Cứu doanh nghiệp tức cứu ngân hàng

TS. Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 01 của Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại đã và đang triển khai nhiều kịch bản hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, gói tín dụng 250.000 tỷ đồng do một số ngân hàng cam kết được coi là động thái tích cực, kịp thời.

Chia sẻ khó khăn với khách hàng
Điều cần lưu ý là 250.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng sẽ được cấp mới mà thực chất là gói dư nợ tín dụng được các ngân hàng cam kết hỗ trợ thông qua cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn giảm lãi (0,5 - 1,5%) và không chuyển nhóm nợ xấu hơn. Đương nhiên, trong đó có một phần dư nợ từ cấp tín dụng mới bổ sung vốn lưu động cho DN nhưng chắc chắn không nhiều.
Đây cũng không phải là gói tín dụng của Chính phủ kích thích kinh tế để chống đỡ suy thoái đang đón chờ phía trước do hậu quả của dịch Covid-19. Cho nên, nó không gây tác dụng phụ đến kinh tế vĩ mô xét góc độ tăng cung tiền. Thực chất cần coi đây là gói giải pháp của các ngân hàng nhằm hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với DN và người dân đang chống chọi với dịch Covid-19.
Quang cảnh giao dịch tại Eximbank Phú Mỹ Hưng sáng 24/3 lúc hơn 10h. Ảnh: Phan Văn Thường
Con số 250.000 tỷ đồng quả rất lớn nhưng nếu tính tỷ lệ trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tại thời điểm thì giá trị gói tín dụng chỉ chiếm khoảng 3%. Đây là con số rất nhỏ so với yêu cầu thực tế. Khó lường được thời điểm dịch Covid-19 dừng nên chưa thể tính toán thực tế này là bao nhiêu nhưng chắc chắn lớn hơn nhiều lần mới có thể cứu được DN.
Cứu doanh nghiệp tức cứu ngân hàng
Các chi nhánh ngân hàng đóng trên địa bàn Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP Hồ Chí Minh luôn được đánh giá là những chi nhánh có số lượng khách hàng tới giao dịch hàng ngày nhiều. Từ sau Tết Nguyên đán do tác động của dịch Covid-19, số lượng khách hàng tại các chi nhánh ngân hàng này giảm dần theo bối cảnh chung của toàn ngành.
Tuy nhiên, khung cảnh giao dịch của đa số chi nhánh ngân hàng hiện tại trên địa bàn hết sức đìu hiu. Sáng 24/3, tại chi nhánh Eximbank Phú Mỹ Hưng đến hơn 10 giờ mà cả 2 phòng (giao dịch khách hàng và tín dụng DN) chỉ có vài khách hàng lèo tèo tới giao dịch. Do khách hàng ít nên một số nhân viên được nghỉ luân phiên theo chủ trương từ Ban lãnh đạo Eximbank càng làm cho quang cảnh giao dịch vắng vẻ thêm.
Trao đổi với một lãnh đạo chi nhánh tại đây được biết, mấy ngày trước số khách hàng có khá hơn nhưng cứ thưa dần. Vị này cũng nói: “Chi nhánh của các ngân hàng khác cũng vậy thôi, ở Phú Mỹ Hưng nơi kinh tế sầm uất còn khá đấy, địa bàn khác chắc tệ hơn”.
Do khối lượng giao dịch giảm đáng kể nên bắt đầu từ tuần này nhiều ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh (kể cả cổ phần tư nhân và cổ phần nhà nước) đã cho nhân viên nghỉ việc luân phiên hàng tuần, trước mắt chủ trương thực hiện từ nay đến hết tháng 4/2020. Điểm khác biệt trong xử lý cho nhân viên nghỉ việc của ngân hàng so với DN là người lao động chỉ bị cắt tiền ăn ca và được hưởng nguyên lương.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng trên địa bàn quận 7, TP Hồ Chí Minh thì cơ chế tiền lương nghỉ việc của nhân viên tùy thuộc thời gian ngân hàng chịu tác động bởi dịch Covid -19. Chuyện này còn tùy thuộc khả năng chịu đựng tài chính của mỗi ngân hàng thương mại, không ngoại trừ tính đến trợ cấp thất nghiệp - vị này nhận định.
