Đà Nẵng đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động chuẩn quốc tế

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng cho biết: Sau khi có hệ thống quan trắc môi trường tự động, du khách có thể xem qua điện thoại di động để biết chỉ số nước biển dự báo có an toàn hay không. Hay khi đến một điểm dân cư, chúng ta có thể kiểm tra được kết quả quan trắc không khí cũng thông qua phần mềm trên điện thoại di động.

 Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng trình bày Dự án đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động

Cần thiết đầu tư
Tại cuộc họp UBND TP Đà Nẵng ngày 20/11, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT đã trình bày báo cáo đề xuất Dự án đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ông Hùng nhấn mạnh, việc đầu tư hệ thống các trạm quan trắc này nhằm giám sát, cảnh báo và dự báo tình hình môi trường trên địa bàn.
Trong giai đoạn 1997 - 2010, chương trình quan trắc của TP Đà Nẵng đã thực hiện quan trắc các thành phần môi trường cơ bản: Không khí (xung quanh, khu dân cư, giao thông, công nghiệp, nước (biển ven bờ, nước sông, nước hồ, giếng, đất, sinh học…) nhằm phục vụ báo cáo hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và cảnh báo các tác động có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường).
Đến năm 2014, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng phê duyệt Đề án Xây dựng mạng lưới quan trắc không khí và nước TP. Cụ thể, đầu tư 2 trạm quan trắc tự động ở 41 Lê Duẩn (không khí) và Cầu Đỏ (nước mặt). Ngoài ra, quan trắc thủ công 88 điểm: Không khí 54 điểm, nước sông 9 điểm, nước biển 10 điểm, nước hồ 6 điểm, nước ngầm 9 điểm
Bên cạnh chương trình quan trắc hiện trạng, còn gồm các chương trình quan trắc có mục tiêu như: Kiểm soát nguồn thải, đánh giá tác động nguồn thải đến môi trường, thanh tra, xử phạt và chương trình quan trắc - giám sát định kỳ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan.
Thực trạng đã cho thấy nhiều khó khăn hạn chế như: Phần lớn vị trí quan trắc dạng điểm, tần suất quan trắc mỏng (1 tháng/lần, 1 quý/lần), dẫn đến giá trị dữ liệu đơn lẻ, không liên tục, không có khả năng phát hiện sớm để có các biện pháp kiểm soát, cảnh báo và ngăn chặn kịp thời ô nhiễm; chưa kịp thời phản ảnh được tình trạng chất lượng môi trường (khu vực trọng điểm, khu vực nhạy cảm về môi trường).
Quan trắc chủ yếu là trạm điểm chưa đảm bảo bộ dữ liệu để thực hiện đánh giá chất lượng môi trường theo các mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường; chưa đáp ứng theo định hướng của quốc gia đối với công tác quan trắc (tiến tới hiện đại hóa công nghệ quan trắc tự động, liên tục để phục vụ cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến, chất lượng môi trường). Vì thế dẫn đến thiếu việc công bố thông tin về chất lượng môi trường đến cộng đồng
Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng cho rằng Đà Nẵng cần thiết đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động. “Việc đầu tư nhằm đảm bảo đủ dữ liệu về chất lượng môi trường để kiểm soát hiện trạng môi trường, hướng tới công bố thông tin về chất lượng môi trường TP, đáp ứng mục tiêu Đề án Thành phố Môi trường. Đầu tư hiện đại hệ thống quan trắc môi trường giúp ứng phó nhanh trong kiểm soát môi trường, khắc phục sự cố môi trường”, ông Tô Văn Hùng nhấn mạnh.
 Các bãi tắm của Đà Nẵng sẽ được đầu tư trạm quan trắc hiện đại nhằm giám sát, cảnh báo và dự báo tình hình môi trường nước
Tránh lệch pha, lãng phí về sau
Theo đề án, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đề xuất xây dựng 13 trạm quan trắc môi trường tự động; xây dựng, nâng cấp Trung tâm điều hành tại Sở TN&MT; đào tạo, vận hành và chuyển giao công nghệ.

Cụ thể, đầu tư 6 trạm quan trắc không khí tại: Bán đảo Sơn Trà, khu dân cư (KDC) quận Ngũ Hành Sơn, KDC huyện Hòa Vang, KDC quận Sơn Trà, KDC quận Thanh Khê, Ngã ba Phạm Hùng (quận Cẩm Lệ) - Quốc Lộ 1A. 3 trạm quan trắc nước sông tại: sông Phú Lộc, sông Hàn, sông Cu Đê. 4 trạm quan trắc nước biển ven bờ tại: Bãi tắm Phạm Văn Đồng, Bãi tắm Non nước, Khu vực Bãi Rạng, Vịnh Đà Nẵng – Cảng Tiên Sa. Tổng chi phí hơn 111 tỷ đồng.
Đề án nêu rõ, giai đoạn 1 (2019 - 2020) đầu tư 4 trạm biển ven bờ, 3 trạm không khí (Sơn Trà, Thanh Khê, Phạm Hùng – Quốc lộ 1A), 1 trạm nước mặt (sông Cu đê), nâng cấp trung tâm điều hành (có liên quan đến Đề án Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin quản lý TN&MT), tổng kinh phí gần 66 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (2021 - 2022), đầu từ các trạm còn lại với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng.
Đại diện Sở TN&MT chia sẻ, các thiết bị đề xuất trong gói đầu tư cho hệ thống quan trắc môi trường tự động đạt tiêu chuẩn Châu Âu. Sở TN&MT đã tham khảo tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, Singapore và họ cũng đang sử dụng công nghệ tương đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đồng tình khi cho rằng việc đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động là rất cần thiết. Tuy nhiên, ông Dũng lưu ý cần phải có lộ trình cụ thể, cơ chế quản lý kèm theo để hệ thống quan trắc môi trường này cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng cho TP trong nay mai. Bên cạnh đó, để đảm bảo đồng bộ cho xây dựng TP thông minh thì đề án này cần phải được phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để tránh bị lệch pha, lãng phí về sau.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chốt vấn đề, đầu tư hệ thống quan trắc tự động chỉ cho chúng ta các chỉ số ban đầu về môi trường. Tuy nhiên, làm sao để qua đó giải quyết được cái gốc của ô nhiễm môi trường, quản lý thật chặt tình trạng xả thải mới là vấn đề.
Đề án của Sở TN&MT đã được thông qua tại cuộc họp UBND TP và sẽ trình HĐND TP Đà Nẵng thông qua trong kỳ họp cuối năm.