Cứu sống một bệnh nhi nguy kịch nhờ thở máy

Mai Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh viện Nhi T.Ư vừa cứu sống bé Nguyễn Quốc A. (3 tháng tuổi, Hà Nội) mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính (ADRS) nguy kịch, nguy cơ tử vong lên đến 80%.

Bệnh nhi nhập viện 12 giờ đêm ngày 4/6. Theo lời kể của gia đình, trước khi vào viện 4 ngày cháu có ho khò khè, chảy nước mũi. Gia đình cho con uống thuốc ho nhưng không hiệu quả. Khi con sốt cao 39oC gia đình mới đưa tới khám ở BV gần nhà. Tại BV này, cháu bé được thở oxy và điều trị kháng sinh nhưng tình trạng vẫn tiếp tục xấu đi. Bắt đầu xuất hiện khó thở, tím tái, bé quấy khóc rất nhiều. Gia đình quyết định chuyển con đến điều trị tại BV Nhi T.Ư điều trị.
 Hình minh họa. Nguồn Internet
TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu của BV cho biết, khi vào viện, do tình trạng bệnh quá nặng, bé A. được chuyển thẳng đến khoa Hồi sức cấp cứu. Bé bị viêm phổi, suy hô hấp rất nặng, tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tính. Bé được điều trị bằng thở máy, kháng sinh theo phác đồ, theo dõi sát tình trạng huyết động, diễn tiến của pH, pCO2 và paO2 trong khí máu động mạch. Tuy nhiên, sau 10 tiếng thở máy thông thường, tình trạng của cháu bé vẫn rất nguy kịch. 3 giờ chiều ngày 5/6, tức là 15 giờ sau nhập viện, một cuộc hội chẩn gồm ban lãnh đạo BV, nhóm bác sĩ phẫu thuật tim mạch, nhóm hồi sức và nhóm ECMO được khẩn trương tiến hành. Các bác sĩ thống nhất đặt ECMO để cấp cứu người bệnh. Đây là phương pháp chỉ định sử dụng màng trao đổi oxy ngoài cơ thể, là kỹ thuật rất cao trong hồi sức - cứu cánh cuối cùng của bệnh nhân khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả.

Sau 3 ngày chạy ECMO, phim chụp X-quang cho thấy phổi cháu A. sáng dần. Sang ngày tiếp theo, các chỉ số huyết áp, khí máu và nội môi của bệnh nhi trở lại bình thường, cho phép cai ECMO. 3 ngày sau cai ECMO, cháu tiếp tục được cai máy thở. Hiện bé A. vẫn phải thở oxy qua gọng nhưng đã bú mẹ tốt. Dự kiến cháu có thể xuất viện trong thời gian tới.

Nhận định về ca bệnh này, TS Tuấn cho biết: “Nguyên nhân dẫn tới hội chứng suy hô hấp cấp tính ở bé A. là bệnh viêm phổi nặng. Cháu bé rất may mắn do được phát hiện bệnh sớm và chỉ định ECMO kịp thời. Nếu phát hiện bệnh muộn hoặc chỉ định ECMO chậm thì khả năng cứu sống bệnh nhi thấp hơn nhiều”.

Theo TS Tạ Anh Tuấn, các nguyên nhân gây hội chứng suy hô hấp cấp tính được chia thành:

Nguyên nhân tại phổi: Hay gặp nhất là ngạt nước và viêm phổi nặng do vi khuẩn (phế cầu, Haemophilus influenzae…) hoặc do virus (cúm A H5N1, H1N1, SARS…). Nguyên nhân ngoài phổi: Nhiễm khuẩn nặng hoặc sốc nhiễm khuẩn, truyền máu số lượng lớn đặc biệt là máu toàn phần, bệnh nhân viêm tụy cấp nặng, suy thận cấp, bỏng nặng, nhất là bỏng hô hấp…