thiếu trí tuệ. Sự thẳng thắn đó có thể làm mất lòng một số người đang hoạt động trong lĩnh vực này, tuy nhiên không thể không nhắc lại”.

Muốn việc tu bổ không làm phá hỏng yếu tố gốc của di tích, theo KTS Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, khi tu bổ di tích cần tuân thủ theo các quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và các văn bản quy định khác; đồng thời bảo đảm các nguyên tắc như: Bảo tồn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm hoặc thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu tại Hội nghị về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Do đó, để việc trùng tu di tích thực sự đạt được hiệu quả lâu dài, bền vững, thiết nghĩ cần có nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Và đặc biệt càng không thể sốt sắng để xóa sổ di tích và cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình tu bổ, tạo dựng không gian như quy định của Luật Di sản. Có như vậy thì di sản của cha ông mới được gìn giữ bảo tồn cho thế hệ mai sau.

(Còn nữa)

"Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quá trình tu bổ vẫn chưa được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn dễ dãi trong việc tiếp nhận công đức, nhất là tiếp nhận công đức bằng hiện vật, dẫn đến di tích ngày càng có những hiện vật mới không phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và cảnh quan, không gian di tích. Ðể khắc phục tình trạng này, TP Hà Nội quan tâm hơn việc giám sát quản lý di tích sau khi đã phân cấp; nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở cũng như nâng cao nhận thức của Nhân dân về Luật Di sản văn hóa; quan tâm đến chế độ trợ cấp cho người trông coi di tích... Hà Nội là nơi có nhiều di tích nhất cả nước, vì thế, cần có biện pháp gắn kết di sản văn hóa với du lịch, di sản phải là điểm đến của du lịch." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Viết Chức


"Bản thân người trực tiếp giữ di sản cũng không hiểu hết giá trị của nó. Vì thế, họ phá nó một cách rất hồn nhiên. Chẳng hạn, tôi từng chứng kiến người dân bắn đinh vít, rào di tích quốc gia đình Chu Quyến (Hà Nội) bằng rào lưới B40 làm... kho chứa đồ phục vụ tu bổ ngôi đền bên cạnh. Việc sơn thếp ở đền Gióng (Gia Lâm), hay vụ cấy mới công trình, tu bổ sai nguyên gốc ở chùa Đậu (Thường Tín) cũng là một trường hợp như vậy." - PGS.TS Trang Thanh Hiền, Đại học Mỹ thuật Hà Nội


"Tình trạng di sản bị cơi nới, tu bổ, xây mới... làm mất đi yếu tố gốc của di sản, vi phạm Luật Di sản văn hóa là có thật. Theo tôi, mấu chốt của vấn đề là cán bộ quản lý. Đầu tiên, cán bộ được phân công nhiệm vụ trực tiếp quản lý di sản “có vấn đề” như buông lỏng quản lý, trình độ nghiệp vụ yếu kém. Cũng không loại trừ trường hợp cán bộ quản lý thông đồng, tiếp tay hoặc trực tiếp làm hỏng di sản. Và đau đớn nhất đó là cán bộ quản lý di sản không có tình yêu với di sản. Khảo sát tại các địa phương, chúng tôi thấy rất rõ, ở đâu cán bộ tốt thì ở đó di sản được giữ gìn tốt và ngược lại. Cán bộ nào thì bảo tồn di tích nấy." - Nguyễn Đức Bình - thành viên nhóm Đình Làng Việt (Lan Ngọc ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần