Đà Nẵng: Âu lo công nghệ, nghi ngờ năng lực chủ đầu tư xây nhà máy xử lý rác

QUANG HẢI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 23/7, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì buổi họp báo quý II năm 2019. Nhiều nhà báo quan tâm đặt câu liên quan đến việc TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cho doanh nghiệp (DN) liên doanh với nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục triển khai nâng cấp nhà máy xử lý rác Khánh Sơn.

Âu lo công nghệ, nghi ngờ năng lực nhà đầu tư
Mỗi ngày TP Đà Nẵng phát sinh hơn 1.100 tấn rác, trong khi bãi rác Khánh Sơn sắp đầy. Vì thế, Đà Nẵng cần sớm xây nhà máy xử lý rác thải, nếu không muốn “vỡ trận” và trở thành “thành phố chết”.
Để giải quyết bài toán xử lý rác thải cấp bách hiện nay, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hồng Kông - Trung Quốc), đổi mới công nghệ để xử lý rác sinh hoạt.
Theo đó, một nhà máy với công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến sẽ được xây dựng tại bãi rác Khánh Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, công suất xử lý rác 650 tấn/ngày, biến rác thải thành năng lượng, các thông số khí thải và khói thải đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu. Theo kế hoạch đã được UBND TP phê duyệt, nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2019, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2021.
 Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì buổi họp báo.
Chủ trương là vậy nhưng để khởi công xây dựng nhà máy này, chính quyền Đà Nẵng cần sự đồng thuận từ người dân. Bởi lẽ, vấn đề ô nhiễm tại khu vực bãi rác Khánh Sơn khiến người dân bức xúc nhiều năm qua. Mong muốn của người dân Khánh Sơn là di dời bãi rác. Vì thế, Đà Nẵng đã mời một số người dân Khánh Sơn vào thăm quan nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ để mục sở thị công nghệ điện rác và quy trình khép kín của nhà máy (cũng công nghệ của Trung Quốc). Sau đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Tô Văn Hùng đã có buổi đối thoại với người dân Khánh Sơn. Nhưng tại buổi đối thoại, người dân và chính quyền vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến chất lượng công nghệ đốt rác điện xuất xứ Trung Quốc và năng lực của nhà đầu tư là Công ty CP Môi trường Việt Nam. Bởi lẽ, theo báo cáo mới đây của Sở KH&CN Cần Thơ, phần tro xỉ phát sinh sau xử lý rác tại Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ khoảng 25,5% khối lượng rác đưa vào lò đốt, trong khi theo thuyết minh khoa học và công nghệ ban đầu của nhà máy là không quá 20%. Ngoài ra, về nhãn hiệu, nhà máy có 64% thiết bị có nhãn hiệu phù hợp với công bố, còn 36% các thiết bị có nhãn hiệu nhưng không phù hợp với công bố. Hầu hết thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc, một số thiết bị được nhập từ các nước G7.
Một thông số đáng quan tâm khác là mỗi ngày có đến 18 tấn tro bay từ Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, tức là hơn 4% khối lượng rác đưa vào. Tháng 1/2019 vừa qua, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đề nghị nhà máy tiếp tục triển khai xây dựng bãi chôn lấp tro bay với diện tích 1ha giai đoạn 1, trong quá trình thực hiện phải đảm bảo về tiêu chuẩn, kỹ thuật để chôn lấp.  
Còn Công ty CP Môi trường Việt Nam bị nghi ngờ năng lực là vì từng thất bại! Cụ thể, năm 2009, Đà Nẵng giao 10ha đất cho Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam (theo hình thức giao đất không thu tiền, thời hạn 45 năm) để xây Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn (tại thôn Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Ngày 27/6/2015, giai đoạn 1 của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn với công suất 200 tấn rác/ngày khánh thành, đưa vào hoạt động. Sự kiện này được kỳ vọng mở ra bước ngoặt mới trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn tại Việt Nam khi lần đầu tiên một công ty Việt Nam đầu tư đưa vào ứng dụng công nghệ xử lý triệt để 100% chất thải rắn, đồng thời sản xuất ra những sản phẩm nhiên liệu tái tạo không gây ô nhiễm thứ cấp ra môi trường.