Thực tế nói trên cho thấy giờ đây mỗi ngân hàng phải triển khai tích cực đồng thời hai kịch bản là hỗ trợ để cứu DN và hỗ trợ bảo vệ người lao động. Dĩ nhiên, hỗ trợ cứu DN tức từng ngân hàng đã tự cứu mình. Bởi DN là nhóm khách hàng đóng vai trò quyết định quy mô thu nhập của họ. Để DN “chết” thì ngân hàng cũng “chết” theo thôi, cho nên phải cứu bằng được DN.
Nhưng cứu DN bằng cách nào đây? Trao đổi với một vị lãnh đạo chi nhánh ngân hàng cổ phần tư nhân, vị này nói: “Đáng hoan nghênh nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước và ngân hàng có tiềm lực dẫn dắt gói tín dụng 250.000 tỷ đồng nhưng đó mới là bước đầu chưa là gì để cứu DN lúc này”. Đúng vậy, như nói ở trên, gói tín dụng hỗ trợ DN chỉ chiếm 3% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, hơn nữa chỉ khoanh vùng hỗ trợ một số khách hàng DN của nhóm ngân hàng tài trợ.
Ẩn số có tính quyết định lời giải
Cam kết các gói tín dụng hỗ trợ DN đang gồng mình vượt qua nạn dịch Covid-19 lúc này là hết sức cần thiết và kịp thời, cần trân trọng các ngân hàng tham gia. Nhưng bản chất của nó mới dừng lại ở mức chia sẻ khó khăn, một số ngân hàng thương mại có tiềm lực tài chính chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN.
Trong chuyện này có lợi đôi đường, cả DN và ngân hàng. Gói tín dụng thông qua cơ cấu thời hạn nợ (gia hạn nợ), không chuyển nhóm nợ xấu hơn, một mặt giúp DN khắc phục khó khăn dòng tiền và duy trì quan hệ tín dụng, nhưng mặt khác giúp ngân hàng duy trì báo cáo tài chính lành mạnh.
Có thể nói, các giải pháp thực hiện giải ngân 250.000 tỷ đồng mà nhóm ngân hàng cam kết đang triển khai là đúng hướng trước mắt. Tuy nhiên, trong nhiều ẩn số của bài toán cứu DN lúc này thì cắt giảm lãi suất ở mức độ đủ sâu là ẩn số có tính mở đường. Không chỉ một số ngân hàng mà đòi hỏi tất cả các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất cho vay. Đương nhiên, phần lớn các ngân hàng cổ phần tư nhân hiện rất khó giảm lãi suất cho vay do lãi suất huy động vốn bình quân ngáng cửa.
Để cắt giảm lãi suất cho vay từng ngân hàng phải giảm lãi suất tiền gửi và tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ từ tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước. Thị trường chứng khoán đang bị bán tháo chạy, thị trường bất động sản đang có nguy cơ đóng băng. Cơ hội hồi phục của hai thị trường này hậu dịch Covid-19 sẽ có độ trễ hàng năm, nhanh nhất cũng sang năm 2021. Hiện phần lớn tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và dân cư đang hướng đổ vào các ngân hàng có lãi suất cao.
Đây là cơ hội để Ngân hàng nhà nước cắt giảm lãi suất tiền gửi, lãi suất điều hành ở mức cần thiết để cứu DN vượt qua hoạn dịch Covid-19. Trong đó, các ngân hàng cổ phần tư nhân yếu thế trong huy động vốn đòi hỏi Ngân hàng nhà nước thực thi chính sách cởi mở hơn để họ có cơ hội tiếp cận nguồn tái cấp vốn.

Có thể nói, các giải pháp thực hiện giải ngân 250.000 tỷ đồng mà nhóm ngân hàng cam kết đang triển khai là đúng hướng trước mắt. Tuy nhiên, trong nhiều ẩn số của bài toán cứu DN lúc này thì cắt giảm lãi suất ở mức độ đủ sâu là ẩn số có tính mở đường. Không chỉ một số ngân hàng mà đòi hỏi tất cả các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất cho vay. Đương nhiên, phần lớn các ngân hàng cổ phần tư nhân hiện rất khó giảm lãi suất cho vay do lãi suất huy động vốn bình quân ngáng cửa.