Thế nhưng, vận hành được 6 tháng thì nhà máy này phải ngừng hoạt động vì “hiệu quả không đạt như mong muốn”, nguyên nhân do công nghệ. Rốt cuộc, nhà máy nằm “chết” mấy năm nay như… đống rác, còn TP Đà Nẵng đối mặt vấn đề an ninh rác và cuống cuồng tìm giải pháp xử lý rác.
 Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến chủ trương cho Công ty CP Môi trường Việt Nam tiếp tục triển khai nhà máy xử lý rác ở Khánh Sơn.
Trả lời những vấn đề báo chí nêu trên, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT cho biết: TP đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Môi trường Việt Nam nâng cấp công nghệ tiếp tục triển khai dự án với quy mô 650 tấn rác/ngày. Hiện nay, nhà đầu tư đề xuất công nghệ đốt thu hồi năng lượng. Quá trình triển khai phải đảm bảo đầy đủ quy định pháp luật như: Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định công nghệ, được Bộ Công thương cho phép bổ sung vào kế hoạch đấu đấu nối điện…
“Quan điểm của TP là đã thống nhất chủ trương cho Công ty CP Môi trường Việt Nam nâng cấp công nghệ và có thể liên doanh để triển khai nhà máy này; đồng thời công nghệ này phải tuân thủ theo tiêu chuẩn châu Âu. Tỷ lệ chôn lấp sau xử lý phải đảm bảo dưới 5%”, ông Hùng nói.
 Bãi rác Khánh Sơn sắp đầy, Đà Nẵng đối diện vấn đề an ninh môi trường. 
Cũng theo ông Hùng, TP Đà Nẵng sẽ kiểm soát kỹ công nghệ xử lý rác. Việc xử lý tro xỉ là hoàn toàn thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư, chứ không có trách nhiệm của TP. Ngoài ra, TP cũng sẽ kiểm soát tỷ lệ tro bay dưới 5%. Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm luôn việc xử lý tro bay này.
Liệu có sự ưu ái nào cho nhà đầu tư?
Công ty CP Môi trường Việt Nam đã thất bại ở giai đoạn 1 dự án xử lý rác thải, góp phần khiến Đà Nẵng rơi vào tình cảnh như hiện nay về vấn đề rác thải. Thế nhưng, chính quyền TP vẫn tiếp tục để DN này triển khai nâng cấp dự án. Vậy có sự ưu ái nào cho chủ đầu tư?
Trả lời câu hỏi trên tại buổi họp báo, ông Tô Văn Hùng nói: “Dự án này vẫn còn trong thời hạn của chủ đầu tư (đã hết 10 năm, còn 35 năm – PV) nên nhà đầu tư đề xuất được nâng cấp công nghệ cũng như duy trì triển khai một dự án đã có chủ trương đầu tư và quy mô đã được cấp (trong giới hạn 650 tấn rác/ngày) là hoàn toàn đảm bảo đúng quy định”.
 Mới đây, người dân chặn không cho xe chở rác vào bãi rác Khánh Sơn khiến TP Đà Nẵng tồn đọng hơn 1.200 tấn rác. Chính quyền TP phải huy động Công an vào cuộc can thiệp, bảo vệ để xe chở rác vào bãi.
Ông Hùng cho biết thêm, TP Đà Nẵng đã có chủ trương cho Công ty CP Môi trường Việt Nam liên doanh với một nhà đầu tư có năng lực để triển khai đầu tư xây dựng nhà máy. Khi công ty này liên doanh với đơn vị khác có nghĩa đã hình thành ra một pháp nhân mới. Tuy nhiên, khi liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài, Công ty CP Môi trường Việt Nam vẫn tiếp tục được miễn tiền thuê đất.   
Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh cũng khẳng định, quyết định thống nhất chủ trương của UBND TP Đà Nẵng cho Công ty CP Môi trường Việt Nam tiếp tục triển khai nâng cấp nhà máy xử lý rác Khánh Sơn là đúng quy định.
“Đối với nhà máy xử lý rác quy mô 1.000 tấn rác/ngày trong Khu liên hợp xử lý rác Khánh Sơn, hiện Sở TN&MT đang tham mưa cho TP sẽ ban hành bộ quy chuẩn về công nghệ, kinh tế, kỹ thuật và xã hội. Bộ quy chuẩn là cơ sở để chúng tôi lựa chọn nhà đầu tư tham mưu, đề xuất dự án. Từ đó tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư”, ông Tô Văn Hùng thông tin.